Diện tích rừng cho thuê nằm trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ - hành chính, bao gồm 12 điểm du lịch với tổng diện tích hơn 2.500 hec ta cùng 14 tuyến du lịch sinh thái dài hơn 182 km, chiếm khoảng 1.600 hec ta.
Trên đỉnh Bạch Mã
Dự kiến, mô hình du lịch sinh thái tại Bạch Mã sẽ thu hút khoảng 300.000 lượt khách mỗi năm, mang lại doanh thu từ 100 tỷ-150 tỷ đồng mỗi năm. Đề án này kỳ vọng sẽ thu hút từ 5-10 nhà đầu tư thông qua nguồn vốn xã hội hóa, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 150-300 lao động trực tiếp và 300-600 lao động gián tiếp.
Những khu biệt thự trên đỉnh Bạch Mã
Hạ tầng kỹ thuật và du lịch sẽ được hoàn thiện để xây dựng các điểm, tuyến du lịch độc đáo, đưa Bạch Mã trở thành điểm đến nổi bật của khu vực miền Trung và cả nước. Việc phát triển du lịch tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ rừng, môi trường và văn hóa bản địa. Các công trình xây dựng phải sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan tự nhiên.
Bạch Mã nhìn từ trên cao
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, việc cho thuê môi trường rừng là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương gắn liền với bảo tồn sinh thái và văn hóa vùng Trường Sơn; Thời hạn tiếp nhận hồ sơ thuê rừng kéo dài đến hết ngày 30/5/2025. “Vườn đã lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2024-2030 đã được phê duyệt với diện tích khoảng 4.200 héc ta cho tổng cộng là 12 điểm du lịch và 14 tuyến du lịch. Chúng tôi đã tập trung để xây dựng hồ sơ kỹ thuật để hướng dẫn cho thuê môi trường rừng đối với các điểm du lịch và tuyến du lịch đã được phê duyệt. Các nhà đầu tư quan tâm người ta có thể khảo sát, lập các ý tưởng đầu tư và chúng tôi sẽ phải chấm điểm, và đơn vị đạt thì chúng tôi sẽ tiến đến thương thảo hợp đồng cho thuê môi trường rừng”.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung