Trường khang trang, trẻ yêu lớp
Con đường ngoằn ngoèo uốn theo triền núi Ba Nồi đưa chúng tôi đến điểm lẻ thôn Đồng Riễu của Trường Mầm non Dương Hưu (Sơn Động). Nằm bên đèo Kiếm heo hút giáp với tỉnh Quảng Ninh nhưng những phòng học ở đây ngăn nắp, bài trí đẹp mắt, xung quanh lớp học là những khóm hoa khoe sắc.
Trong câu chuyện kể của cô giáo hiệu trưởng, chúng tôi nắm được điểm trường có gần 100 học sinh thuộc các nhóm tuổi nhà trẻ, mầm non là con em đồng bào người Tày của thôn Thán và thôn Đồng Riễu. Bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ, gần đây, các điểm lẻ của Trường Mầm non Dương Hưu đều được đầu tư xây dựng khang trang. Con em của đồng bào đã được học tập trong những lớp học đầy đủ tiện nghi chẳng kém gì miền xuôi.
Giờ học của cô và trò tại điểm lẻ thôn Đồng Riễu của Trường Mầm non Dương Hưu.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Vân Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dương Hưu hồ hởi kể: “Điểm trường mầm non thôn Riễu rộng rãi với đầy đủ sân chơi, vườn cây thoáng mát. Để thuận lợi cho cả cô và trò, nhà trường bố trí 8 giáo viên phụ trách các nhóm lớp. Điều kiện kinh tế của phụ huynh còn khó khăn nên các em ít có cơ hội được đến khu vui chơi. Chính vì thế, việc tạo dựng sân chơi cho trẻ em trong khuôn viên điểm trường là cần thiết, vừa đem lại niềm vui cho trẻ vừa tạo hứng thú cho các em đến trường”.
Để các em được học tập trong môi trường đầy đủ như bao em học sinh khác, các cô giáo đã tự làm đồ chơi cho trẻ từ nguyên liệu sẵn có, bảo đảm thân thiện với môi trường, an toàn, phù hợp với lứa tuổi. Lúc này, ánh nắng đã xua tan sương mù buổi sớm, ở khu vui chơi, chúng tôi thấy từng viên đá, chai nhựa được cọ sạch, những cây tre già, lốp xe cũ được các cô giáo phơi khô và trổ tài sơn, vẽ, thiết kế, tạo hình. Các viên đá cuội đầy sắc màu xếp thành đường đi, bìa các tông, chai nhựa biến thành những chú gấu, chú thỏ ngộ nghĩnh. Các đồ chơi tự làm như: Cầu trượt, bập bênh, xích đu... từ các vật liệu có sẵn của núi rừng tạo nên sân chơi phong phú, cuốn hút trẻ.
Từ một cơ sở thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, giờ đây điểm lẻ thôn Đồng Riễu của Trường Mầm non Dương Hưu đã mang dáng vẻ mới, đủ điều kiện để phục vụ tốt cho việc dạy và học, thu hút đông trẻ đến trường. Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp của điểm trường đạt 100% và độ tuổi nhà trẻ là 22%. Ở đây, phụ huynh chủ yếu đi rừng, việc chăm sóc trẻ hầu như trông cậy vào cô giáo. Nhiều em còn nhút nhát, chưa thành thạo tiếng phổ thông, thể trạng, tầm vóc của các em nhỏ hơn độ tuổi. Các cô giáo đã dành sự quan tâm, gần gũi, tận tình dạy bảo, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trước khi cha mẹ đón về nhà. Các bé trở nên thân thiện, yêu mến trường lớp và cô giáo hơn.
Cô giáo Trần Thị Lê chia sẻ: “Tôi sinh ra ở xã Dương Hưu, được theo học chuyên ngành sư phạm mầm non, lại thành thạo tiếng Tày nên khi về công tác tại quê nhà, tôi đã tình nguyện giảng dạy ở những điểm trường lẻ. Lợi thế là người địa phương, biết tiếng dân tộc nên tôi có thể nắm bắt tâm lý, đời sống của từng em để có phương pháp giáo dục phù hợp”. Nhờ được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, từ chỗ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hơn 10% những năm trước đến nay giảm còn 0,3%. Nhà trường đang thí điểm dạy song ngữ tiếng Việt và tiếng Tày cho học sinh để giữ gìn bản sắc văn hóa.
Dù ở vùng khó khăn nhưng nhiều trường mầm non được đầu tư xây mới hiện đại như: Hộ Đáp, Sơn Hải (Lục Ngạn); Phúc Sơn, Vân Sơn (Sơn Động)... Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, ngay khi bước vào năm học, thầy, cô giáo và học sinh nhà trường hăng hái đăng ký các chỉ tiêu thi đua trọng tâm, nhất là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng chất lượng giảng dạy và học tập.
Được đánh giá là cấp học quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, những năm gần đây, mạng lưới trường lớp ở vùng khó khăn từng bước được sắp xếp, quy hoạch, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều chính sách quan tâm, thu hút đội ngũ, đời sống cán bộ, giáo viên từng bước được cải thiện, tạo động lực cho thầy, cô giáo yên tâm gắn bó với nghề. Đến nay, tỉnh Bắc Giang được đánh giá nằm trong tốp dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc về triển khai thực hiện các chính sách giáo dục và đào tạo để phát triển miền núi và vùng dân tộc thiểu số.
Dành nguồn lực cho giáo dục mầm non
Toàn tỉnh hiện có 69 cơ sở GDMN nằm trong các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù là vùng khó khăn nhưng tỷ lệ học sinh ra lớp ở độ tuổi mẫu giáo đạt hơn 99%, độ tuổi nhà trẻ đạt 20%. Số trẻ em bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 2-3%.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2 nghìn cán bộ, giáo viên mầm non đang giảng dạy tại các trường vùng khó khăn, trong đó có nhiều thầy, cô giáo biết tiếng dân tộc thiểu số. Trao đổi với ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động được biết, trong bối cảnh nhiều huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên mầm non nhưng huyện Sơn Động đủ giáo viên ở bậc học này, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn đều có giáo viên là người địa phương, thuận lợi trong việc bố trí giảng dạy ở các điểm lẻ. Đây là điều kiện để ngành Giáo dục huyện chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ.
Đầu tư nguồn lực cho GDMN ở các xã đặc biệt khó khăn là một nhiệm vụ được tỉnh Bắc Giang thường xuyên quan tâm, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào thành tích giáo dục của tỉnh. Giai đoạn 2019-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 496,1 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng giảng dạy phục vụ trường học vùng khó khăn, trong đó dành 30% kinh phí cho bậc học mầm non. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa bậc học mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt 95,2%,thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến rõ nét.
Vượt khó đến trường
Nhiều cán bộ, giáo viên gắn bó với những ngôi trường vùng khó khăn của tỉnh đã chứng kiến sự đổi thay của giáo dục miền núi. Từ những ngày còn phải lội suối, vượt đèo vận động học sinh đến trường, giảng dạy lớp ghép các độ tuổi nhà trẻ, mầm non trong những căn nhà tạm, đến nay, con đường từ nhà tới trường của các em bớt gập ghềnh, phòng học cơ bản được cải tạo, nâng cấp, sự nghiệp “trồng người” bớt phần gian nan. Mặc dù vậy, các thầy cô thừa nhận vẫn còn “khoảng chênh” không nhỏ so với giáo dục vùng xuôi.
Cô và trò Trường Mầm non Sa Lý (Lục Ngạn) trong giờ học. Ảnh: Quang Huấn.
Trò chuyện với người đứng đầu ngành GD&ĐT Bắc Giang, chúng tôi được biết, chất lượng GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đã cải thiện nhiều so với những năm trước nhưng số cháu ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp chưa cao (hiện mới đạt hơn 20%). Cơ sở vật chất dù đã được quan tâm nhưng còn khoảng 5% phòng học tạm, học nhờ. Nhiều cơ sở GDMN thiếu diện tích, không thể mở rộng phải chuyển đến địa điểm mới nhưng chưa huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng như các trường mầm non: Tân Hoa, Tân Quang, Phong Minh, Tân Sơn (Lục Ngạn). Một số trường cơ sở vật chất xuống cấp. Bởi vậy, việc đánh giá công nhận lại trường chuẩn quốc gia gặp khó khăn, chưa có nhiều trường mầm non vùng khó khăn đạt chuẩn mức độ 2.
Đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với nhu cầu, chủ yếu vẫn là đồ chơi do giáo viên tự làm. Nhiều bộ đồ chơi ngoài trời đã hỏng hóc, xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa. Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân cải thiện đáng kể nhưng số trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn cao (17%). Nhiều em có chiều cao không đạt tiêu chuẩn đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do số cháu trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp thấp, trong khi các bà mẹ vùng khó khăn còn thiếu kiến thức nuôi con.
Từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn, ngành GD&ĐT Bắc Giang phối hợp với các huyện miền núi, vùng cao tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Trường nào chưa bảo đảm diện tích sẽ có kế hoạch mở rộng hoặc chuyển địa điểm, đầu tư theo hướng trọng điểm để xây dựng trường hiện đại, chuẩn hóa. Cùng với ngân sách địa phương, các huyện tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp để ưu tiên xây mới, nâng cấp một số trường mầm non. Giai đoạn 2019-2025, huyện Lục Ngạn dành hơn 418,1 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các xã khó khăn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng GDMN, thu dần khoảng cách với miền xuôi.
Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tăng cơ hội cho trẻ em miền núi, vùng khó khăn được tiếp cận GDMN có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất trường, lớp học, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, góp phần giảm nghèo, phát triển KT-XH bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Minh Thu