HoREA đề xuất TPHCM không cấm lưu trú ngắn ngày trong chung cư. Ảnh: Quỳnh Trần
Sau khi quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh lưu trú ngắn ngày có hiệu lực từ ngày 27-2, nhiều chủ nhà cho thuê airbnb bị hủy hợp đồng, mất nguồn thu và rơi vào khó khăn tài chính, TTXVN đưa tin.
Theo số liệu do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổng hợp và gửi UBND thành phố, có khoảng 8.740 căn hộ đang được khai thác theo mô hình này với tổng giá trị đầu tư khoảng 43.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ khi cấm cho thuê lưu trú ngắn hạn trong căn hộ chung cư, nhiều hộ gia đình mất nguồn thu chính, không trả được nợ vay, vi phạm hợp đồng với khách nước ngoài, thậm chí phải bán lỗ tài sản.
HoREA cho rằng đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn cho thấy một nguồn lực kinh tế quan trọng của đô thị đang bị "đóng băng" do thiếu chính sách quản lý phù hợp.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng mô hình airbnb vẫn còn bất cập cần quản lý, nhất là về an ninh, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và nội quy chung cư. Tuy vậy, TPHCM nên quản lý có điều kiện thay vì cấm hoàn toàn.
HoREA đề xuất UBND TPHCM sửa đổi quyết định trên, cho phép khai thác lưu trú ngắn ngày trong chung cư nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp lý, an toàn và trật tự.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định, không nên đóng cửa một mô hình kinh tế đang mang lại thu nhập cho hàng chục nghìn người chỉ vì chưa có cơ chế rõ ràng.
Ông đề xuất TPHCM nên tiên phong thí điểm mô hình này hợp pháp, tạo tiền đề để Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình lưu trú chia sẻ trong tương lai.
Theo HoREA, airbnb không chỉ là dịch vụ lưu trú mà còn là một phần của hệ sinh thái đô thị hiện đại, tạo việc làm từ các dịch vụ đi kèm như đặt xe, giặt ủi, sửa chữa, ẩm thực, tour trải nghiệm... với nguồn lực sẵn có trong dân cư.
Ngưng khai thác mô hình này đồng nghĩa gián đoạn dòng tiền và ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, chuỗi dịch vụ và nguồn thu ngân sách, chỉ vì thiếu cơ chế quản lý phù hợp.
Đại diện HoREA cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ và mô hình tự doanh linh hoạt đang được Chính phủ khuyến khích, việc không tận dụng mô hình Airbnb, vốn đã hoạt động ổn định, là một bước lùi so với tinh thần cải cách.
Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn hoặc nghị quyết làm rõ phạm vi “sử dụng nhà ở đúng mục đích”, giúp các địa phương áp dụng chính sách đồng bộ và tạo điều kiện phát triển bền vững cho thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, airbnb đã chứng minh hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và đóng góp ngân sách. Nếu được quản lý đúng cách, mô hình này sẽ không gây rối trật tự xã hội mà có thể là phần của chính sách phát triển kinh tế đô thị hậu COVID-19.
HoREA kiến nghị TPHCM cần chọn cách làm phù hợp với cải cách, thay vì mất nguồn thu ngân sách do quyết định hành chính cứng nhắc.
Gia Nghi