WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt trong năm nay xuống 5,8%. Ảnh: TL
Trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương công bố tháng 4-2025, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam sẽ tăng 5,8% trong năm 2025, TTXVN đưa tin.
Báo cáo cho thấy sau giai đoạn trầm lắng năm 2023, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh nhờ nhu cầu bên ngoài tăng, kéo xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,5% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc nhờ lãi suất vay mua nhà hấp dẫn hơn và nguồn cung dự án mới phục hồi, thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước.
Nhờ diễn biến tích cực, thị trường lao động đã cải thiện rõ rệt. Việc làm ngành chế biến chế tạo tăng 3,4% vào tháng 11-2024, trái ngược mức giảm 2,3% cùng kỳ năm trước.
Thu nhập thực tế tăng 4,8%, so với 1,3% năm 2023, nhờ thị trường lao động khởi sắc và lương công chức tăng. Tuy vậy, tiêu dùng nội địa chưa tăng tương ứng do tỷ lệ tiết kiệm vẫn cao, đạt 37,2% năm 2024.
WB nhận định Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 170% GDP, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thương mại toàn cầu. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 30%, còn Trung Quốc là nguồn nhập khẩu chính với 38%.
Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, niềm tin tiêu dùng có thể tiếp tục giảm, dẫn đến chi tiêu yếu. Rủi ro tài chính vẫn còn, trong khi việc giải ngân đầu tư công chậm có thể cản trở các biện pháp kích cầu dù Chính phủ còn dư địa tài khóa.
WB cảnh báo các yếu tố bên ngoài như thay đổi chính sách thương mại, tăng trưởng toàn cầu chậm và bất định chính sách có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và làm suy giảm dòng vốn đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dù còn nhiều rủi ro, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, từ 3,8% năm 2024 xuống 3,6% năm 2025 (theo chuẩn 3,65 đô la Mỹ/ngày). Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp chậm có thể hạn chế hiệu quả giảm nghèo ở nhóm dễ tổn thương.
Các chuyên gia khuyến nghị cần đẩy mạnh đầu tư công để giải quyết điểm nghẽn hạ tầng, đồng thời kiểm soát rủi ro tài khóa và thúc đẩy cải cách cơ cấu.
Dù dư địa chính sách tiền tệ còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn là công cụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
WB đánh giá, sau các cải tiến gần đây như sửa Luật Các tổ chức tín dụng, việc tiếp tục giảm rủi ro hệ thống tài chính là then chốt để tăng sức chống chịu và ổn định. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất là trong hạ tầng viễn thông, điện lực và giao thông.
Ngân hàng này cũng dự báo tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực, với GDP dự kiến đạt 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027. Để đạt được mức này, Việt Nam cần môi trường quốc tế ổn định hơn, đồng thời đẩy mạnh cải cách trong nước, nâng năng suất, đầu tư vào vốn con người và thúc đẩy xanh hóa kinh tế.
Gia Nghi