Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” vừa công bố, tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ đạt mức 6,6%. Con số này cao hơn 0,1 điểm % so với dự báo tổ chức này đưa ra trước đó vào tháng 10/2024.
WB dự đoán GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% vào năm 2026, cao nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: kinhtetrunguong.vn
Đáng chú ý, WB cũng đưa ra dự báo cho năm 2026 GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3%. Tuy thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước đó, nhưng tăng GDP của nước ta được dự báo dẫn đầu các nước trong khu vực, vượt qua các nền trưởng kinh tế lớn như Mông Cổ (6,1%), Philippines (6,0%), Thái Lan (5,1%) và Trung Quốc (4,0%) .
Nhìn chung, WB dự báo tăng trưởng GDP khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) sẽ giảm dần trong năm tới, từ 4,6% trong năm 2025 xuống 4,1% năm 2026, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc suy giảm. Nếu không tính Trung Quốc, các nền kinh tế EAP được dự báo duy trì tăng trưởng 4,7% vào năm 2026, nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ.
Năm 2024, tăng trưởng tại các nền kinh tế EAP không bao gồm Trung Quốc ước tính đạt 4,8%, cao hơn mức 4,3% của năm 2023, nhờ vào sự phục hồi thương mại hàng hóa, du lịch nội địa và nhu cầu trong nước. Đáng chú ý, WB đã chỉ ra Việt Nam là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế tại khu vực, nhờ khả năng xuất khẩu mạnh mẽ.
Trong những năm tới, WB cho rằng, triển vọng kinh tế khu vực vẫn còn một số rủi ro, chủ yếu do sự bất ổn trong thương mại toàn cầu, cùng với nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Một số rủi ro khác bao gồm xung đột địa chính trị leo thang, và lạm phát toàn cầu.
Triển vọng kinh tế Mỹ cũng có thể hỗ trợ, nhưng cũng có thể làm giảm hoạt động xuất khẩu của EAP, tùy thuộc vào sức mạnh tiêu dùng tại đây. Bên cạnh đó, bất ổn tại Trung Đông và các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng khu vực.
Về nền kinh tế toàn cầu, WB dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong cả hai năm 2025 và 2026, tương đương với tốc độ của năm 2024. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng yếu hơn so với giai đoạn trước đại dịch, khi các nền kinh tế tiếp tục đối mặt với lạm phát và lãi suất cao.
WB nhấn mạnh, đây là mức tăng trưởng không đủ để giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nền kinh tế đang phát triển, vốn đóng góp 60% vào tăng trưởng toàn cầu, đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu nhất kể từ năm 2000.
Phú Quý (theo World Bank)