Vườn quốc gia Cát Bà: Xót xa những vạt rừng vùng lõi

Vườn quốc gia Cát Bà: Xót xa những vạt rừng vùng lõi
9 giờ trướcBài gốc
Lực lượng chức năng đánh giá, phải mất 3-5 năm hoặc có thể lâu hơn hơn nữa rừng ở Cát Bà mới có thể phục hồi nguyên trạng.
Hơn một tháng sau bão số 3 (Yagi) đổ bộ những cánh rừng trên núi đá vôi ở Vườn quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) vẫn xơ xác, đỏ úa.
Trên con đường xuyên đảo Cát Bà dài hàng chục km nối nhiều xã vùng đệm với trung tâm vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà những vạt rừng xanh loang lổ những đốm đỏ nâu như bã trầu bởi cành lá bị bão tuốt, bẻ gãy nay đã khô.
Ông Nguyễn Thế Lực, 50 tuổi, cán bộ kiểm lâm lái chiếc xe Jupiter cũ chở chúng tôi vào thăm rừng. Được nửa đường, dừng xe ở một thung lũng từng được ví đẹp nhất Vườn quốc gia Cát Bà. Cung đường này thẳng tắp hàng trăm mét, hun hút rừng cây cổ thụ hai bên như thiên đường trên phim ảnh.
Vạt rừng Áng Rạng, VQG Cát Bà tan hoang sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Ông bảo, cánh rừng nguyên sinh, hoang sơ này từng là điểm check-in thu hút hàng vạn du khách mỗi năm khi họ đến tham quan, checking xuyên rừng. Thung lũng khuất, kín vậy mà bão cũng chẳng tha, hàng nghìn cây cổ thụ, gỗ quý bung gốc, bị bẻ gãy thân cành.
Ôm vừa thân gỗ lim bật gốc, ông Lực xót xa: “Nó tầm tuổi tôi đấy, phải dùng cưa máy chật vật mới cắt được từng khúc dọn vào lề đường lấy lối đi, gỗ chắc lắm”. Gang tay ướm thử, đường kính thân gỗ chừng 40cm, ông Lực lắc đầu “tiếc lắm, tiếc lắm”.
Qua cánh rừng lim, đập vào mắt chúng tôi là vạt rừng Áng Rạng, vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà như vừa trải qua trận động đất, mưa bom. Hàng nghìn cây gỗ lớn gãy ngang thân, bị tước sạch cành, lá. Những thân gỗ vừa người ôm trắng, nâu sẫm đủ màu trơ trọi, dựng đứng như bãi chông, bãi cọc. Trên mặt đất phủ một lớp thực bì dày đặc.
Dọc đường mòn lên đỉnh núi Áng Rạng cao vài trăm mét, chúng tôi liên tục phải cúi đầu, nhổm bước qua những thân gỗ lim, trám, trâm trắng… cỡ người ôm không xuể chắn ngang, la liệt.
Chỉ vào cây trâm trắng mới bị cắt, ông Lực thở dài, rừng cây cổ thụ cao hàng chục mét chắc khỏe vậy cũng không chịu được bão, đổ như ngả rạ. Cây nào còn trụ vững thì cành lớn, cành nhỏ bị tước sạch sẽ.
Cao điểm phòng chống cháy rừng
Cùng đi với chúng tôi, còn có cán bộ kiểm lâm Hoàng Dũng Sỹ, cũng khoảng tuổi ngũ tuần. Ông kể, suốt ba mươi năm làm nhiệm vụ tuần rừng, chưa bao giờ ông Sỹ thấy trong rừng nắng gắt như vậy.
Ông Sỹ cũng than rằng, có lẽ phải mất ít nhất 3-5 năm nữa, thậm chí còn lâu hơn nữa rừng Vườn quốc gia Cát Bà mới khôi phục lại.
Ông Hoàng Dũng Sỹ cũng cho biết, hơn một tháng sau bão, gần 60 cán bộ kiểm lâm tại 12 trạm thuộc Vườn quốc gia Cát Bà tuần tra 24/24 cũng chưa thể kiểm kê hết thiệt hại. Mọi người tập trung lực lượng, thiết bị, cưa máy để dọn dẹp, cắt cây gỗ dọc đường xuyên rừng. Nay đường rừng đã thông trở lại thì cành, lá cây đổ gãy do bão đã khô, phủ dày trên mặt đất tạo thành tấm thảm khổng lồ và nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.
“Dịp này đúng cao điểm mùa khô hanh. Chỉ một tàn thuốc dở, một mồi lửa đều có thể thiêu rụi cả rừng. Với địa hình núi đá cheo leo, lớp thực bì dày đặc như vậy, không có cách nào cứu chữa khi rừng bị cháy. Do đó, việc tuần tra kiểm soát người, nguồn lửa ra vào rừng là ưu tiên số 1”, ông Hoàng Dũng Sỹ nói.
Đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà cho biết, theo quy định, cây gỗ trong rừng đổ gãy vì bất kỳ lý do gì cũng không được vận chuyển ra ngoài, phải giữ nguyên trạng theo tự nhiên. Cán bộ kiểm lâm chỉ được phép cưa cắt, dọn dẹp cây gỗ chắn ngang lấy lối đi tuần tra. Về việc bảo vệ, chống cháy và phục hồi rừng, đơn vị đang phối hợp với UBND huyện Cát Hải, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn cho cán bộ, người dân địa phương về công tác phòng chống cháy rừng.
Trước bão, vạt rừng này luôn là điểm đến hấp dẫn nhất Vườn quốc gia, còn được gọi với cái tên “Tuyến đường giáo dục môi trường – Du lịch sinh thái” với hệ sinh thái đa dạng, khung cảnh thơ mộng.
Nguyễn Hoàn
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/vuon-quoc-gia-cat-ba-xot-xa-nhung-vat-rung-vung-loi-post1684108.tpo