World Bank cập nhật dự báo tăng trưởng các nước ASEAN năm 2025

World Bank cập nhật dự báo tăng trưởng các nước ASEAN năm 2025
15 giờ trướcBài gốc
Báo cáo cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, dự báo trong khối ASEAN, Việt Nam dự kiến dẫn đầu với mức tăng trưởng 5,8% năm 2025, Philippines với mức 5,3%, Indonesia 4,7%; Campuchia 4%; Malaysia 3,9%; Lào 3,5% và Thái Lan tăng trưởng 1,65%.
Nhìn lại năm 2024, báo cáo ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vượt trội hơn so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này và tạo thêm việc làm, theo World Bank, các quốc gia trong khu vực cần chủ động ứng phó với những bất ổn toàn cầu, đồng thời giải quyết những thách thức dài hạn liên quan đến những thay đổi trong hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu và xu hướng nhân khẩu học.
"Trong khi đối mặt với những bất định toàn cầu, các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương vẫn có cơ hội củng cố triển vọng kinh tế bằng cách nắm bắt và đầu tư vào công nghệ mới, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh thông qua các cải cách táo bạo và đẩy mạnh hợp tác quốc tế," bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch World Bank phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết.
Khuyến nghị chính sách, World Bank nêu 3 định hướng chính sách. Thứ nhất, các quốc gia trong khu vực nên tận dụng công nghệ mới, từ đó nâng cao năng suất và tạo thêm việc làm.
Thứ hai, cần thúc đẩy cải cách nhằm tăng tính cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, mở ra những cơ hội kinh tế mới. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu.
Tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn khả quan
Với Việt Nam, World Bank dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2025 do sự gia tăng bất ổn của những thay đổi chính sách thương mại gần đây và dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Dự báo này thấp hơn đáng kể mức 6,8% mà tổ chức này từng đưa ra hồi giữa tháng 3, trước khi những biến động thuế quan diễn ra.
Theo World Bank, Việt Nam là một nền kinh tế định hướng thương mại (nhập khẩu và xuất khẩu chiếm gần 170% GDP) nên dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi liên tục trong chính sách thương mại toàn cầu và sự bất ổn liên quan sẽ tác động đến xuất khẩu, đầu tư và tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, niềm tin của người tiêu dùng có thể suy yếu, kéo theo chi tiêu tiêu dùng thấp. Trong khi đó, các rủi ro trong lĩnh vực tài chính vẫn hiện hữu. Mặc dù Chính phủ còn dư địa tài khóa để kích cầu, việc thực thi các biện pháp hỗ trợ có thể bị cản trở nếu xuất hiện tình trạng giải ngân đầu tư công chậm kéo dài.
World Bank cũng cảnh báo, các rủi ro bên ngoài như sự thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại, tốc độ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn kỳ vọng và mức độ bất định cao trong các chính sách toàn cầu có thể làm chậm đà xuất khẩu cũng như dòng đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy vậy, tổ chức cho rằng, tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn khả quan, với ước tính GDP tăng trở lại mức 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027.
Các chuyên gia World Bank khuyến cáo, các biện pháp chính sách nên tập trung vào việc mở rộng đầu tư công, giảm thiểu rủi ro của khu vực tài chính và cải cách cơ cấu. Trong khi không gian cho sự can thiệp của chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế, chính sách tài chính vẫn có thể hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là thông qua đầu tư để thu hẹp các khoảng cách cơ sở hạ tầng mới nổi.
"Dựa trên các cải cách gần đây, chẳng hạn như việc sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng, các bước tiếp theo để giảm thiểu rủi ro và lỗ hổng của khu vực tài chính vẫn rất quan trọng để thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của khu vực tài chính.
Đẩy nhanh các cải cách cơ cấu để củng cố môi trường quản lý trong các dịch vụ xương sống quan trọng (công nghệ thông tin và truyền thông, điện, giao thông) để xanh hóa nền kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh là rất quan trọng để duy trì tăng trưởng dài hạn," chuyên gia World Bank nhấn mạnh.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2025, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ đạt 6,6% trong năm 2025 và đạt 6,5% vào năm 2026, sau mức tăng mạnh 7,1% trong năm 2024. Ngân hàng này nhận định rằng căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2025 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ADB dự báo mức tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ chậm lại còn khoảng 7% trong cả năm 2025 và 2026.
Trong khi đó, báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam cả năm 2025 vẫn ở mức 6,7%. Theo Standard Chartered, triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ vào sự hội nhập sâu rộng với các mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ổn định. Những yếu tố này tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu toàn cầu.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/world-bank-cap-nhat-du-bao-tang-truong-cac-nuoc-asean-nam-2025-40905.html