Xã Vĩnh Đồng: Người dân mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ đất tái định cư

Xã Vĩnh Đồng: Người dân mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ đất tái định cư
8 giờ trướcBài gốc
17 năm nay, người dân tái định cư vùng sạt lở thiên tai xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi vẫn luôn loay hoay câu chuyện nơi sản xuất, sinh sống, ngóng chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bức xúc của người dân cũng là vấn đề trăn trở của chính quyền cơ sở.
Sau 17 năm, người dân ở điểm tái định cư Đồng Sằn, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) vẫn chưa được cấp sổ đỏ đất thổ cư.
Đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế, Bí thư chi bộ xóm Đoàn Kết Bùi Văn Hương cho biết: Người dân xóm Chanh Trên (nay là xóm Đoàn Kết) đã chuyển về ở điểm tái định cư Đồng Sằn. Xóm Chanh Trên nằm trong vùng trọng điểm lũ quét, ngập úng, trượt sạt, phải sơ tán dân 2 lần, lần đầu năm 2007 với khoảng 67 hộ dân, lần thứ 2 năm 2017 (đợt mưa lũ lịch sử) với 26 hộ dân. Chỗ sản xuất cũ chưa được thu hồi. Chỗ tái định cư thì chưa được cấp sổ đỏ, gây khó khăn cho cuộc sống và sản xuất của người dân. Tôi làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã được 10 năm nay, lần họp nào người dân cũng kiến nghị chính quyền cấp sổ đỏ đất thổ cư cho điểm tái định cư. Không biết quy trình cấp bìa đất ở khu tái định cư cho dân mắc ở đâu.
Ông Đinh Công Tình, xóm Đoàn Kết cho biết: Ngày 10/10/2017, xóm Chanh Trên mưa lũ lớn chưa từng có, lũ dâng cao ngập gần hết mái nhà, nước suối lên nhanh cuồn cuộn cuốn đi nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Khi ấy nhà bí thư chi bộ bị lũ cuốn mất 2 con bò. Lũ cũng làm chết 1 con trâu nhà trưởng xóm; nhiều hộ dân mất gia súc, gia cầm, thiệt hại nhà cửa… Chính quyền đã tổ chức xây dựng điểm tái định cư tại chỗ và tái định cư mới cho hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại cuộc sống của bà con đã an toàn hơn, thế nhưng việc tổ chức sản xuất rất bất cập. Bởi điểm tái định cư xây mới ở khu Đồng Sằn cách khu sản xuất cũ khoảng 3km, trong khi đó cuộc sống người dân làm nông, lâm nghiệp là chính, hàng ngày người dân vẫn phải vào khu cũ để sản xuất, ở đó còn có trâu bò, gia cầm, vườn tược. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã nhiều lần tổ chức cảnh báo, cắt điện. Nhưng vì đời sống, bà con vẫn lén lút kéo điện trở lại để sản xuất. Người dân nhiều lần đề nghị Nhà nước cấp sổ đỏ đất thổ cư tại điểm tái định cư. Tuy vậy, đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa được cấp dù đã 17 năm. Nếu được cấp sổ đỏ còn có cơ hội thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển ngành nghề phi nông nghiệp.
Ông Đinh Công Tình cũng cho biết, hầu hết các hộ dân trên địa bàn tham gia dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT), theo đó mỗi hộ trước đây có từ 9 - 10 thửa nay còn 2 - 3 thửa, thuận lợi cho canh tác. Diện tích đất nông nghiệp sau DĐ, ĐT cũng chưa được cấp sổ đỏ. Trước đây có thông tin cấp trên đang triển khai các thủ tục cấp bìa đất nông nghiệp cho bà con nhưng không thấy được cấp. Nhà nước đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng đường liên kết vùng và một số dự án đầu tư trên địa bàn đã phát sinh những vấn đề về tranh chấp đất đai, quy chủ như ở xóm Rạnh.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng Bùi Văn Hùng cho biết: Xã đang rất nan giải trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích với nhân dân liên quan đến việc cấp sổ đỏ đất khu tái định cư và đất nông nghiệp sau DĐ, ĐT. Vĩnh Đồng là xã thí điểm thực hiện đề án DĐ, ĐT của huyện Kim Bôi, thực hiện từ tháng 10/2006 ở tất cả các xóm với tổng số 932 hộ tham gia, diện tích DĐ, ĐT là 185,6 ha. Việc DĐ, ĐT thực hiện thành công đã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng đất đai manh mún, quy hoạch lại ruộng đồng, đầu tư các công trình thủy lợi, tổ chức và nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Xã là địa phương tiên phong đưa vào sản xuất 3 vụ/năm (2 vụ lúa, 1 vụ màu). Nhưng đến nay, diện tích đất nông nghiệp vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, người dân ở điểm tái định cư Đồng Sằn cũng chưa được cấp sổ đỏ đất thổ cư, những vấn đề về tổ chức sản xuất rất khó khăn. Hiện thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt rất lớn, xã đã triển khai tổ chức ứng trực, tuyên truyền, cảnh báo người dân không về nơi ở cũ để đảm bảo an toàn.
Lê Chung
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/274/194097/xa-vinh-dong-nguoi-danmon-moi-cho-cap-so-do-dat-tai-dinh-cu.htm