Hồ nước tại khu công viên trung tâm xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) được bảo vệ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Có lẽ, hiếm có nơi nào để lại ấn tượng với nhiều người như khi đến với xã Hoằng Quỳ. Đã thành nền nếp, khoảng 17h chiều, khi thời tiết đã bắt đầu chuyển sang cái nóng oi ả của mùa hè, người lớn, trẻ em lại tập trung về phía nhà văn hóa các thôn để vui chơi, hóng mát. Cái lạ là ở một địa phương nằm giáp Quốc lộ 1A, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư san sát, đất đai chật chội, song người dân vẫn giữ được những ao làng và chung tay cải tạo chúng sạch, đẹp hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ Lê Văn Hải, cho biết: Ngày xưa ở xã Hoằng Quỳ có rất nhiều ao nhưng theo thời gian, sự phát triển của đời sống xã hội làm cho số lượng ao làng dần bị thu hẹp. Toàn xã hiện chỉ còn 8 ao làng nằm rải rác ở các thôn Đông Khê, Ích Hạ, Tây Phúc, Trung Tiến, Đông Nam... Các ao đều đã được cải tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Việc cải tạo ao tùy vào điều kiện thực tế từng thôn, song cơ bản là được xây kè, dựng lan can vững chắc để bảo vệ. Ao được giao cho các thôn trực tiếp quản lý. Nhiều gia đình trong xã đã ủng hộ, góp công sức, tiền mua ghế đá, trồng cây xanh xung quanh để tạo cảnh quan. Từ đó, khu vực xung quanh ao làng trở thành điểm lý tưởng để người dân dừng chân gặp gỡ, trò chuyện, nghỉ ngơi trong những ngày hè oi ả.
Xã Hoằng Thắng là địa phương có dân cư tập trung đông đúc với những ngôi làng nổi tiếng như Hồng Nhuệ, Hoằng Trì. Ở làng Hồng Nhuệ trước đây, những ao làng ở vùng đất trồng màu này trở nên quan trọng vào cả hai mùa mưa, nắng. Tuy nhiên, không nằm ngoài vòng xoáy của sự thay đổi, đất chật người đông, người ta lấp ao để làm nhà, làm vườn. Khoảng hơn 20 năm trước, hàng chục ao lớn nhỏ trong làng đã trở thành khu dân cư đông đúc. Có những thứ mất đi rồi rất khó để quay trở lại, ao làng cũng thế!
May mắn, trong làng vẫn còn một số ao được giữ lại đến ngày nay. Người dân ở đây đã chú trọng hơn đến việc giữ gìn không gian chung này. Riêng ở thôn Hồng Nhuệ 2, từ năm 2023, sau khi được cải tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, 2 ao làng với tổng diện tích khoảng 800m2 trở thành điểm nhấn trong các khu khuôn viên mini của thôn.
Bà Nguyễn Thị Khuyên, Bí thư chi bộ thôn Hồng Nhuệ 2, chia sẻ: Từ bao đời nay, ao làng trở thành hình ảnh gần gũi với đời sống nhiều thế hệ người nông dân, là hồn cốt của mỗi làng quê. Ao làng điều hòa không khí, trở thành “lá phổi” làm dịu mát những ngày hè nóng nực, là nơi chống hạn cho bà con làm nông nghiệp trong mùa nắng nóng, tiêu úng trong mùa mưa lũ. Vì thế, khi những ao làng được cải tạo sẽ phát huy tác dụng vốn có của nó, đồng thời góp phần tôn lên bức tranh quê, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân nông thôn.
Ở xã Hoằng Thái còn giữ lại được khá nhiều ao, hồ. Hồ nước tại khu công viên trung tâm xã lâu nay vẫn được người dân ví von như “lá phổi” điều hòa, làm dịu nắng nóng cho cả khu dân cư đông đúc và trường học khu vực lân cận. Hồ nước rộng khoảng 10.000m2 được cải tạo, kè lát hình dáng uốn lượn. Phía trên hồ, xã đã tiến hành xây dựng mới công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với thiết kế ấn tượng. Xung quanh cảnh quan được chỉnh trang gọn gàng với khu vui chơi, tập thể dục, đường dạo, ghế đá, cây xanh, hệ thống điện năng lượng mặt trời, đường giao thông thảm nhựa... Nhiều người dân mỗi lần qua đây đều trầm trồ khen ngợi bởi ở nơi đất chật, người đông như xã Hoằng Thái mà cán bộ và Nhân dân địa phương vẫn giữ lại được những khoảng không gian thoáng đãng cho làng quê.
Làng quê có những vận động để thích nghi với giai đoạn phát triển mới, song việc giữ gìn những ao, hồ tự nhiên là vấn đề rất đáng được quan tâm, bởi đó chính là cảnh quan môi trường bền vững, độ thoáng của không gian sống và những lợi ích thiết thực cho người dân.
Bài và ảnh: Minh Hiền