Vượt khó 'gieo chữ' trên 'cao nguyên đá' Lục Khu

Vượt khó 'gieo chữ' trên 'cao nguyên đá' Lục Khu
2 giờ trướcBài gốc
Từ tờ mờ sáng, khi sương trắng còn phủ kín những con đèo dốc đứng, chúng tôi có dịp cùng các thầy cô bắt đầu hành trình lên vùng “cao nguyên đá” Lục Khu. Hơn một giờ vượt qua hàng chục ki lô mét đường đèo khó đi, gồ ghề hiểm trở, một bên là vách đá cheo leo, một bên là thung lũng sâu thăm thẳm. Ngay khi màn sương dần tan biến trong nắng sớm, Điểm trường Cả Giang, thuộc Trường Tiểu học Thượng Thôn, xã Thượng Thôn dần hiện ra giữa lưng chừng núi đá.
Dừng chân buộc lại bình nước 20 lít trên yên xe, cô giáo Đàm Thị Trang mới chuyển công tác tới điểm trường được hơn 3 tháng đề nghị: Phóng viên đừng chụp ảnh khó khăn này, ở đây là việc rất bình thường. Để lên điểm trường đúng giờ học sinh đến lớp thì phải đi từ sáng sớm, thời gian đầu đi một mình tôi rất lo, nhưng vì học sinh nên chúng tôi đều cố gắng vượt qua khó khăn. Trên vùng cao nhà cửa thưa thớt, sợ nhất là xe chết máy hoặc thủng lốp dọc đường, nếu hỏng nặng thì đành dắt bộ, may mắn có nhà nào đi chợ phiên sớm hoặc đưa con đi học bắt gặp thì họ giúp đỡ. Trên này cuộc sống khó khăn, nhưng người dân thật thà, tốt bụng lắm, đa số toàn hộ nghèo nhưng dù nắng hay mưa họ cũng đều cố gắng đưa con em mình đến lớp.
Học sinh vùng cao xã Thượng Thôn (Hà Quảng) háo hức đến trường.
Vùng Lục Khu gồm 6 xã: Cải Viên, Lũng Nặm, Mã Ba, Nội Thôn, Thượng Thôn, Tổng Cọt. Nơi đây điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, quanh năm thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, kinh tế chậm phát triển. Khó khăn là vậy nhưng nhiều phụ huynh vẫn cố gắng, quyết tâm cho con em mình được đến trường học cái chữ, vì họ hiểu rằng chỉ có học mới có tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn, sẽ không còn khổ như bố mẹ.
Điểm trường Cả Giang có 81 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Nùng theo học từ lớp 1 đến lớp 5, hơn 80% gia đình thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Điểm trường có 5 phòng học, các phòng đều đã cũ, nhuốm màu thời gian, nhiều bộ bàn ghế sộc sệch chân thấp chân cao, hoen ố và rỉ sét. Bên cạnh các lớp học là phòng công vụ nhỏ hẹp khoảng 20 m2 được các cô giáo bố trí đủ các công năng sử dụng, vừa là phòng ngủ, bếp nấu ăn… Ở giữa phòng là một téc nước to và một bộ bàn ghế để ăn uống, soạn bài.
Cơ sở vật chất, điều kiện cho giáo viên, học sinh còn nhiều thiếu thốn, tuy nhiên với niềm yêu nghề, yêu học sinh, các cô giáo vẫn tích cực bám làng, bám bản vượt qua gian nan để có thể ươm những mầm xanh trên mảnh đất gian khó này. Với 18 năm bám bản dạy học, cô Đàm Thúy Len, giáo viên Điểm trường Cả Giang chia sẻ: Khó khăn lớn nhất đối với các thầy, cô giáo không chỉ là con đường đến trường mà còn là tình trạng thiếu điện, nước sạch, đồ dùng học tập, trang thiết bị dạy học làm gián đoạn chất lượng giáo dục ở vùng cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song phụ huynh rất chân thành, học sinh ngoan ngoãn, hiếu học khiến các thầy cô có thêm động lực bám lớp, bám bản. Vài năm trở lại đây không còn những học sinh không đến lớp sau mỗi mùa dọn đất, tỉa hạt hay thu hoạch vụ mùa. Đây không chỉ là niềm mong mỏi của riêng tôi, mà có lẽ là của tất cả những người thầy, người cô luôn nỗ lực vượt khó để “ươm mầm con chữ” cho các học sinh vùng cao, mong muốn những con chữ sẽ nảy mầm tươi tốt, hoàn thành công việc mà Đảng và Nhà nước giao phó, đem lại cuộc sống ấm no cho các em sau này.
Học sinh Điểm trường Cả Giang, xã Thượng Thôn (Hà Quảng) chăm chỉ đến lớp học chữ.
Cô giáo Hứa Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Thôn chia sẻ: Năm học 2024 - 2025, trường có 288 học sinh, 198 học sinh được hưởng chế độ bán trú, 283 học sinh được hưởng chế độ chi phí học tập. Những năm qua, nhờ sự kiên trì của các thầy, cô giáo và các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, nhận thức của phụ huynh và học sinh đã dần đổi thay. Để không có học sinh nào bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng, các thầy cô đến từng gia đình vận động phụ huynh, đón các em đi học. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm, chăm lo bữa ăn bán trú đảm bảo chất dinh dưỡng cho học sinh, để phụ huynh yên tâm, tin tưởng hơn khi gửi gắm con em mình. Qua đó, năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 100%, số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Toàn huyện có hơn 60 điểm trường lẻ, chủ yếu là cấp mầm non và tiểu học với khoảng 400 giáo viên. Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục huyện được đầu tư hơn 80 tỷ đồng từ Nhà nước và xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm thiết bị dạy và học cho các trường. Đối với giáo viên cắm bản cũng như dạy tại các phân trường, điểm trường đều được hưởng chính sách theo Nghị định số 76 của Chính phủ. Giáo viên dạy lớp ghép 2 trình độ, 3 trình độ đều có chế độ riêng, ngoài ra hằng năm đều có khen thưởng động viên những tập thể, cá nhân có thành tích. Những năm gần đây, công tác phổ cập giáo dục, huy động học sinh ra lớp được duy trì, nâng cao, nhiều điểm trường được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng chương trình giáo dục. Tuy nhiên, để đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cơ sở vật chất tại các trường vẫn còn thiếu rất nhiều, cần tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để công tác giáo dục trên địa bàn huyện được nâng cao và có chất lượng hơn.
Thế Hiển
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/vuot-kho-gieo-chu-tren-cao-nguyen-da-luc-khu-3173709.html