Xã Phù Đổng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Phù Đổng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
9 giờ trướcBài gốc
Lý do lấy tên xã mới là Phù Đổng: Phù Đổng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, nơi đây nổi tiếng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiêu biểu là người anh hùng làng Gióng “Phù Đổng Thiên Vương” - một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam - còn in đậm trong tâm thức người dân Việt với những câu chuyện được truyền lại qua bao thế hệ về một cậu bé lên 3 tuổi đã đánh tan giặc Ân xâm lược, bảo vệ đất nước. Tên gọi Phù Đổng dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Phù Đổng
Xã Phù Đổng giáp các phường: Phúc Lợi, Việt Hưng; các xã: Đông Anh, Thuận An, Gia Lâm, Thư Lâm của thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.
Xã Phù Đổng có diện tích tự nhiên là 41,62 km2; quy mô dân số là 111.484 người; trong đó:
Xã Ninh Hiệp (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 4,92 km²; quy mô dân số: 20.556 người
Xã Phù Đổng (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 16,13 km²; quy mô dân số: 22.281 người
Xã Đặng Xá (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 0,37 km²; quy mô dân số: 0 người
Xã Yên Thường (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 8,67 km²; quy mô dân số: 20.401 người
Xã Cổ Bi (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 1,02 km²; quy mô dân số: 0 người
Xã Thiên Đức (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 5,79 km²; quy mô dân số: 19.548 người
Thị trấn Yên Viên (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 0,98 km²; quy mô dân số: 13.427 người
Xã Yên Viên (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 3,74 km²; quy mô dân số: 15.271 người
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Phù Đổng.
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Phù Đổng
Xã Phù Đổng là một vùng đất cổ nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô, nổi tiếng trong lịch sử - văn hóa dân tộc với truyền thuyết về Thánh Gióng - một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây được xem là quê hương của vị anh hùng làng Gióng, biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Xã có nhiều tuyến giao thông kết nối đến các phường Phúc Lợi, Việt Hưng và đến các xã Đông Anh, Thuận An, Gia Lâm, Thư Lâm của Hà Nội và đến tỉnh Bắc Ninh. Phù Đổng kết nối nhanh với quốc lộ 1, quốc lộ 3, quốc lộ 5A và quốc lộ 5B đi liên tỉnh và các tuyến đường liên xã. Vị trí tiếp giáp sông Đuống cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa. Những điều kiện này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện hạ tầng giao thông - vận tải của địa phương.
Đặc điểm kinh tế xã Phù Đổng
Xã Phù Đổng định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới sản xuất hàng hóa có năng suất cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, với trọng tâm là phát triển các vùng chuyên canh rau màu và cây ăn quả.
Song song với nông nghiệp, các ngành nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển, gắn với mô hình sản xuất hộ gia đình và cụm làng nghề. Các lĩnh vực tiêu biểu bao gồm: cơ khí chế tạo, sửa chữa máy móc thiết bị, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất gạch và vật liệu xây dựng không nung, nghề mộc dân dụng và sản xuất nội thất. Những ngành nghề này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn từng bước mở rộng thị trường ra các vùng lân cận, góp phần tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn bản sắc nghề truyền thống.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 07 khu cụm làng nghề tập trung, bao gồm các cụm làng nghề tại Yên Thường, Yên Viên, Thiên Đức, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Cổ Bi…, đóng vai trò là trung tâm phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và là nền tảng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Phù Đổng
Xã Phù Đổng là một trong những địa phương có giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử, được ghi nhận rộng rãi trong truyền thống dân gian và văn hóa quốc gia. Với thế mạnh về tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể, xã tập trung khai thác lĩnh vực du lịch văn hóa - tâm linh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Tiêu biểu trên địa bàn xã là Khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng , nơi thờ Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Quần thể di tích bao gồm: đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, Cố Viên, Giá ngự, mộ Trần Đô Thống và chùa Kiến Sơ, mang ý nghĩa tín ngưỡng, là những minh chứng sống động cho lịch sử - nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Lễ hội Gióng, tổ chức thường niên tại địa phương, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần nâng tầm vị thế của xã Phù Đổng trong bản đồ du lịch văn hóa quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, xã còn bảo tồn được nhiều di tích có giá trị khác như đình Ninh Giang (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia - năm 1997), đình Yên Viên (di tích lịch sử cấp Thành phố - năm 2013), là nơi thờ phụng các vị tướng có công với đất nước. Các di tích này thể hiện đời sống tín ngưỡng phong phú của cộng đồng.
Về giáo dục, các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia ở cả ba cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở). Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở được thực hiện nghiêm túc và duy trì chất lượng cao. Xã có nhiều mô hình giáo dục đổi mới, gắn với sự phát triển toàn diện của học sinh.
Các trường tiểu học và THCS tại xã triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục thể chất, thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao giúp học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng sống và phát triển phẩm chất cá nhân. Các mô hình này được đông đảo học sinh tham gia và đóng góp tích cực cho chất lượng giáo dục toàn diện.
Trên địa bàn có hệ thống trường học bao gồm 05 trường THCS (Ninh Hiệp, Phù Đổng, Yên Thường, Thiên Đức, Yên Viên), 05 trường tiểu học (Ninh Hiệp, Phù Đổng, Yên Thường, Thiên Đức, Yên Viên), 06 trường mầm non (Đặng Xá, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Yên Thường, Thiên Đức, Yên Viên).
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt mức cao. Trên địa bàn xã có các trạm y tế tại Ninh Hiệp, Phù Đổng, Yên Thường, Thiên Đức và Yên Viên. Các trạm y tế xã thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe ban đầu, ứng dụng công nghệ vào quản lý y tế cộng đồng (phần mềm quản lý khám chữa bệnh, quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm). Xã tích cực hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và tích hợp chức năng sức khỏe trong ứng dụng VNeID của Bộ Công an.
Công tác tuyên truyền về phòng chống dịch, tiêm vắc-xin phòng bệnh, hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hạ tầng y tế và công nghệ thông tin từng bước được nâng cấp, sẵn sàng cho kết nối liên thông dữ liệu y tế với các cơ quan chuyên môn.
Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phù Đổng: Thôn Phố Yên, xã Phù Đổng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phù Đổng: đồng chí Đặng Thị Huyền
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng: đồng chí Đào Đức Minh
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phù Đổng: đồng chí Nguyễn Đức Thể.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây
Đài Hà Nội
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/xa-phu-dong-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344052.htm