Xã Cẩm Sơn: Tự hào quá khứ, vững bước tương lai

Xã Cẩm Sơn: Tự hào quá khứ, vững bước tương lai
6 giờ trướcBài gốc
NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH
Xã Cẩm Sơn có vị trí chiến lược quan trọng nằm phía Nam huyện Cai Lậy. Với đặc điểm địa hình bằng phẳng, địa bàn xã ôm trong lòng con sông Ba Rài chảy qua và hệ thống kinh rạch chằng chịt, cùng với diện tích vườn cây ăn trái rộng lớn, trong kháng chiến nơi đây đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Lịch sử cách mạng của xã Cẩm Sơn bắt đầu từ năm 1939 khi Chi bộ xã được thành lập với 4 đảng viên ban đầu do đồng chí Phạm Văn Huề (Tám Huề) làm Bí thư. Dù mới thành lập nhưng Chi bộ đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa năm 1940 do Xứ ủy Nam kỳ phát động, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của địa phương.
Tượng đài Chiến thắng Ba Rài.
Đồng chí Nguyễn Ái Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Sơn, cho biết: “Nằm trong vùng giải phóng với địa hình thuận lợi, tinh thần cách mạng của người dân Cẩm Sơn đã tạo nên một căn cứ địa vững chắc, là nơi che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao và các đơn vị bộ đội trong suốt 2 cuộc kháng chiến”.
Trong số những chiến công hiển hách của quân và dân Cẩm Sơn, không thể không nhắc đến trận đánh tàu trên sông Ba Rài ngày 15-9-1967 - trận đánh đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Vào rạng sáng ngày này, Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Mỹ cho 2 đoàn tàu chở 2 tiểu đoàn lính Mỹ (theo) sông Ba Rài tiến vào xã Cẩm Sơn; đồng thời, điều động 1 tiểu đoàn lính ngụy đi trên xe M.113 từ Cai Lậy ra lộ Ba Dừa hình thành thế án ngữ phía Đông. Tiểu đoàn 263 cùng lực lượng dân quân du kích xã Cẩm Sơn đã bố trí trận địa phục kích từ rạch Cầu Ván đến rạch Bà Xá.
Khi đoàn tàu địch lọt vào trận địa, bộ đội và du kích ta nổ súng, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Kết quả sau một ngày chiến đấu, ta đã bắn chìm, cháy và làm hư hỏng 16 tàu chiến; tiêu diệt và làm bị thương hơn 200 tên lính Mỹ; bắn rơi 1 máy bay ném bom F.100. Đây là chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta đã bẻ gãy ch iến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Ông Trần Văn Chỏi (cha liệt sĩ, ở ấp 2) kể lại: “Trong trận đánh Ba Rài, nhân dân toàn xã đã đoàn kết một lòng, từ người già đến phụ nữ, trẻ em đều hỗ trợ bộ đội, tiếp tế chuẩn bị lương thực, che giấu các đồng chí bị thương. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân du kích và các đồng chí giao liên của xã còn tham gia hỗ trợ hướng dẫn bộ đội Tiểu đoàn 263 tránh được các cụm phòng ngự của địch, rút quân an toàn xuống xóm Tre, xã Long Tiên”.
Không chỉ có Chiến thắng Ba Rài, Cẩm Sơn còn ghi danh với trận đánh tại ấp 2 xóm Gò Bí ngày 16-4-1973, khi bộ đội Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 261 đã tiêu diệt gọn Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 và một đại đội của địch, khiến Trung đoàn trưởng của địch là Trung tá Nguyễn Tấn Hiệp tử trận. Chiến thắng này đã góp phần bẻ gãy chiến dịch càn quét của địch và tạo lợi thế cho cách mạng không chỉ ở địa bàn xã Cẩm Sơn, mà còn ở các xã lân cận như Hiệp Đức, Phú An và Thanh Hòa.
ĐIỂM TỰA CHO TƯƠNG LAI
Với vị trí chiến lược và tinh thần cách mạng kiên cường, xã Cẩm Sơn đã trở thành An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đáp ứng đầy đủ 5/5 tiêu chí của một ATK. Đây là nơi che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, trong đó có các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và nhiều cán bộ khác thuộc Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (đơn vị Y4). Đồng thời, xã còn là căn cứ đóng quân của nhiều đơn vị quân đội như Tiểu đoàn 261, Tiểu đoàn 263, đơn vị Quân y (X12), đơn vị Hậu cần (X16) của Quân khu 8.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng thăm gia đình chính sách xã Cẩm Sơn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Trong suốt thời kỳ kháng chiến, người dân xã Cẩm Sơn đã trở thành lực lượng hậu cần vững chắc, tham gia cung cấp lương thực, thuốc men, đào hầm bí mật che giấu cán bộ và vũ khí cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Sự hy sinh thầm lặng này đã góp phần quan trọng vào thành công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua các sự kiện lịch sử oanh liệt của quân và dân xã Cẩm Sơn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vào năm 1999, xã Cẩm Sơn được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và phong tặng 68 danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 8 mẹ còn sống). Đồng thời, nơi đây cũng đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất cho xây dựng Tượng đài Chiến thắng Ba Rài vào ngày 15-9-1967.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, hôm nay xã Cẩm Sơn đang từng bước phát triển kinh tế - xã hội, với cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây ăn trái là cây trồng chủ lực như sầu riêng, mít và các loại cây khác, với diện tích hơn 1.068 ha. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp với hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa ngày càng hoàn thiện.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Đỗ Hữu Hoàng cho biết: “Xã nỗ lực giữ vững đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu xây dựng xã Cẩm Sơn trở thành một trong những xã có kinh tế - xã hội phát triển của huyện Cai Lậy, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang mà các thế hệ trước đã dày công vun đắp”.
Với bề dày lịch sử cách mạng và những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được, xã Cẩm Sơn xứng đáng là vùng đất anh hùng, là niềm tự hào của người dân nơi đây nói riêng và của Tiền Giang nói chung.
TUẤN LÂM
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/xa-cam-son-tu-hao-qua-khu-vung-buoc-tuong-lai-1041923/