Triển vọng Đồng Sơn

Triển vọng Đồng Sơn
11 giờ trướcBài gốc
Trung tâm phường Đồng Sơn hôm nay
Vùng đất xưa
Nhắc đến Đồng Sơn hôm nay, nhiều người sẽ nhớ đến những “tên đất, tên làng” đi vào lịch sử. Đó là xóm Trạng. Trở về quá khứ, trong những ngày đế quốc Mỹ đánh phá, Đồng Hới (nay là 2 phường Đồng Hới, Đồng Thuận) trở thành một trận địa ác liệt.
Hàng nghìn người dân gốc Đồng Hới đã lên phía Tây thành phố cũ, trong đó có xóm Trạng để sơ tán. Kết thúc chiến tranh, một số người dân không về lại phố mà vẫn bám đất, bám làng, chung sức xây dựng đời sống mới, tô vẽ nên làng quê tươi đẹp. Từ một vùng đất khó, đến nay, người dân cần cù chịu khó đã tạo ra một vùng gò đồi xanh mát, cây cối đơm hoa kết trái...
Cách trung tâm phường Đồng Hới 12km về phía Tây, Thuận Đức lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng về biển Đông, nơi đây là căn cứ địa đầu tiên của tỉnh trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp năm 1947.
Tuy làm nơi căn cứ trong thời gian ngắn nhưng mảnh đất Thuận Đức lưu giữ nhiều sự kiện quan trọng, ghi lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình. Hiện nay, chiến khu Thuận Đức còn lại dấu tích địa điểm nằm trên đồi Thuận Phong có diện tích 10.000m2, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Trở lại chiến khu Thuận Đức, nhiều người vẫn vẹn nguyên cảm xúc về một vùng đất giàu tình nghĩa trong kháng chiến và chịu thương chịu khó trong thời bình. Hôm nay, đi trên những con đường mới với hệ thống đồng bộ điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa; băng qua những mảnh vườn xanh mát, trù phú, sẽ cảm nhận được sự hồi sinh, khởi sắc của vùng quê cách mạng này.
TP. Đồng Hới cũ có 15 xã, phường, nay chia thành 3 phường mới, gồm: Phường Đồng Hới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: Bảo Ninh, Đức Ninh, Nam Lý, Đồng Hải, Đồng Phú, Đức Ninh Đông, Phú Hải, Hải Thành; địa điểm làm việc tại trụ sở UBND TP. Đồng Hới cũ. Phường Đồng Thuận trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Lộc Ninh, Quang Phú và phường Bắc Lý, địa điểm làm việc tại trụ sở phường Bắc Lý và trụ sở xã Quang Phú. Phường Đồng Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Nghĩa Ninh, Thuận Đức và các phường Bắc Nghĩa, Đồng Sơn, địa điểm làm việc tại trụ sở phường Đồng Sơn, phường Bắc Nghĩa và Công an phường Bắc Nghĩa.
Triển vọng vùng đất mới
Từ một địa phương có diện tích 19,55km2, trên 10.000 nhân khẩu, sau khi sáp nhập, đến nay, phường Đồng Sơn có diện tích 88km2, dân số gần 32.400 người (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Đồng Sơn, phường Bắc Nghĩa, xã Nghĩa Ninh và xã Thuận Đức).
Bộ phận một cửa phường Đồng Sơn đi vào hoạt động phục vụ người dân.
4 địa phương có vị trí liền kề, giáp ranh nhau; có yếu tố đặc thù và chung đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa; phong tục tập quán sinh hoạt của người dân tương đồng; có hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và giao dịch của người dân; bảo đảm sự cân đối, tương đồng về quy mô giữa các đơn vị hành chính mới với các đơn vị hành chính cấp xã khác trên địa bàn.
Chủ tịch UBND phường Đồng Sơn Đoàn Hồng Quân cho biết, nếu như trước đây, Đồng Sơn phần lớn dân cư là cán bộ hưu trí, một bộ phận người dân sống bằng các dịch vụ buôn bán truyền thống, nhỏ lẻ, thì nay trở thành một địa phương lớn với đa ngành nghề, từ chăn nuôi, trồng trọt đến tiểu thủ công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Trên địa bàn hiện có công trình đường cao tốc và một số dự án lớn đang hình thành, mở ra cơ hội để người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ. Đặc biệt, nguồn lực đất đai dồi dào để bà con phát triển trồng rừng và mở rộng các mô hình kinh tế tổng hợp. Do đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được công nhận là sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn VietGAP và các chủ thể đang duy trì, tiếp tục mở rộng sản xuất.
“Với điều kiện thổ nhưỡng khá thuận lợi, hiện cơ sở sản xuất có 2ha trồng nguyên liệu phát triển tốt, cùng với việc thu mua của bà con các vùng lân cận, mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 50 lít dầu sả, 120 lít dầu tràm, giải quyết việc làm cho 6 lao động theo thời vụ và hàng chục lao động gián tiếp. Sản phẩm tinh dầu tràm, dầu sả Cô Nguyệt của gia đình đã được công nhận OCOP 3 sao.
Để giữ vững thương hiệu, bảo đảm chất lượng, uy tín của sản phẩm đến tay người tiêu dùng, thời gian tới, chúng tôi mở rộng quy mô, đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất tinh dầu. Mong các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ để sản phẩm tiếp cận nhanh ra thị trường”, chủ hộ sản xuất tinh dầu tràm, sả Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.
Tuy các địa phương vừa mới sáp nhập vào, mức thu nhập của người dân có chênh lệch theo vùng, từ 50-60 triệu đồng/người/năm, nhưng với tiềm năng dư địa khá lớn, hy vọng trong nay mai, Đồng Sơn sẽ phát huy nội lực, tận dụng mọi cơ hội để phát triển, nâng cao và cân bằng được mức thu nhập và đời sống của người dân, bứt phá đi lên, sánh vai cùng các phường trung tâm tỉnh lỵ mới.
Hương Trà
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/trien-vong-dong-son-195479.htm