Vườn quốc gia Xuân Thủy: Hướng tới mục tiêu trở thành Vườn Di sản ASEAN (Kỳ II)

Vườn quốc gia Xuân Thủy: Hướng tới mục tiêu trở thành Vườn Di sản ASEAN (Kỳ II)
12 giờ trướcBài gốc
(tiếp theo và hết)
Cùng với việc quan tâm, nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ để được công nhận VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN, qua đó nhằm phát huy giá trị của VQG trong việc giữ gìn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Một góc Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Kỳ II: Hành trình trở thành Vườn Di sản ASEAN
Nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững VQG Xuân Thủy, trong suốt thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Giao Thủy, Ban quản lý VQG Xuân Thủy triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại VQG Xuân Thủy, bao gồm phục hồi rừng ngập mặn, kiểm soát môi trường và phát triển các mô hình kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.
VQG Xuân Thủy được thành lập theo Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg ngày 2/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở điều chuyển từ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy. VQG Xuân Thủy được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sản, loài chim nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. Thường xuyên phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo tồn nguồn gen động vật, khảo nghiệm lựa chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây ngập mặn có triển vọng nhằm nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng các loài cây ngập mặn có ưu thế về sinh khối, sinh thái và thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, thủy triều dâng cao với cường độ mạnh... Điển hình như các đề tài, dự án: “Đầu tư phát triển vùng lõi VQG Xuân Thủy”; “Nghiên cứu, xác định một số cây trồng thích hợp và kỹ thuật ươm giống cây con chất lượng tốt tại VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”… Các hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học và các hệ sinh thái được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả. Thực hiện tốt việc nắm bắt thông tin kinh tế - xã hội địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực để đánh giá, dự báo diễn biến xu hướng tác động đến tài nguyên thiên nhiên; nhiệm vụ quan trắc dữ liệu khí tượng thủy văn được chú trọng và thực hiện thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Cán bộ Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy giới thiệu hệ sinh thái của vườn với sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Giao Thủy, Ban quản lý VQG Xuân Thủy đã chủ động đề xuất, kêu gọi các chương trình hỗ trợ phát triển sinh kế cộng đồng như Chương trình của Trung tâm Khuyến nông quốc gia về phát triển nuôi tôm quảng canh, nuôi ong lấy mật tại vùng đệm; chương trình thúc đẩy các mô hình du lịch sinh thái tại các địa phương… Thông qua các chương trình, hoạt động du lịch sinh thái bước đầu đã được hình thành tại khu vực VQG Xuân Thủy. Bình quân mỗi năm có khoảng 15 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại khu vực. Ban quản lý VQG Xuân Thủy đã ban hành quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực. Các chương trình góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, giảm sự lệ thuộc của người dân vào tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, công tác giáo dục về bảo vệ môi trường được phối hợp tổ chức thường xuyên tại VQG Xuân Thủy. Các hội nghị tuyên truyền triển khai đến từng nhà văn hóa các xã vùng đệm thu hút nhiều đối tượng người dân tham gia, hưởng ứng. Công tác phổ biến thông tin về vai trò của đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên đất ngập nước được truyền tải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm, tờ rơi tới du khách tham quan, góp phần gìn giữ môi trường, giảm tải áp lực lên hệ sinh thái VQG Xuân Thủy…
Quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa VQG Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN, UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý VQG Xuân Thủy chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ bảo đảm đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn Ban quản lý VQG Xuân Thủy triển khai xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề cử theo đúng quy định. Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và của tỉnh, đến ngày 22/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 79/TTr-BTNTM gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề cử VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định là Vườn Di sản ASEAN. Ngày 25/9/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6849/VPCP-NN đề nghị các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu cho ý kiến bằng văn bản đối với hồ sơ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bộ, ngày 28/10/2024, UBND tỉnh đã có Công văn số 1095/UBND-VP3 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Ngày 22/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 590/VPCP-NN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nam Định về việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý thông qua chủ trương đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo trong quá trình đề nghị công nhận VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN và hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mới đây đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và quá trình hoàn thiện hồ sơ đề cử VQG Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN. Để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, thời gian đề ra, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị yêu cầu tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan, huyện Giao Thủy, Ban quản lý VQG Xuân Thủy chú trọng xây dựng báo cáo chi tiết VQG Xuân Thủy theo hướng xác định rõ các tiêu chí, mức độ, khả năng đạt được của từng tiêu chí. Trong đó cần đặc biệt chú ý, nêu bật được các giá trị đặc trưng, tính nổi trội, sự khác biệt của VQG Xuân Thủy. Chuẩn bị chu đáo hồ sơ, tài liệu chứng minh bằng hình ảnh, tư liệu thuyết trình; xác định rõ lộ trình, vị trí thực địa phục vụ đoàn kiểm tra, thẩm định của ASEAN trong thời gian tới… Đồng chí Giám đốc Ban quản lý VQG Xuân Thủy Doãn Cao Cường cho biết: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh, Ban quản lý VQG Xuân Thủy đang tích cực bổ sung hoàn thiện hồ sơ đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN bảo đảm đáp ứng 12 tiêu chí về Vườn Di sản ASEAN của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN. Tăng cường công tác quản lý để đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái điển hình khu vực đất ngập nước cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam; quản lý, bảo tồn và có ranh giới, diện tích rõ ràng trên bản đồ và được cắm mốc trên thực địa. Các hệ sinh thái không bị xâm hại, không bị tác động làm suy giảm về thay đổi cấu trúc tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, các giá trị bảo tồn…
VQG Xuân Thủy sớm được ASEAN công nhận là Vườn Di sản ASEAN là sự ghi nhận cho những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Nam Định trong việc thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia. VQG Xuân Thủy được công nhận trở thành Vườn Di sản ASEAN là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững của Việt Nam. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của VQG Xuân Thủy mà còn góp phần vào nỗ lực chung của khu vực Đông Nam Á trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khẳng định tầm quan trọng của khu vực ASEAN trong công tác bảo tồn và mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế. Đó cũng là mục tiêu mà sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN hướng tới và thực hiện dựa trên Tuyên bố về các vườn di sản ASEAN từ năm 2003.
Bài: Văn Đại , Ảnh: Viết Dư
Kỳ I: Những giá trị sinh thái nổi trội
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/vuon-quoc-gia-xuan-thuy-huong-toi-muc-tieu-tro-thanh-vuon-di-san-asean-ky-ii-a497455/