Vững ý chí với Nghị quyết số 68-NQ/TƯ

Vững ý chí với Nghị quyết số 68-NQ/TƯ
8 giờ trướcBài gốc
Ngay khi Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành và nhất là sau Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TƯ và Nghị quyết số 68-NQ/TƯ tổ chức ngày 18-5 vừa qua, các thế lực thù địch, phản động đã liên tục rêu rao những luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm chống đối và phủ nhận Nghị quyết số 68-NQ/TƯ - một chủ trương mới của Đảng có ý nghĩa truyền cảm hứng, tạo động lực mới cho đất nước phát triển.
Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Thaco Kia (Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải).
1. Nghị quyết số 68-NQ/TƯ là bước chuyển mang tính đột phá về tư duy chiến lược. Đối với doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết được ví như đang nắng hạn lại gặp mưa rào. Thế nhưng, đi ngược lại niềm tin, sự hào hứng, phấn khởi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, những đám mây đen độc hại từ các thế lực phản động, chống đối đã vội vã kéo đến, tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận giá trị cốt lõi của Nghị quyết. Chúng ra sức gieo rắc những hoài nghi, thổi phồng những nguy cơ không có thật, vẽ ra một bức tranh méo mó về tương lai, hòng làm lung lay ý chí, gây chia rẽ trong nội bộ và cản trở tiến trình phát triển của đất nước.
Các trang mạng xã hội của kênh tiếng Việt của BBC, RFI, RFA hay tổ chức khủng bố Việt Tân đều có những bài liên quan đến Nghị quyết. Điều đáng nói là các bài đăng trên các kênh này đều có giọng điệu giống nhau, thể hiện góc nhìn chủ quan, phiến diện, định kiến, nhằm tạo hướng lái cho các bình luận thiếu thiện chí, chống đối. Hùa theo những bài này là hàng loạt bình luận của những thành phần lộ rõ bản chất chống đối, phản động.
Những mũi tên độc ác mà các thế lực thù địch nhắm vào Nghị quyết số 68-NQ/TƯ không mới, nhưng lại được khoác lên mình những chiếc áo ngôn từ xảo quyệt, tinh vi hơn. Chúng cố tình đánh tráo khái niệm, xuyên tạc bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rêu rao rằng việc khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia là sự "từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa", là "tư bản hóa" nền kinh tế. Chúng vẽ vời những viễn cảnh đen tối về sự trỗi dậy của "lợi ích nhóm", về việc "dọn đường" cho cán bộ thoái hóa tham nhũng hợp thức hóa tài sản, thậm chí còn ác ý cho rằng việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng là để "trả giá" cho sự phát triển của kinh tế tư nhân...
Những luận điệu này, xét cho cùng, chỉ là sự lặp lại một cách vụng về những chiêu trò cũ rích, dựa trên sự thiếu hiểu biết và cố tình xuyên tạc nhằm thực hiện âm mưu chống đối, phá hoại vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước chúng ta.
2. Để đập tan những luận điệu sai trái này, cần soi chiếu Nghị quyết số 68-NQ/TƯ dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn phát triển của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin không hề phủ nhận vai trò của kinh tế hàng hóa và thị trường trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kinh tế thị trường là một phương thức tổ chức kinh tế văn minh của nhân loại, có khả năng giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao đời sống vật chất của xã hội. Vấn đề cốt lõi không phải là phủ nhận hay chấp nhận kinh tế thị trường một cách thuần túy, mà là xác định rõ phương hướng chính trị, sự quản lý của Nhà nước để kinh tế thị trường vận hành phục vụ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng quán triệt sâu sắc quan điểm này. Người đã chỉ rõ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, khó khăn, phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, bao gồm cả kinh tế tư nhân, là một yêu cầu khách quan. Việc khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất không hề đi ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa, trái lại, đây là một bước đi cần thiết để khơi thông các nguồn lực, tạo ra của cải vật chất, củng cố nền tảng kinh tế cho chủ nghĩa xã hội.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp...”; “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đất nước đã chứng minh một cách hùng hồn tính đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% Tổng sản phẩm nội địa (GDP), hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ra đời trong bối cảnh mới, khi kinh tế tư nhân đã lớn mạnh hơn, đòi hỏi phải có một khung khổ pháp lý và chính sách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khu vực này phát triển lành mạnh, đúng hướng, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất chính là sự ghi nhận khách quan những đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân, đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc tiếp tục khơi dậy tiềm năng, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Luận điệu về "lợi ích nhóm" và "hợp thức hóa tài sản tham nhũng" hoàn toàn là những cáo buộc vô căn cứ, mang động cơ chính trị đen tối. Đảng và Nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Việc tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, minh bạch, dưới sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, càng tạo thêm cơ sở để ngăn chặn những hành vi sai trái. Còn tinh giản biên chế là một chủ trương lớn, nhằm xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, hoàn toàn không liên quan đến việc "trả giá" cho kinh tế tư nhân.
3. Để chặn đứng các chiêu trò phá hoại và luận điệu xuyên tạc, sai trái về Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, đồng thời đưa Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt và căn cơ.
Trong đó, các cấp ủy tổ chức Đảng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên và cộng đồng doanh nghiệp. Kết hợp đồng thời giữa việc sử dụng đa dạng các kênh truyền thông, từ báo chí đến các nền tảng mạng xã hội, để truyền tải thông tin một cách chính xác, kịp thời và dễ hiểu; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, vạch trần bản chất xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17-5-2025 với một loạt cơ chế, chính sách đặc biệt dành cho khu vực kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, cần khẩn trương triển khai, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho kinh tế tư nhân phát triển. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần loại bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, nguồn lực, công nghệ, thị trường một cách công bằng gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm kinh tế tư nhân phát triển đúng định hướng, tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm xã hội.
Bên cạnh đó, giải pháp mấu chốt là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và trật tự xã hội. Đồng thời, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực để lãnh đạo và quản lý kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tập hợp, đoàn kết, định hướng và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Tạo nhiều diễn đàn để các doanh nghiệp tư nhân bày tỏ ý kiến, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách và giám sát việc thực thi pháp luật.
Với phương châm “Dân là gốc”, các cấp, các ngành cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với cả hoạt động của kinh tế tư nhân và công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không ngừng nỗ lực nêu gương và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước. Sức mạnh lớn nhất để chống lại mọi âm mưu phá hoại chính là sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân.
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ra đời là một bước tiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự đổi mới tư duy của Đảng ta trong việc khai thác mọi tiềm năng của đất nước nhằm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những luận điệu xuyên tạc, chống phá dù có xảo quyệt đến đâu cũng không thể che lấp được ánh sáng chân lý và sức mạnh của sự phát triển. Với ý chí vững vàng, quyết tâm cao độ và hành động đồng bộ, hiệu quả, Đảng, Nhà nước và nhân dân nhất định sẽ đưa Nghị quyết số 68-NQ/TƯ vào cuộc sống, biến chủ trương đúng đắn của Đảng thành hiện thực sinh động, góp phần xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Minh Nguyệt
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/vung-y-chi-voi-nghi-quyet-so-68-nq-tu-702956.html