Ngày 20-5, các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, sau phản ứng rời rạc của toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Thỏa thuận này hướng tới việc khắc phục những hạn chế từng bộc lộ trong đại dịch vừa qua, như phản ứng thiếu thống nhất giữa các quốc gia, tình trạng hỗn loạn trong phối hợp quốc tế, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.
Theo đó, văn kiện mới sẽ tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin và phối hợp toàn cầu, cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine tốt hơn nếu xảy ra đại dịch trong tương lai.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 19-5. Ảnh: AFP
Sau 3 năm đàm phán, thỏa thuận được toàn thể Đại hội đồng Y tế Thế giới – cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO – thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ).
“Tài liệu này là một chiến thắng của y tế công, của khoa học và của hành động đa phương. Nó sẽ giúp chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ thế giới tốt hơn trước các mối đe dọa đại dịch trong tương lai” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.
Theo ông Tedros, đây cũng là sự ghi nhận rằng cộng đồng quốc tế không thể để người dân, xã hội và nền kinh tế tiếp tục chịu những thiệt hại sâu sắc như đã từng trải qua trong đại dịch COVID-19.
Thỏa thuận quy định các loại thuốc, liệu pháp điều trị và vaccine phải được phân phối một cách công bằng trên toàn cầu khi đại dịch tiếp theo xảy ra. Theo đó, các nhà sản xuất tham gia sẽ phải dành ra 20% số lượng vaccine, thuốc và bộ xét nghiệm để phân bổ qua WHO nhằm đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ đã rút khỏi các cuộc thảo luận sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu quy trình 12 tháng để rút Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của WHO – khỏi tổ chức này.
Do đó, Mỹ sẽ không bị ràng buộc với hiệp ước. Ngoài ra, các quốc gia thành viên WHO cũng không phải đối mặt bất kỳ hình phạt nào nếu không thực hiện các cam kết trong thỏa thuận.
Thỏa thuận được thông qua sau khi Slovakia yêu cầu đưa ra bỏ phiếu hôm 19-5, trong bối cảnh Thủ tướng Slovakia Robert Fico muốn phản đối việc thông qua văn kiện.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy 124 quốc gia ủng hộ, không có quốc gia nào phản đối, trong khi 11 nước bỏ phiếu trắng.
Hiệp ước sẽ chưa có hiệu lực cho đến khi phụ lục về chia sẻ thông tin mầm bệnh được thông qua.
WHO cho biết các cuộc đàm phán về phụ lục này sẽ bắt đầu vào tháng 7, với mục tiêu trình văn kiện lên Đại hội đồng Y tế Thế giới để phê chuẩn.
THẢO VY