Xanh hóa để phát triển bền vững

Xanh hóa để phát triển bền vững
10 giờ trướcBài gốc
“Chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam
Tham luận của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Diễn đàn “Hợp tác xã Quốc gia 2025 về chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” cho thấy nhiều mô hình HTX đã chủ động chuyển đổi thành công, như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Lộc (Bến Tre) đã xây dựng mô hình sản xuất chôm chôm hữu cơ, áp dụng quy trình canh tác không sử dụng hóa chất, thay bằng phân hữu cơ và vi sinh, giúp sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU Organic), xuất khẩu sang Hà Lan và Canada với giá trị cao hơn 20-30% so với sản phẩm thông thường.
Hay như HTX Tân Bình (Đồng Tháp) sản xuất lúa theo hướng xanh, tái chế phụ phẩm rơm rạ thành giá thể hữu cơ, hoặc HTX cà phê Bích Thao (Sơn La) ứng dụng chế biến khép kín, phơi nhà kính, đạt chuẩn OCOP 5 sao và xuất khẩu 97% sản lượng sang các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật Bản… khoảng 70% HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu thí điểm đã áp dụng ít nhất một hình thức công nghệ số.
Ông Trần Thanh Dũng Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiều ngành, nhiều địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ cho kinh tế tập thể được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là sự trỗi dậy của CMCN 4.0 thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tham luận trong diễn đàn, báo cáo của NHNN cho thấy thời gian qua bám sát chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT và HTX, NHNN đã xác định khu vực KTTT nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng, hỗ trợ HTX phát triển nói chung và chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững nói riêng.
Các HTX cần xây dựng và triển khai phương án SXKD hiệu quả, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
NHNN đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Nhiều cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng ưu đãi có đối tượng thụ hưởng là HTX hoạt động trong cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Quy định mức cho vay không có TSBĐ từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng tùy theo đối tượng các nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Mức cho vay không có TSBĐ lên đến 70% - 80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị nhằm khuyến khích hỗ trợ khách hàng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời có chính sách xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ); Chính sách giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/nămso với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.
Song hành với đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của HTX. Từ việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù loại hình HTX; Đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố; tổ chức các Hội nghị tín dụng chuyên đề, trong đó khu vực KTTT, HTX để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tính đến hết tháng 1/2025, có 35 TCTD tham gia cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX với dư nợ đạt 6.428 tỷ đồng. Bên cạnh dư nợ cho vay chủ thể là HTX, LHHTX nêu trên, các TCTD còn cho vay đối với các cá nhân, hộ gia đình là thành viên HTX để đáp ứng nhu cầu sản xuất của HTX, LHHTX. Theo đó, tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động SXKD của HTX có thể cao hơn nhiều, dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên HTX. Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 01/2025 dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,51 triệu tỷ đồng chiếm 68,03% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Tuy nhiên, tín dụng đối với HTX luôn ở mức thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế. Thực trạng này không chỉ ở hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng mà còn cả trong hoạt động cho vay của hệ thống Quỹ hỗ trợ HTX từ Trung ương đến địa phương.
Nguyên nhân là do nhiều HTX nông nghiệp quy mô sản xuất kinh doanh, phạm vi hoạt động hẹp, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; các HTX chưa có khả năng tổ chức và điều phối hoạt động sản xuất đồng bộ quy mô lớn (thay thế sản xuất nhỏ lẻ của hộ cá thể) để có thể áp dụng các phương pháp canh tác xanh.
Bên cạnh đó, hầu hết HTX hiện nay gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính do hạn chế về tài sản thế chấp, năng lực quản lý tài chính yếu, hiệu quả kinh doanh không ổn định và chưa có hồ sơ tín dụng tốt.
Đây là những nguyên nhân gây khó khăn cho TCTD khi thẩm định, chưa tạo chữ tín cho TCTD quyết định cho vay, nhất là cho vay không có bảo đảm. Ngoài ra, vấn đề địa vị pháp lý của loại hình kinh tế tập thể cũng là khó khăn cho TCTD khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế này.
Để thúc đẩy vốn hỗ trợ kinh tế tập thể, NHNN đã và đang triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ HTX thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Đặc biệt chỉ đạo các TCTD triển khai ngay chính sách tín dụng mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các chính sách mới về nâng mức cho vay không có TSBĐ đối với HTX, chính sách cho vay phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo hệ thống TCTD giải ngân cho vay thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bền vững, thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp.
Triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD cân đối vốn, tập trung tín dụng cho HTX hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tăng cường nguồn vốn cho vay các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ hỗ trợ mạnh mẽ hơn phát triển kinh tế tập thể, HTX bền vững, NHNN đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với HTX theo hướng tăng cường nhận thức của HTX về sự cần thiết chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững.
Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX; tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ HTX tại các địa phương, hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn cho HTX.
NHNN cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (nhà kính, nhà lưới...) trong đầu tư nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, rút ngắn các thủ tục giao dịch đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các HTX, LHHTX tiếp cận vốn.
Về phía HTX cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2024 và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt là đảm bảo hoạt động đúng bản chất của HTX; xây dựng và triển khai phương án SXKD hiệu quả, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động làm cơ sở để các TCTD cho vay.
Hải Thanh
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/xanh-hoa-de-phat-trien-ben-vung-163310.html