Hội viên phụ nữ mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt
Khi vốn vay được sử dụng đúng mục đích
Chị Lê Việt Hà, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy từng không có việc làm, cả gia đình sống bằng đồng lương của chồng chị. Khi được Hội LHPN phường động viên vay vốn để khởi nghiệp, chị đã không do dự. “Có nợ mới có động lực làm để trả. Từ những đồng vốn ban đầu, tôi đã bắt tay vào trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, nuôi gà, vịt…”, chị Hà trải lòng.
Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, vốn ít, chị Hà phải lấy công làm lãi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị bắt đầu trồng rau màu, cây trái ngắn vụ như bầu, bí, nuôi gà, vịt để có thêm thu nhập... Đến nay, diện tích hơn 3ha vườn cây ăn quả của chị Hà đã cho thu hoạch đều đặn.
Chọn hướng đi phù hợp, chị Hà không những đã trả được vốn vay ban đầu, mà mô hình kinh tế của chị đã đem lại lợi nhuận cao, trừ chi phí mỗi năm chị Hà thu lãi từ chăn nuôi, trồng trọt gần 200 triệu đồng.
Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chị Nguyễn Thị Phương, thôn Cổ Tháp, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình làm hương trầm tại nhà. Khi nhận được vốn, chị mua sắm máy móc, nguyên vật liệu để khởi nghiệp.
“Tôi bén duyên với nghề làm hương cũng nhờ những dịp đi tìm hiểu, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả của các địa phương do Hội LHPN xã tổ chức. Nhận thấy nhu cầu ở địa phương cao nhưng chưa có ai làm, tôi đã vay vốn để khởi nghiệp. Mới đầu, chủ yếu là các thành viên trong nhà cùng làm, nhưng hiện nay, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, cơ sở sản xuất hương của tôi phải thuê thêm 7 nhân công thường xuyên mới kịp hàng giao cho khách”, chị Phương cho biết.
Nguồn vốn vay được chị Phương sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đã được chứng minh bằng nguồn thu nhập ổn định, trên 200 triệu đồng/năm. Không những thoát nghèo bền vững, chị Phương còn là điển hình trong phát triển kinh tế để hội viên noi theo.
Giúp các hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn
Đến hết quý I/2025, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội LHPN thành phố Huế hơn 2.700 tỷ đồng, với 1.222 tổ vay vốn (TVV). Để các hội viên có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay, Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cơ sở hội rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các hội viên, nhất là hội viên nghèo để có sự hỗ trợ kịp thời.
Để nguồn vốn vay đến đúng người, sử dụng đúng mục đích, Hội LHPN các địa phương triển khai thực hiện tốt khâu xét cho vay. Đồng thời, khi nguồn vốn vay đã được giải ngân, các chi hội kiểm tra thường xuyên hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế không hiệu quả để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có sự hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cùng với việc hỗ trợ, giúp hội viên tiếp cận được các vốn vay ưu đãi, Hội LHPN thành phố phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên.
Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Huế cho biết: Hội LHPN các địa phương chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; tham gia họp giao ban định kỳ với Ngân hàng CSXH và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động ủy thác hàng năm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở, đề ra các giải pháp hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương.
Bài, ảnh: Thảo Vy