Xã Đình Dù - Rạng rỡ nơi in dấu chân Người

Xã Đình Dù - Rạng rỡ nơi in dấu chân Người
7 giờ trướcBài gốc
Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xã Đình Dù xây dựng khang trang, đẹp đẽ, nơi giáo dục truyền thống của địa phương.
Trong dòng chảy lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mỗi vùng quê, mỗi địa danh gắn liền với dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều trở thành niềm vinh dự thiêng liêng và là nguồn cổ vũ to lớn cho mọi thế hệ tiếp nối. Vinh dự hơn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Dù (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), 2 lần vào các năm 1946 và 1958 được đón Bác Hồ về thăm, không chỉ là kỷ niệm sâu sắc, mà còn là động lực để địa phương vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên trên con đường xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Tự lực, tự cường trong xây dựng quê hương
Theo cuốn sách "Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ" do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2005, xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù) bấy giờ cũng như các xã khác của tỉnh gặp nhiều khó khăn về thủy lợi. Đồng ruộng liên tục bị hạn khi nắng, úng ngập khi mưa to kéo dài. Chi bộ và nhân dân Đình Dù đã tìm mọi cách đào mương, ngòi, đào giếng mạch để lấy nước cấy lúa. Thành tích nổi bật của xã là phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, khắc phục thiên tai, giữ vững mùa màng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và động viên.
Lãnh đạo UBND xã Đình Dù giới thiệu tư liệu về Bác Hồ.
Ngày 3/7/1958, một ngày nắng đẹp, Bác đã về thăm nhân dân xã Đình Dù. Nghe tin Hồ Chủ tịch đến thăm, nhân dân trong xã vô cùng phấn khởi, kéo nhau rất đông ra sân đình, nơi có cây bàng cổ thụ tỏa bóng mát để nghe Bác nói chuyện: “Vạn Xuân là xã có phong trào thủy lợi khá nhất của huyện Văn Lâm nên Bác về thăm”. Sau những lời động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân, cuối buổi, Bác cổ vũ mọi người: "Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”.
Thực hiện lời dạy của Bác, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân của xã đã dấy lên phong trào làm thủy lợi rất mạnh mẽ. Với quyết tâm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, đến cuối năm 1958, xã Đình Dù đã trở thành xã mạnh, có phong trào làm thủy lợi giỏi, đặc biệt đào giếng lấy nước mạch để cấy lúa, được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Còn trước đó, sau khi kết thúc chuyến thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước bằng tàu thủy. Ngày 21/10/1946, từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng tàu hỏa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân ra chào đón Người tại ga Đình Dù (thuộc xã Đình Dù). Khi tàu chuyển bánh, nhân dân đã hô vàng khẩu hiệu: “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Người dân Đình Dù, Văn Lâm thăm gian trưng bày, hiện vật, tư liệu về Bác Hồ tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, xã Đình Dù.
Nhắc lại những lời huấn thị của Người, ông Trịnh Hữu Việt, Chủ tịch UBND xã Đình Dù không giấu được vẻ tự hào cho hay, chuyến thăm năm ấy không chỉ là sự khích lệ tinh thần, mà còn là lời dặn dò sâu sắc của Bác dành cho cán bộ, nhân dân Đình Dù về vai trò của nông nghiệp, của tinh thần tự lực tự cường trong xây dựng quê hương. Những lời dạy ấy, hơn nửa thế kỷ qua, vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của xã.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đình Dù, tiếp nối niềm tự hào được đón Bác về thăm, trong suốt những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Đình Dù không ngừng phấn đấu, phát huy truyền thống cách mạng, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ một vùng quê còn nhiều khó khăn, Đình Dù hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới - khang trang, hiện đại, văn minh. Năm 2022, xã Đình Dù đạt Nông thôn mới kiểu mẫu, là một trong những xã hoàn thành sớm nhất của tỉnh Hưng Yên.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, xã đã huy động tổng nguồn lực lên tới 128,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự đồng thuận cao từ người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa, hệ thống điện, nước sạch, môi trường, ao hồ được kè bờ đẹp mắt… đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ngày càng cao của nhân dân.
Một trong những thành quả đáng tự hào là thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt 82 triệu đồng/người/năm - mức sống cao so với mặt bằng chung của khu vực nông thôn miền Bắc. Người dân Đình Dù không chỉ no đủ về vật chất, mà còn ngày càng nâng cao đời sống tinh thần, hướng tới xây dựng cộng đồng văn hóa, nghĩa tình, giàu bản sắc.
Tuổi trẻ Văn Lâm (Hưng Yên) thăm gian trưng bày tư liệu về Bác tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, xã Đình Dù.
Những chuyển mình rõ nét
Với vị trí địa lý thuận lợi, cách Hà Nội 20 km, có Quốc lộ 5, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chạy qua, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, xã Đình Dù đã chủ động quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Sự phát triển kinh tế của Đình Dù được ghi nhận ở cả ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống trường học được đầu tư hiện đại, công tác chăm sóc người có công và an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Một điểm sáng nổi bật trong những năm gần đây chính là công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm. Khu lưu niệm ghi dấu sự kiện năm 1958 được chăm sóc, tôn tạo thường xuyên, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm cứ vào dịp sinh nhật Người, xã Đình Dù lại tổ chức trưng bày, giới thiệu các tranh, ảnh tư liệu về Bác; tổ chức thi chim bồ câu; cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác tạo nên đời sống văn hóa phong phú.
Còn theo ông Nguyễn Công Luật, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đình Dù, nhìn lại chặng đường đã qua, xã Đình Dù có quyền tự hào về những đổi thay to lớn, thể hiện qua những công trình, phần việc mà xã đã triển khai. 67 năm sau ngày Bác Hồ về thăm, xã đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành địa phương tốp đầu nhiều phong trào thi đua so với các xã của huyện.
Song, điều đáng quý hơn cả là xã Đình Dù vẫn mãi coi sự kiện năm 1958 - ngày Bác Hồ về thăm là ngọn lửa thiêng, soi đường cho mọi thế hệ hôm nay về tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên trong công cuộc xây dựng quê hương.
Xã Đình Dù khang trang, giàu đẹp.
“Từ thành tích chống hạn năm xưa đến những công trình hôm nay, tất cả đều cho thấy một chân lý: Khi người dân được đặt ở trung tâm, được khơi dậy ý chí tự lực tự cường, thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Đây cũng chính là bài học sâu sắc, có ý nghĩa thời sự đối với công cuộc phát triển nông thôn mới hiện nay: Cần phát huy nội lực trong nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả các chính sách”, ông Nguyễn Công Luật nói. Đồng thời nhấn mạnh thêm: Những đổi thay tích cực hôm nay chính là minh chứng hùng hồn cho tinh thần học tập và làm theo Bác, là biểu tượng sống động cho một vùng quê biết trân trọng lịch sử, biến kỷ niệm thành hành động, biến lời dạy thành hiện thực.
Đường vào xã Đình Dù những ngày này như được khoác lên mình một chiếc áo mới, tươi tắn và rực rỡ. Con đường nhựa nhẵn phẳng, trải dài như dải lụa mềm mại, hai bên đường cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong gió, xen kẽ là những hàng hoa tươi thắm khoe sắc. Cờ hoa được trang trí dọc theo các tuyến đường chính, từ đầu làng đến trung tâm xã, tạo nên một không gian tràn ngập không khí lễ hội. Còn tại không gian linh thiêng - Nhà lưu niệm Bác Hồ - nơi cách đây 67 năm Bác đứng nói chuyện là gian trưng bày kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, thước phim tư liệu ca ngợi công ơn của Bác được dựng lên trang trọng. Đây là dịp để các thế hệ người Đình Dù cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ, thể hiện lòng biết ơn với Bác, người luôn vì dân vì nước. Hình ảnh của Bác Hồ vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Đình Dù.
Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/xa-dinh-du-rang-ro-noi-in-dau-chan-nguoi-20250519075505275.htm