Xấu dây mẩy củ

Xấu dây mẩy củ
5 giờ trướcBài gốc
Ai cũng từng nghe nói đến câu “Xấu dây mẩy củ”. Mẩy có nghĩa là củ nở nang, to đẫy. Về khoai lang, khi đọc lại ca dao ta gặp câu: “Làm trai phải biết đủ nghề/ Phòng khi hoạn nạn thì về mót khoai/ Mót được củ chạc, củ chai/ Củ giắt lưng khố, củ nhai vào mồm”.
Thoạt nghe qua ắt ta gật gù “cũng được” bởi đã có cái ăn bỏ vào mồm. Thật ra đây là một sự mỉa mai, nếu ta rõ nghĩa “củ chạc, củ chài”. Trong trường hợp này, “chài/ chạc” chỉ mới là rễ, chứ chưa thành củ.
Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng - nhà văn viết phóng sự đạt đến tầm “nghệ cả củ”.
Đang bàn về từ củ, lập tức ta liên tưởng đến câu “Con kiến mà kiện củ khoai”. Có phải do có từ “kiện” nên trước đó phải là “kiến/ con kiến” để câu nói này nhịp nhàng vần điệu dễ nhớ? Thoạt nghe có lý, vì khi ta thay từ bằng con gì đi nữa thì cũng khó bắt vần với từ kiện nhưng thật ra không đúng.
Sở dĩ con kiến xuất hiện trong trường hợp này, vì trong tâm thức của người Việt cụm từ “Con ong, cái kiến” ngoài nghĩa nhằm chỉ những ai siêng năng, chịu thương chịu khó, cần mẫn; còn chỉ hạng người “thấp cổ bé miệng”, khi gặp chuyện không biết kêu ca, van nài cùng ai, nói như “Truyện Kiều” là “Con ong cái kiến kêu gì được oan” - trái ngược với “Con ông cháu cha/ Con cháu các cụ cả”.
Ở câu “Con kiến mà kiện củ khoai” nếu bỏ đi từ “mà” trở thành “Con kiến kiện củ khoai” ắt mất đi hàm ý nối hai sự vật/ sự việc trái ngược nhau như một cách nhấn mạnh hơn nữa, thí dụ như trường hợp: “Có võng mà chẳng có đòn/ Có chồng mà chẳng có con mà bồng”. Từ “mà” trong câu “Con kiến mà kiện củ khoai” cho thấy rõ thái độ của người thốt ra câu ấy, tức là cái sự kiện tụng đó không đi đến đâu, không nên cơm cháo gì, chỉ nhọc công vô ích.
Thông qua hình ảnh con kiến bé xíu đặt cạnh củ khoai to đùng ắt ai cũng nhìn ra sự thắng thế đã thuộc về “phe” nào. Ta biết củ/ củ khoai là “Một phần gốc cây, rễ cây phình to ra, nằm ở dưới đất” - theo “Việt Nam tự điển” (1931), như vậy ngay lúc con kiến đi kiện không những củ đã lớn hơn về hình thức bên ngoài mà còn có khả năng phát triển to/ lớn hơn nữa. Về lâu dài, con kiến càng thất thế hơn so với củ là cái chắc. Lại nữa, do củ “nằm ở dưới đất” nên con kiến không thể nhìn thấy hết khả năng vốn có của củ. Xét theo nghĩa bóng, củ là đại diện cho “bị đơn” có thế lực to lớn hơn gấp nhiều lần mà “nguyên đơn” không thể biết tường tận, không thể so đọ.
Đành rằng là vậy, nhưng tại sao lại là củ khoai lang chứ không củ gì khác? Xin thưa, một khi nói củ khoai/ khoai củ thì ta hiểu chính là “Tiếng kêu chung các thứ củ như củ lang, củ môn, củ ngọt v.v…” – “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết. Với câu tục ngữ “Trần ai khoai củ” thì cũng được hiểu chỉ chung các loại củ. Suy ra, củ khoai trong câu “Con kiến mà kiện củ khoai” là phản ánh cho các “thế lực” khác nhau của củ, chứ không chỉ một loại củ như củ khoai lang chẳng hạn.
Hiểu về củ/ củ khoai lang như thế, ta mới thấy sự lắt léo trong câu “Ra ngô ra khoai/ Ra môn ra khoai”. Trước hết, cần xác định trong 2 câu này thì câu nào mới chính xác? Rằng, ngô và khoai vốn là thức ăn quen thuộc của người Việt, cả hai cùng “dính chùm” với nhau như khít khịt, thí dụ ca dao có câu: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến năm thất bát biết ai bạn cùng”. Cây ngô đó trong Nam gọi là cây bắp, không những thế ngoài Bắc còn “nâng tầm” thành lúa/ lúa ngô, có thể tìm thấy dấu vết qua câu tục ngữ “Ông mãnh lúa ngô, bà cô đậu nành”.
Suy luận này, cứ cho là “chuẩn cơm mẹ nấu” nhưng xin thưa một khi nói làm việc gì đó “Ra ngô ra khoai” là làm cho ra nhẽ, minh mạch rõ ràng, không úp úp mở mở, huỵch toẹt ra, không nhập nhằng, lẫn lộn, làm đâu ra đó. Do đó, cả hai sự vật/ sự việc ấy phải có nhiều nét tương đồng mà thoáng nhìn qua, nếu không quan sát chu đáo dễ dẫn đến sự nhầm lẫn.
Vậy, xin hỏi ngô và khoai có gì tương đồng về hình dáng, màu sắc? Hoàn toàn không. Nếu cho cả hai thứ nhập vào chung, bất kỳ ai cũng thể phân biệt rõ ràng. Suy ra câu “Ra ngô ra khoai” không hợp lý, nếu nói đúng lý phải là “Ra môn ra khoai”. Vâng, ít ra ta cũng thấy giữa củ môn/ khoai môn và củ khoai/ khoai lang cùng có nhiều nét na ná nhau, khó phân biệt là phải rồi.
Thật ra khoai ở đây không phải là… củ khoai đã xuất hiện trong câu ca dao “Được mùa chớ phụ ngô khoai”; hoặc trong câu “Đói thì ăn đỗ ăn khoai/ Chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng”, là “thuộc họ Bìm bìm” như GS Đỗ Tất Lợi cho biết trong tập sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Mà, “Ra môn ra khoai” thì cần phân biệt đâu là khoai môn, đâu là khoai sọ tức cả hai thuộc “cây lấy củ họ Ráy (Araceae) - theo “Từ điển bách khoa nông nghiệp”. Do cùng loại nên mới càng khó phân biệt là chỗ đó, nếu chúng lẫn lộn vào nhau.
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để loại ngô ra khỏi ngữ cảnh này. Tương tự “Ra môn ra khoai” còn có cách nói như “Ra tấm ra miếng/ Ra món ra mớ”.
Trở lại với câu tục ngữ “Xấu dây mẩy củ”, ta còn hiểu qua nghĩa bóng là ai đó hình thức bề ngoài dù gầy gò, hom hem nhưng củ lại mẩy. Thiệt tréo ngoe cẳng ngỗng. Nhưng củ trong ngữ cảnh này là củ gì? Hãy nghe câu hát trong tuồng Tiên Bửu, rằng, khi Lão Trượng đã già rụng răng, già khú đế nhưng vẫn còn rộn ràng máu dê thả thính cô em mới nguyệt đang rằm, bị chê ỏng chê eo, lão liền khoe - nói như người Huế là vô duyên ộn/ vô duyên vô dảnh: “Già thời già mặt già mày/ Tay chân già hết, củ rày còn non”.
Rày là này. Củ này, ta vẫn chưa biết tên gọi, chi bằng thử khảo sát trong thơ của ông vua thơ trào phúng Việt Nam xem sao. Nhất trí ngay. Xin thưa, thơ của cụ Tú Xương có câu: “Bỡn thì xin trả ngay cho tớ/ Chẳng trả thì xơi cái tử cù”.
Tên gọi “củ từ” mỗi thời lại “thay tên đổi họ”, có lúc trở thành “củ thìu biu”. Không những thế, cái củ ấy, nếu cần, người ta lại thay thế bằng từ khác, thí dụ có câu tếu táo: “Về hưu mới thấy mình già /Cái bụng thì rỗng, trái cà thì teo”, từ “củ” đã nhảy qua “trái”, thiệt trái khoáy? Không đâu. Thử liệt kê tên gọi các loại cà trong đó có cà tím, vậy, dân gian gọi cà gì? Hiểu rồi chứ gì? Vậy là.., cười. Với cái tít bài báo “Chàng trai lướt sóng biển “nghệ cả củ” mà không cần ván”, thiết nghĩ, một khi bàn về nghệ/ củ nghệ ắt ta liên tưởng tới gừng:
Đôi ta như nghệ với gừng
Dù xa cách mấy cũng đừng quên nhau
Sự liên tưởng này rất quan trọng, vì có trường hợp “nghệ” được cố tình “bắt cầu” qua “gừng” để có hàm nghĩa khác. Thí dụ, từ “văn nghệ” ta có thêm “văn nghệ văn gừng” là cụm từ này đã mang sắc thái bông lơn. Tương tự, còn có thể kể đến “trí thức trí ngủ”, “học giả học thiệt”, “năm mới năm mẻ”, “làm giá làm hẹ”, “làm eo làm xách”, “làm hành làm tỏi”… Cách nói “văn nghệ văn gừng” được chấp nhận và sử dụng vì gừng với nghệ cặp kè nhau như hình với bóng, như bưởi với bòng, như sung với vả…
Tuy nhiên, khi người ta nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghệ ở đây lại có nghĩa là nghề/ nghề nghiệp. Cứ chuyên tâm theo một nghề, làm thật giỏi nghề đó cũng sống “ngon lành cành đào”, chứ cần gì phải biết trăm nghề, mà chỉ biết qua loa đại khái ắt “Bá nghệ bá tri vị chi bá láp”. Vậy, suy ra khi nói “Chàng trai lướt sóng biển 'nghệ cả củ' mà không cần ván”, ta ngầm hiểu nghề lướt ván của chàng trai nảy đã giỏi nghề đến mức cực đỉnh/ đỉnh của chóp?
Hiểu vậy có lý quá, vì nghề/ “nghệ cả củ” là nghề đã đâu ra đó, đã tinh xảo, hoàn chỉnh, hoàn thiện chứ không hề thiếu sót, sứt mẻ tẻo tèo teo. Chính vì giỏi nghệ/ giỏi nghề nên khi lướt sóng biển mới “không cần ván”, như tít bài báo cho biết. Nếu như thế, cách nói quen thuộc của người Việt ắt phải là lướt sóng biển “có nghề” tức không chỉ có nghề nghiệp, mà còn hàm ý “tài phép riêng, cuộc cơ trí” - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895). Chẳng hạn như ai đó bảo: “Nhà văn Vũ Trọng Phụng viết phóng sự có nghề” là hiểu theo nghĩa này, tức ông giỏi nghề, già nghề nếu non nghề, lụt nghề thì sức mấy được người đương thời ca ngợi “Ông vua phóng sự đất Bắc” v.v…
Thật ra, “nghệ” ở đây không phải nghệ/ củ nghệ, hoặc nghề/ nghề nghiệp mà chính cách chơi chữ là tách rời “nghệ” ra khỏi “nghệ thuật”. Với cách nói này, ta ngầm hiểu là “nghệ thuật cả củ” là nghệ thuật ấy đã đạt đến đỉnh cao, tột bực, điêu luyện, tinh xảo, khó ai có thể bắt chước. Nghệ thuật ấy, người ấy đã có nguyên cả củ, nghĩa là có trọn vẹn, đầy đủ, chứ nào phải chỉ có một miếng, một phần mà có tất tần tật.
Cách nói này dù cũng tương tự như khen ngợi ai đó “có nghề” nhưng nếu kẻ khác có “gato” thì cũng khó cãi bởi bản thân cụm từ đó đã mang sắc thái hài hước, vui nhộn, trẻ trung, như thật như đùa dù cũng là sự khẳng định. Nói khéo kiểu này chỉ có thể mới ra đời gần đây, thiết tưởng cũng cần ghi nhận cho một lối diễn đạt mới.
Lê Minh Quốc
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/so-tay/xau-day-may-cu-i745365/