'Vườn chim Hải Lựu' của người vợ liệt sĩ

'Vườn chim Hải Lựu' của người vợ liệt sĩ
7 giờ trướcBài gốc
Quyết giữ "ngôi nhà lớn" cho hàng vạn chim, cò
Bà Vũ Thị Khiêm sống trong căn nhà cấp 4 nằm giữa khoảnh rừng cây cổ thụ yên tĩnh. Dù đã bước sang tuổi 85 nhưng ngày ngày bà vẫn đều đặn ra khu rừng, ngắm nhìn đàn chim bay về khi ánh hoàng hôn dần buông xuống. Nữ đảng viên Vũ Thị Khiêm có gần 60 năm tuổi Đảng, chồng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bà Khiêm kể: "Gia đình tôi đến khai hoang, sinh sống ở đây từ năm 1949. Ngày ấy, nơi này là vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp, gia đình phải bỏ nhiều công sức làm rẫy để trồng ngô khoai, diện tích còn lại trồng cây ăn quả và lấy gỗ. Vài năm sau, rừng cây khép tán cũng là lúc xuất hiện những đàn chim, cò về ở. Ban đầu chỉ lác đác vài chục con, dần dần chúng sinh sôi nảy nở và chim, cò từ nơi khác cũng theo về trú ngụ”.
Bà Vũ Thị Khiêm kể chuyện với tác giả.
“Đất lành nhưng người không thân thiện thì cò cũng không ở nổi đâu”. Bà Khiêm nghĩ thế từ khi còn trẻ và quyết định gắn bó với rừng cây bên cánh đồng Dừa do bố mẹ trồng, chăm sóc. Hiện nay, khu rừng xanh tươi của gia đình bà có diện tích hơn 5ha với khoảng 500 cây gỗ dổi, 300 cây mít, 300 cây sưa, 230 cây cọ, 100 cây lát, 80 cây trám, 70 cây nhãn, 50 cây lim và hơn 1.400 bụi tre, nứa; có những cây cổ thụ cao đến 40m, gốc hai người ôm mới xuể. Đặc biệt, khu rừng này thường xuyên có hàng vạn con chim trú ngụ, nhiều nhất là loài cò với đủ loại: Cò trắng, cò vằn, cò ngà, cò bợ, cò tum, cò cổ rắn, cò quăm, bồ nông, diệc xám, cốc đế, cùng nhiều loại chim quý hiếm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rừng cây của bà Khiêm có tổng cộng khoảng 40 loài chim, thuộc 21 họ và 6 bộ; trong số đó có 29 loài định cư, 4 loài di cư và 7 loài vừa di cư, vừa định cư. Các nhà khoa học đặt tên khu rừng này là “Vườn chim Hải Lựu”.
Bà Khiêm hào hứng chia sẻ, đàn chim đi kiếm ăn từ sáng sớm đến chiều tối. Chúng đi xa lắm, có loài bay qua sông Lô sang kiếm ăn ở khu vực đồng ruộng quanh chân núi Nghĩa Lĩnh, Đền Hùng (Phú Thọ). Chiều chiều, chúng bay về thành từng đàn, chao liệng trên bầu trời trước khi đậu xuống các ngọn cây, làm rộn rã, xao động cả khoảng trời xung quanh khu rừng. Bà Khiêm thường đứng giữa sân ngắm nhìn đàn chim, cò trở về, nghe tiếng chúng chí chóe tranh nhau chỗ đậu mà thấy vui. Bà nhớ lại, khoảng 25 năm trước, đã có lần vì thiếu tiền đong gạo và đóng học cho các cháu, bà vác dao lên rừng định đốn vài cây tre để bán. Thế nhưng lúc đi tới bụi tre, bà lại nghĩ, nếu mình đốn những cây này thì lũ cò tối về không có nơi neo đậu, chúng sẽ ngủ ở đâu? Vậy là bà lẳng lặng cầm dao xuống đồi.
Đặc biệt, mấy chục năm qua, bà Khiêm đã từ chối tất cả lời đề nghị hấp dẫn từ những người đến hỏi mua khu vườn chim. Có người đã trả giá khu vườn tới 70 tỷ đồng, nhưng bà nhất quyết không bán. Có người còn cam kết xin nhận bà Khiêm là “chị nuôi”, hứa sẽ tặng căn biệt thự tiện nghi đầy đủ và... muốn gì cũng có, miễn sao được mua lại khu rừng này, nhưng bà cũng từ chối. Bà Khiêm tâm sự: "Sống ở trên đời, tiền bạc ai cũng cần, cũng quý, nhưng tôi nhất quyết không bán vườn chim vì đây là "nhà của đại gia đình cò", là tâm huyết của cả đời tôi. Tôi bán rừng đi thì đàn cò sẽ lấy chỗ đâu mà ở, liệu người mua rừng có tâm huyết bảo vệ, chăm sóc chúng hay không?”.
Trọn đời chăm lo cho vườn chim
Bên khói lam chiều, trong lúc ngóng đợi đàn chim bay về tổ, bà Khiêm chia sẻ: “Việc giữ rừng cây, bảo vệ đàn cò đối với người đàn ông có sức vóc đã khó, tôi là đàn bà "chân yếu tay mềm" lại càng khó hơn. Tôi canh giữ đàn cò bằng cái tâm thôi. Trước đây, nạn săn bắn trộm chim hầu như không có nên đàn chim, đàn cò cứ vô tư mà sống bình yên. Đến mùa sinh sản, cả khu rừng lúc nào cũng ríu ran tiếng chim, tiếng cuốc. Nhưng khi những nhà hàng “đặc sản chim rừng, chim đồng”, "chim to dần" đua nhau mọc lên thì bọn săn bắn trộm chim, cò cũng ngày càng nhiều, rất táo tợn. Vườn cò của nhà tôi trở thành mục tiêu của lũ “chim tặc”, chúng rình rập săn bắn không kể ngày đêm”.
Có đêm, nghe tiếng cò kêu lạ, biết là có trộm, bà gọi con rể cùng một số người hàng xóm đến giúp sức. Chạy ra, chúng đã bắn được hai bao tải cò. Con rể bà đến can thiệp liền bị các tên trộm quây lại đánh. Bà trợn mắt, tay nắm chặt, nói rít lên: “Tụi bay độc ác lắm, giết bấy nhiêu con cò mẹ, thì hàng trăm con cò con ai kiếm mồi cho nó ăn, rồi chúng nó cũng phải chết theo bố, theo mẹ nó thôi. Chúng bay là đồ bất nhân, bất nghĩa”... Bọn bắn trộm chim thấy bà già mắng rất đanh thép mà chí lý, chúng sững sờ một lát rồi cúi mặt bỏ đi. Nhìn những con cò đã chết thảm, lòng dạ bà Khiêm như bị xát muối...
Dù vườn đã được rào cẩn thận, nhưng không mấy đêm bà Khiêm ngủ tròn giấc. Thậm chí, bọn trộm chim còn lợi dụng những đêm trời mưa gió để hành động. Nghe thấy tiếng động lạ, cò bay nháo nhác, bà Khiêm lại vùng dậy mặc áo tơi, tay cầm đèn pin, tay chống gậy lập cập ra vườn để ngăn cản kẻ gian. Không những kẻ gian từ xa đến mà còn có cả một số thanh niên trong làng, trong xã. Có lần bà Khiêm cùng người dân và công an địa phương tóm được đối tượng bắn trộm chim trong đêm. Tên trộm tức tối chĩa khẩu súng hơi vào bà đe dọa, nhưng bà không sợ.
Một góc vườn cò của bà Vũ Thị Khiêm ở thôn Đồng Dừa, Xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) .
Bà Khiêm tâm sự: “Đã nhiều năm sống cùng với đàn cò nên tôi hiểu hết những tập tính của từng loài. Mùa sinh sản của chúng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, đó là những tháng ngày vui nhất vì được nhìn thấy chúng sinh sôi nảy nở, nhưng cũng là thời gian bà cháu tôi mất ăn mất ngủ, sợ nhất là khi cò cất tiếng kêu thất thanh, rồi nháo nhác bay. Sự hoảng loạn đó thường do kẻ gian vào săn bắn, bắt trộm. Mùa cò sinh sản, tôi gần như thức trắng đêm vì lo cho chúng, phải canh chừng kẻ trộm. Nhiều người bảo tôi khùng, tôi hâm... nhưng tôi cứ làm bằng cái tâm của mình, xuất phát từ tình cảm với đàn chim, cò. Tôi thấy nó cũng có cuộc sống và tình cảm giống như con người vậy”.
Với suy nghĩ ấy, bao nhiêu năm qua, dù trời mưa, nắng hay bà bị ốm mệt thì vẫn ra vườn đều đặn để trông nom đàn cò. Loài cò không nuôi con của nhau. Vì thế, sau những trận mưa to, gió lớn, bà Khiêm lại cặm cụi đi tìm những con cò non bị rớt xuống đất, tìm cách đưa chúng về tổ, trở lại với bố mẹ. Con nào yếu ớt hay không thể đưa trở lại tổ, bà mang về ủ ấm, đút từng con tép, con tôm, nuôi đến khi đủ lông đủ cánh, tự kiếm ăn được thì bà mới thả về vườn.
Câu chuyện dành cả cuộc đời để bảo vệ rừng cây, bảo vệ đàn cò của bà Vũ Thị Khiêm lan tỏa đến rất nhiều người trên cả nước. Nhận rõ giá trị của vườn cò, từ năm 2010, huyện Sông Lô đã làm con đường bê tông từ đê tả sông Lô vào khu vườn cò và gắn biển chỉ dẫn, mỗi năm có hàng nghìn lượt du khách đến vườn cò tham quan, nghiên cứu. Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã hỗ trợ bà bảo vệ khu rừng, đàn chim.
Chiến tranh và thời gian đã lấy đi nhiều thứ của bà Khiêm, nhưng không thể lấy được đức hạnh và sức mạnh tinh thần, ý chí, nghị lực của người vợ liệt sĩ có thân hình mảnh mai, dành cả cuộc đời gắn bó với “Vườn chim Hải Lựu”. Hiện bà Khiêm đã ở tuổi “gần đất xa trời”, nhưng vẫn “lặn lội thân cò” để giữ rừng, bảo vệ đàn chim trời hàng vạn con, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bà như "người bảo mẫu vĩ đại của Vườn chim Hải Lựu”. Suy nghĩ và việc làm của bà đã cảm hóa rất nhiều người trong việc tự giác, tự nguyện bảo vệ rừng và những loài chim, thú tự nhiên, góp phần gìn giữ môi trường thiên nhiên trong lành, bền vững.
Rời “Vườn chim Hải Lựu” khi chiều buông, nhìn lên bầu trời thấy hàng vạn con chim, cò thành từng đàn lớn nối nhau bay về, làm cho khung cảnh vùng trung du đẹp và bình yên như trong truyện cổ tích, tôi chợt nghĩ: Đây là món quà quý giá mà "mẹ thiên nhiên" và bà Vũ Thị Khiêm không chỉ dành tặng huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, mà tặng cho tất cả chúng ta.
Với những cống hiến trong công tác bảo vệ môi trường, bà Vũ Thị Khiêm được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các bộ, ngành trao tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương, giải thưởng môi trường. Đặc biệt, năm 2024, bà Vũ Thị Khiêm vinh dự được bình chọn là một trong 25 điển hình tiêu biểu toàn quốc về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với chủ đề “Đổi mới và phát triển”.
LÊ XUÂN MINH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/vuon-chim-hai-luu-cua-nguoi-vo-liet-si-826766