Bức thư viết tay xúc động của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa

Bức thư viết tay xúc động của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa
4 giờ trướcBài gốc
Đó là nội dung đầy xúc động trong bức thư viết tay của cô giáo Quàng Thị Xuân (dân tộc Thái), Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) gửi đến cô Quãng Thị Thu Cúc – giáo viên trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Bức thư tay vượt hơn 1.700 km gửi đồng nghiệp nơi đảo xa
Chia sẻ về lý do viết bức thư tay, cô Quàng Thị Xuân cho biết, với học sinh tại huyện Sốp Cộp, hành trình đến trường và tìm kiếm con chữ vô cùng gian nan. Hiện cô đang công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn - ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện biên cương, với hơn 90% học sinh là dân tộc Mông. Tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách giữa các điểm trường so với trung tâm từ 5 đến 14km, đường xá đi lại khó khăn.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn Quàng Thị Xuân chụp ảnh cùng học trò (Ảnh: NVCC)
"Bởi thấu hiểu nỗi vất vả của học sinh và giáo viên vùng cao, tôi càng thương thêm những người đồng nghiệp, học trò đang học tập, sinh sống trên hải đảo. Điều kiện ở đó khó khăn gấp nhiều lần tại đây, không biết họ đối diện và vượt qua thế nào", cô Xuân tâm sự.
Mang trong mình trăn trở về cuộc sống của giáo viên và học sinh nơi đảo xa, cô Xuân quyết định viết thư gửi tới các đồng nghiệp nơi đây.
Bức thư tay xúc động của cô Quàng Thị Xuân, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La)
Bức thư tay có đoạn viết: "Các anh chị đồng nghiệp thân mến! Theo em được biết, để dạy học ở nơi hải đảo xa xôi, các thầy cô giáo cũng rất vất vả. Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi quanh năm chập chùng sóng vỗ, em biết anh chị đã phải đương đầu với khó khăn thử thách, những thiếu thốn tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày như nước ngọt, điện thắp sáng... nhưng em biết rằng, anh chị vẫn kiên trì bám đảo để tiếp tục ươm mầm xanh cho nơi vùng biển mặn mòi xa xôi của Tổ quốc.
Em viết lá thư này một phần cũng vì muốn hiểu rõ hơn về việc dạy học nơi đảo xa. Chỗ anh chị công tác có còn thực trạng học sinh bỏ học không? Ở đảo cơ sở vật chất đã đảm bảo chưa, có còn phòng học tạm không? Để góp sức mình cho sự nghiệp trồng người, thầy cô đã vượt qua khó khăn như thế nào?..."
Nữ giáo viên vùng cao không quên nhắn hỏi, hàng năm vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, thầy cô nơi đảo xa thường nhận được tình cảm của các trò ra sao. "Còn chúng em nơi miền núi cứ mỗi dịp 20/11 về thường nhận được rất nhiều tình cảm của các trò qua những bó hoa dại xuyến chi, dã quỳ... nhưng chúng em cảm thấy ấm lòng bởi những điều chân chất, giản dị ấy", cô Xuân hạnh phúc kể.
Cuối thư, cô Xuân bày tỏ mong ước cùng các đồng nghiệp chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, vất vả của vùng miền, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người mà thầy cô đã lựa chọn.
Bằng tất cả tình yêu thương, bức thư đã vượt hơn 2.000km, qua 2 lần phà, đò để đến tận tay cô Quãng Thị Thu Cúc – giáo viên trường Mầm non Thạnh An, tại xã đảo duy nhất ở TP. Hồ Chí Minh thuộc huyện Cần Giờ.
Ẩn sâu trong các trang thư là tình cảm của cô Xuân gửi đến đồng nghiệp đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi xã đảo. Mỗi ngày, tại vùng đảo đó, những con chữ được "gieo trồng" không chỉ bằng tình yêu nghề, sự kiên nhẫn, mà còn bằng sự hy sinh và đóng góp thầm lặng của thầy, cô giáo.
Nhận được bức thư, cô Quãng Thị Thu Cúc cho biết bản thân vô cùng xúc động. Bức thư giúp cô hiểu rõ hơn về công việc, những khó khăn mà các đồng nghiệp đang công tác nơi vùng cao đang trải qua, khiến những thách thức mà giáo viên xã đảo đang phải đối mặt vơi bớt phần nào.
"Những người đồng nghiệp luôn có ý nghĩa đặc biệt, gắn bó với nhau bằng sợi dây tình cảm vô hình. Chính sự quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm đã giúp các nhà giáo chúng tôi "vững tay lái", tiếp tục sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai", cô Cúc bộc bạch.
Nhà giáo mang trăn trở đổi mới giáo dục vùng cao
Cô Quàng Thị Xuân bắt đầu công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn từ tháng 1.2012. Tính đến nay, nữ giáo viên vùng cao đã có hơn chục năm "gieo chữ" cho học sinh dân tộc thiểu số.
Cô Xuân kể, từ nhỏ đã mơ ước được đứng trên bục giảng để dạy chữ cho các em nhỏ, nối nghiệp sư phạm của gia đình. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, cô giáo trẻ được phân công giảng dạy tại trường học ở quê hương. Từ đó, hành trình giúp học trò vùng cao tiếp cận kiến thức, biết ước mơ và thoát khỏi nghèo khó chính thức bắt đầu.
Suốt năm tháng công tác, những trăn trở của cô Xuân luôn xoay quanh cuộc sống và điều kiện học tập của học sinh nơi đây.
"Ở đây thiếu nước, thiếu điện và thiếu luôn cả cái ăn, cái mặc. Bởi cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, nên nỗi lo học sinh nghỉ học, bỏ học luôn đeo đẳng trong mỗi giáo viên trong trường", cô Xuân nói.
Cô Quàng Thị Xuân đã có hơn chục năm "gieo chữ" cho các em học sinh dân tộc thiểu số (Ảnh: NVCC)
Với tâm niệm "Không để học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau", trước năm học mới, cô và đồng nghiệp cùng đến từng nhà trong xã, vận động phụ huynh cho con em đi học đầy đủ. Trong quá trình giảng dạy, bởi bất đồng ngôn ngữ, nhiều học sinh chưa biết tiếng phổ thông, cô giáo chăm chỉ học và dịch sang tiếng dân tộc để các em hiểu.
Tuy vậy, việc cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế là nỗi lo lắng lớn nhất của cô Xuân. Cô trăn trở về thực trạng phòng học cho học sinh, phòng chức năng,... đang xuống cấp sẽ không giúp học trò tiếp cận được với nền giáo dục tiên tiến.
"Chính những điều kiện thiếu thốn ấy là động lực thôi thúc tôi nỗ lực phấn đấu, để mang đến một môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh vùng khó Sốp Cộp", Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn bày tỏ.
Cô Xuân được đánh giá là nhà giáo mẫu mực, nhiệt huyết với niềm trăn trở đổi mới giáo dục vùng cao (Ảnh: NVCC)
Quá trình giảng dạy, cô Quàng Thị Xuân không ngừng sáng tạo, đổi mới trong công việc, áp dụng nhiều sáng kiến, mô hình hay vào giáo dục. Trong đó, có giải pháp nâng cao hứng thú và hiệu quả học tập thông qua việc tổ chức hoạt động khởi động, kết nối trong dạy học môn tiếng Việt lớp 5 cho học sinh lớp 5; giải pháp luyện đọc đúng phân môn tập đọc cho học sinh lớp 5 trong toàn huyện Sốp Cộp.
Cô Quàng Thị Xuân nhận bằng khen tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" (Ảnh: NVCC)
Với tinh thần nhiệt huyết, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, nữ giáo viên vùng cao được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen, được Hội đồng thi đua cấp tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen; 4 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2020-2021.
Tối 15.11 vừa qua, cô còn là một trong những giáo viên ưu tú được tuyên dương tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".
Trang Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/buc-thu-viet-tay-xuc-dong-cua-co-giao-vung-cao-gui-dong-nghiep-noi-dao-xa-post396874.html