Vượt thời gian đi tìm mộ đồng đội: Hành trình chưa dừng của người lính già

Vượt thời gian đi tìm mộ đồng đội: Hành trình chưa dừng của người lính già
6 giờ trướcBài gốc
50 năm sau chiến tranh, còn nhiều liệt sĩ chưa thể trở về đất mẹ. Giữa thời bình hôm nay, có một người lính năm xưa vẫn âm thầm băng rừng, vượt suối, gõ cửa từng nhà dân để tìm đồng đội đã ngã xuống. Ông là cựu chiến binh Đào Duy Cử, sinh năm 1957, quê ở thôn Cống Xuyên, xã Thượng Phúc, Hà Nội.
Chân dung cựu chiến binh Đào Duy Cử.
Người sống sót giữa trận chiến khốc liệt
Năm 1974, mới 17 tuổi, chàng trai Đào Duy Cử đã xin khai tăng tuổi để được nhập ngũ, lên đường vào chiến trường miền Nam. Ông được biên chế vào Trung đoàn 320, Quân khu 8, đơn vị từng chiến đấu tại các điểm nóng như Đồng Tháp Mười, Long An, Kiến Tường, Mỹ Tho…
Trong ký ức của ông, trận đánh khốc liệt nhất là trận Ngã 6, Bằng Lăng tại cánh đồng Hậu Mỹ Nam, Mỹ Thiện (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) vào ngày 11/3/1975.
"Thế là đến nay, đúng 50 năm đã trôi qua. Trong trận chiến Ngã 6, Bằng Lăng, mũi tiến công của C6, D2, E320, F8, OK8 trên cánh đồng xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (cũ), tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang), chúng tôi có 13 đồng chí do đồng chí Đào Trọng Hà, tiểu đoàn phó chỉ huy đã tấn công anh dũng vào đội hình quân địch.
Chàng trai Đào Duy Cử khi mới nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 320, Quân khu 8.
Lúc bấy giờ, sau 4 giờ chiến đấu oanh liệt, 11 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đội hình còn lại đồng chí trung đội trưởng Hoàng Văn Tương và tôi. Hai chúng tôi tiếp tục bắn vào quân địch, thì bất ngờ một quả đạn pháo nổ bên cạnh... Khi tỉnh dậy, trận địa đã "im lặng". Thế là 12 đồng chí ra đi", ông Cử bùi ngùi kể lại.
Dư âm trận chiến, bản thân ông cũng bị thương nặng, đến nay mảnh đạn còn găm trong cánh tay trái vẫn khiến ông đau nhức mỗi khi trở trời. Nhưng điều khiến ông đau đáu không phải vết thương thể xác, mà là những cái tên đã nằm lại chiến trường xưa, chưa được trở về.
“Cử ơi, hãy đưa chúng tôi về…”
Sau giải phóng, ông Cử trở lại cuộc sống đời thường, đi học, đi làm, công tác trong ngành điện lực. Dù cuộc sống bộn bề, ông luôn giữ tâm niệm: phải đưa bằng được đồng đội đã hy sinh trở về.
Có những đêm, ông dường như vẫn nghe văng vẳng tiếng gọi: “Cử ơi... Cử ơi...”, như một lời nhắn nhủ từ đồng đội "chưa" yên nghỉ. “Tôi tin đó không chỉ là giấc mơ. Đó là trách nhiệm và mệnh lệnh thiêng liêng mà tôi phải hoàn thành", ông nói.
Năm 2000, trong một chuyến công tác vào miền Nam, khi vô tình đi ngang xã Hậu Mỹ (cũ), nơi diễn ra trận đánh năm xưa, ông Cử nhận ra vùng đất quen thuộc. “Tôi chỉ kịp chụp vài tấm hình, nhưng từ đó lòng cứ thôi thúc phải quay lại”, ông nói.
Từ đó, ông bắt đầu những chuyến trở lại chiến trường xưa, nơi từng in dấu chân người lính trẻ năm nào. Có khi cùng đồng đội cũ, có khi đi cùng thân nhân liệt sĩ. Nhờ ký ức, lời kể của người dân và sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, ông đã xác định được vị trí của nhiều ngôi mộ đồng đội. Hơn 25 năm qua, ông đã tổ chức khoảng hơn 10 chuyến đi như vậy.
Ông dựa vào bản đồ chiến trường năm xưa để lần tìm mộ của đồng đội đã hy sinh trong trận chiến cũ.
Một trong những trường hợp khiến ông day dứt nhất là liệt sĩ Hoàng Văn Tương, Trung đội trưởng hy sinh ngay cạnh ông trong trận chiến. Không biết rõ quê quán, chỉ nhớ anh Tương nói quê ở Thanh Hà (Hải Dương), ông Cử quyết định đặt tên con gái là “Thanh Hà” như một lời nhắc nhở.
Nhiều năm sau, nhờ mạng lưới thu tiền điện, ông đã lần ra được gia đình anh Tương. Gặp được mẹ liệt sĩ, ông xúc động khi bà cụ lấy số tiền 40 triệu đồng dành dụm bao năm đưa cho ông để “đưa con tôi về”. Ông từ chối nhận tiền: “Đưa anh ấy về là việc của con”.
Nhờ kiên trì và tấm lòng son sắt, đến nay ông đã giúp đưa 9 liệt sĩ trở về quê nhà. Trong đó có liệt sĩ Hoàng Văn Tương, người đồng đội từng chiến đấu cùng ông ở trận đánh năm 1975.
Không phải hành trình nào cũng suôn sẻ. Có những ngôi mộ không tên, những hài cốt chưa thể xác định danh tính, ông Cử đành để họ yên nghỉ tại nghĩa trang chiến trường xưa. Nhưng ông không quên, dịp lễ Tết, ông lại tổ chức chuyến đi cùng đồng đội và thân nhân, thắp nén nhang tri ân.
Nhiều lần ông phải thuê máy xúc, bỏ tiền túi, đợi hàng tuần, có lúc đào ba ngày liền không tìm được, nhưng ông không nản. “Chỉ cần còn thông tin, còn người muốn tìm, tôi sẽ đi tiếp”, ông khẳng định.
Không chỉ đi tìm mộ liệt sĩ, ông còn là người khởi xướng các chương trình đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Khi còn công tác tại Công ty Điện lực Phú Xuyên, ông vận động cán bộ công nhân viên đóng góp ngày lương, quyên góp xây dựng những căn nhà tình nghĩa trị giá hàng chục triệu đồng cho gia đình chính sách. Bản thân ông cũng đóng góp trên 30 triệu đồng cho các công trình xây dựng nông thôn mới, nhà văn hóa, đường làng tại xã Nghiêm Xuyên.
Ông Cử tâm niệm: “Họ đã ngã xuống cho mình được sống. Nếu mình không làm gì để tri ân thì thật có lỗi. Tôi còn sức là còn đi, còn đóng góp”.
Hành trình chưa dừng
Ở tuổi 70, ông Đào Duy Cử vẫn chưa dừng bước. Hướng đến dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025), ông Cử tiếp tục lặn lội vào Nghĩa trang Mỹ An, tỉnh Sa Đéc để tìm mộ của liệt sỹ Doãn Văn Tích, là một trong những đồng đội đã nằm xuống khi Ngã 6, Bằng lăng (3/1975) cùng ông năm xưa.
Ông Cử về thăm lại chiến trường xưa.
Chiếc ba lô cũ, bản đồ chiến trường năm xưa và những lá thư từ thân nhân liệt sĩ vẫn luôn sẵn sàng bên ông. Hành trình đi tìm đồng đội vẫn tiếp tục, bởi ông tin: còn đồng đội nằm lại chiến trường, là còn trách nhiệm của người sống sót.
Với những đóng góp không mệt mỏi, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì (2001), Huân chương Chiến công hạng Ba (2011); được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương tặng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương, Chiến sỹ thi đua. Nhiều năm liền, ông được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu Thành phố...
Ở tuổi 70, ông Đào Duy Cử vẫn chưa dừng bước trong hành trình tìm đồng đội của mình.
Nhưng với ông Cử, phần thưởng quý giá nhất là những lần được đưa đồng đội về quê, được thấy người mẹ liệt sĩ ôm tro cốt con trong nước mắt. Đó mới là lúc ông thấy lòng mình thật sự bình yên.
Chia sẻ về dự định của mình, ông Cử cho biết, ông sẽ tiếp tục đi tìm, để đưa được hết các đồng đội đã hy sinh của mình trở về quê hương. Mặt khác, ông vẫn tiếp tục mong muốn được đóng góp chăm lo cho các gia đình chính sách thông qua việc xây nhà tình nghĩa, tặng quà… Ông muốn làm được thật nhiều việc đền ơn, đáp nghĩa để tri ân những đồng đội đã ngã xuống cho cuộc sống tự do hôm nay.
Y Nhụy
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/vuot-thoi-gian-di-tim-mo-dong-doi-hanh-trinh-chua-dung-cua-nguoi-linh-gia-2424545.html