Thông tin đó được đưa ta tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM về hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, diễn ra ngày 15/4.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khi bàn đến hình thức hợp tác công - tư (PPP) để phát triển y tế công, nhiều khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.
Cụ thể, mô hình PPP đã giúp giải quyết phần nào thực trạng quá tải tại các bệnh viện công lập. Đến năm 2018, TP.HCM có 109 đề án liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế với tổng giá trị 1.100 tỉ đồng, trong đó vốn đối tác chiếm hơn 95%.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Thế nhưng từ năm 2018 đến nay, hình thức này không còn được triển khai do thiếu hướng dẫn về tài chính, định giá tài sản công, thẩm quyền phê duyệt… theo Nghị định 151 năm 2018 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế hiện vẫn gặp rào cản lớn từ chính sách. Theo ông Nam, khung pháp lý hiện tại chưa tạo được sự an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư PPP. Việc định giá tài sản công như đất, thương hiệu, nhân lực còn vướng mắc.
Các quy định về giá dịch vụ y tế chưa rõ ràng giữa bệnh viện công và bệnh viện PPP, trong khi giá dịch vụ lại thấp, khiến nhà đầu tư khó thu hồi vốn. Ngoài ra, chưa có cơ chế chuẩn bị và hỗ trợ tài chính cho các dự án PPP y tế.
Phối cảnh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại Cụm y tế Tân Kiên
Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, ngành y tế TP.HCM đang vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 16/2023/NQ-HĐND, quy định mức đầu tư tối thiểu cho dự án PPP trong lĩnh vực y tế là từ 30 tỉ đồng. Đây là mức đầu tư tương đương với chi phí xây dựng một trạm y tế đạt chuẩn quốc gia tại TP.HCM.
Ngoài ra, TP cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án này. Hiện, đã có 3/6 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư đã có nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, có 8 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đăng ký thực hiện 8 dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ, ngồi lại với nhau để giải quyết các khó khăn vướng mắt trong các dự án. Thứ hai là tiếp tục tăng cường chí đạo cho các đơn vị cũng như chủ đầu tư để nâng cao tinh thần trách nhiệm rong chỉ đạo, lãnh đạo để đôn đốc kiểm tra cũng như là tập trung trong giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương rà soát để xử lý các khó khăn vướng mắc. Hiện nay, nhiều khó khăn liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cục bộ ở các quận huyện, nhất là trên địa bàn quận 5, nơi tập trung rất nhiều bệnh viện", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM nhận định, xã hội hóa lĩnh vực y tế có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, nhất là khi TP.HCM đang dần trở thành điểm đến của du khách kết hợp khám chữa bệnh với du lịch. Trong khi đội ngũ y bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản, nhưng nếu không có cơ sở vật chất tương xứng để họ phát huy năng lực thì rất lãng phí.
“Ngành y tế nên nghiên cứu đánh giá lại đâu là những dự án công trình lớn đâu là những dự án có thể những thành phần nhỏ từ ở trong khoa, bệnh viện thì chúng ta tính toán, mạnh dạn kêu gọi đầu tư, để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân và đó cũng là một trong những khẳng định của ngành y tế thành phố”, ông Cao Thanh Bình đề nghị.
TP.HCM có 132 dự án y tế với tổng số vốn đã bố trí trung hạn là 23.335 tỷ đồng. Trong đó có 115 dự án với số vốn 23.224 tỷ đồng vốn ngân sách. 17 dự án là vốn đã phân cấp cho các quận và huyện. Ngoài ra, còn có vốn phân bổ từ nguồn thu hợp pháp của các bệnh viện dành cho đầu tư, với 369 dự án với tổng số vốn 10.662 tỷ đồng.
(nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)
Kim Dung/VOV-TP.HCM