Wall Street Journal: 'Thương nhân tử thần' quay trở lại với công việc buôn bán vũ khí

Wall Street Journal: 'Thương nhân tử thần' quay trở lại với công việc buôn bán vũ khí
6 giờ trướcBài gốc
Viktor Bout (phải) sau khi trở về Moscow, Nga vào tháng 12/2022 (Ảnh: WSJ)
Viktor Bout, tay buôn vũ khí người Nga được biết đến với biệt danh "Thương nhân tử thần" đã rời khỏi nhà tù Mỹ gần 2 năm trước trong một cuộc trao đổi với Moscow để đổi lấy tự do của ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner. Hiện tại, ông ta đã quay trở lại thương trường, cố gắng môi giới vũ khí cỡ nhỏ cho lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen, theo Wall Street Journal.
Người đàn ông 57 tuổi, người được cho là nguồn cảm hứng cho bộ phim Hollywood năm 2005 "Lord of War" do Nicolas Cage thủ vai chính, đã trải qua nhiều thập kỷ bán vũ khí ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông trước khi bị bắt vào năm 2008 trong một cuộc truy quét của lực lượng hành pháp Mỹ.
Kể từ khi được trả tự do, Bout không còn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, khi các đại diện của Houthi đến Moscow vào tháng 8 để đàm phán mua 10 triệu USD vũ khí tự động, họ đã gặp lại một gương mặt quen thuộc: Viktor Bout với bộ ria mép nổi tiếng.
Các cuộc chuyển giao vũ khí tiềm năng này, vốn chưa được thực hiện, chỉ dừng lại ở việc bán các loại vũ khí nhỏ, chứ không phải tên lửa chống hạm hay phòng không – những loại vũ khí có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với các nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm bảo vệ tuyến vận tải quốc tế khỏi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại rằng Nga có thể cung cấp cho lực lượng Houthi những vũ khí tiên tiến như vậy để trả đũa việc Washington ủng hộ Ukraine, nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy những tên lửa đó đã được chuyển giao, hoặc Viktor Bout có liên quan đến thỏa thuận như vậy hay không.
Tuy nhiên, ngay cả thương vụ bán vũ khí cỡ nhỏ cho Houthi cũng sẽ bị Washington phản đối, bởi Mỹ đã liệt nhóm phiến quân Yemen vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Việc trang bị vũ khí cho một bên tham chiến trong xung đột Trung Đông cũng sẽ đánh dấu một sự leo thang đối với Nga, quốc gia đã củng cố quan hệ an ninh với Tehran nhưng nhìn chung vẫn tránh xa cuộc đối đầu giữa Israel và các lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Ông Steve Zissou, luật sư đại diện cho ông Bout ở Mỹ, từ chối thảo luận về việc liệu thân chủ của mình có gặp gỡ lực lượng Houthi hay không.
"Ông Viktor Bout đã không tham gia vào lĩnh vực vận chuyển trong hơn 20 năm qua", ông Zissou cho biết. "Nhưng nếu chính phủ Nga ủy quyền cho ông ấy hỗ trợ việc chuyển giao vũ khí cho một trong những kẻ thù của Mỹ, điều đó cũng chẳng khác gì việc chính phủ Mỹ gửi vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt cho một trong những kẻ thù của Nga, như họ đã gửi cho Ukraine".
Theo tờ Wall Street Journal, 2 lô hàng đầu tiên mà Viktor Bout bị nghi môi giới cho Houthi chủ yếu là súng AK-74, phiên bản nâng cấp của súng trường tấn công AK-47. Tuy nhiên, các đại diện Houthi cũng đã thảo luận về các loại vũ khí khác mà họ có thể mua, bao gồm tên lửa chống tăng Kornet và vũ khí phòng không, theo một quan chức châu Âu và những người quen thuộc với vấn đề này.
Việc giao hàng có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 10 tại cảng Hodeidah dưới vỏ bọc nguồn cung cấp lương thực.
Khi Viktor Bout được trả tự do vào tháng 12/2022 trong cuộc trao đổi tù nhân, các quan chức Nhà Trắng mô tả đó là một quyết định khó khăn nhưng là cách duy nhất để đưa ngôi sao bóng rổ Griner trở về Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng Bout đã thụ án 12 năm trong các nhà tù của Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết vào thời điểm đó rằng chính phủ Mỹ đã đánh giá các rủi ro của việc thả Viktor Bout trước khi tiến hành cuộc trao đổi và kết luận rằng những rủi ro này là có thể chấp nhận được.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể kiểm soát những thách thức đó, nhưng chúng tôi sẽ luôn cảnh giác với bất kỳ mối đe dọa nào mà ông Viktor Bout có thể gây ra cho người dân Mỹ trong tương lai", ông Sullivan nói.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia đã không trả lời yêu cầu bình luận về các hoạt động hiện tại của Bout.
Nếu được xác nhận, việc bán vũ khí cho lực lượng Houthi sẽ tiếp nối sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của Bout trong việc cung cấp vũ khí cho một số khách hàng gây tranh cãi nhất thế giới.
Viktor Bout trước phiên điều trần tại Tòa án Hình sự ở Bangkok năm 2009, trước khi bị dẫn độ sang Mỹ (Ảnh: WSJ)
Sinh năm 1967 tại Dushanbe, Tajikistan, khi đó là một phần của Liên Xô, Viktor Bout từng làm phiên dịch viên quân sự, học các ngôn ngữ Pháp, Anh, Arab, Ba Tư và Bồ Đào Nha. Ông đã được cử đến hỗ trợ lực lượng Angola trong cuộc nội chiến những năm 1980.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, ông đã mua các máy bay vận tải quân sự của Nga và sử dụng chúng để vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại châu Phi. Bout lần đầu tiên được công chúng chú ý sau khi bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2005 vì tội buôn bán vũ khí đổi lấy kim cương với Charles Taylor, cựu Tổng thống Liberia và tội phạm chiến tranh đã bị kết án.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cũng buộc tội ông vi phạm lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Bout bị bắt ở Thái Lan trong một chiến dịch mật năm 2008 do Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) dẫn đầu, trong đó các đặc vụ đóng giả làm phiến quân cánh tả Colombia. Đến năm 2011, ông bị kết án với tội danh âm mưu giết người Mỹ và cố gắng bán vũ khí cho phiến quân Colombia, và bị tuyên phạt 25 năm tù giam.
Lực lượng Houthi đã nhiều lần tấn công tàu thuyền quốc tế và phóng máy bay không người lái và tên lửa tấn công Israel. Mỹ và Israel đã tiến hành các cuộc không kích đáp trả, bao gồm đòn tấn công vào ngày 4/10 vừa qua, trong đó quân đội Mỹ tấn công 15 mục tiêu của Houthi.
Theo Wall Street Journal
Thu Quyên
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/wall-street-journal-thuong-nhan-tu-than-quay-tro-lai-voi-cong-viec-buon-ban-vu-khi-post178903.html