Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo đề án quốc gia “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến 2045”.
Dự thảo đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đối với từng cấp học, gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ở từng giai đoạn cụ thể. Các cấp độ nhà trường triển khai đưa tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cũng được xác định.
Vẫn còn một số thách thức trong việc dạy và học tiếng Anh
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh chia sẻ, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW, trong đó nêu rõ: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...".
Đồng thời, Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".
Có thể thấy, mục tiêu này có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của nguồn nhân lực Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hội nhập sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Tiếng Anh không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn là phương tiện giúp người học tiếp cận tri thức toàn cầu, công nghệ tiên tiến, cũng như tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần nhìn nhận một số thách thức hiện nay tại các cơ sở giáo dục.
Thứ nhất, sự chênh lệch về năng lực tiếng Anh của người học ở các vùng miền. Do điều kiện tiếp cận giáo dục, đặc biệt là việc triển khai dạy và học tiếng Anh ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế, năng lực tiếng Anh của người học cũng có sự chênh lệch đáng kể.
Thực tiễn ở Trường Đại học Vinh cho thấy năng lực đầu vào của một số sinh viên còn thấp, dẫn đến quá trình học tập gặp khó khăn. Điều này đặt áp lực lớn lên giảng viên khi phải cân bằng giữa việc đảm bảo chất lượng giảng dạy và hỗ trợ sinh viên yếu kém.
Thêm vào đó, mặc dù sinh viên được học tiếng Anh trong nhà trường nhưng môi trường sử dụng thực tế bên ngoài chưa nhiều. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát triển kỹ năng giao tiếp thực tiễn
Thứ hai, hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn vẫn còn tồn tại dẫn đến thách thức lớn trong việc triển khai các ngành có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Tại Trường Đại học Vinh, dù một bộ phận giảng viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài và có năng lực tiếng Anh tốt, nhưng để giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh đạt hiệu quả như kỳ vọng vẫn còn nhiều bất cập.
Thứ ba, về hệ thống kiểm tra đánh giá người học. Hiện nay, tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do vậy, nhiều học sinh ở các nhà trường có xu hướng lựa chọn các tổ hợp thi, môn thi khác “dễ thở” hơn.
Có thể thấy, khi tiếng Anh chưa trở thành lựa chọn ưu tiên của người học, nhiều học sinh có xu hướng thờ ơ với môn học này, gây ra không ít khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Thực tế, những học sinh yếu ngoại ngữ khi tốt nghiệp trung học phổ thông thường gặp nhiều trở ngại khi tiếp tục học tiếng Anh ở bậc đại học. Do đó, bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, cần xem xét tác động của các kỳ thi đối với việc học ngoại ngữ của học sinh. Nếu tiếng Anh không phải là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, nhiều học sinh sẽ không dành đủ sự quan tâm để đạt chuẩn đầu ra tối thiểu Bậc 3 (khung năng lực 6 bậc của Việt Nam) theo kỳ vọng.
Ảnh minh họa. Website Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, việc đặt mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai cần một lộ trình dài hạn, kết hợp giữa chính sách giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng và sự thay đổi trong tư duy dạy và học.
Trước hết, chương trình giảng dạy cần tiếp tục cải tiến để hướng đến việc tạo môi trường sử dụng tiếng Anh trong nhà trường, phát triển cho người học kỹ năng giao tiếp thực tiễn, sử dụng tiếng Anh như một công cụ làm việc, thay vì chỉ học để thi cử. Vì vậy, cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ tiếng Anh, chương trình trao đổi quốc tế để học sinh/sinh viên có cơ hội thực hành.
Tiếp đó, cần nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên. Đồng thời cần đảm bảo sự hỗ trợ về tài chính và chính sách để các cơ sở giáo dục và học sinh ở vùng khó khăn cũng có cơ hội triển khai dạy học tiếng Anh với chất lượng tương đương. Trong đó, cần có sự quan tâm đối với đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình.
Cùng bàn về vấn đề này, theo đại diện Khoa Ngoại ngữ, Học viện Ngân hàng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một định hướng mang tính chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng hiện nay. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần nhìn nhận vấn đề này một cách thực chất và phù hợp với điều kiện thực tế.
Tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là ngôn ngữ của tri thức và công nghệ. Vì vậy, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh, sinh viên là điều tất yếu nếu muốn đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Tuy nhiên, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai không chỉ là tăng cường thời lượng học tiếng Anh mà còn đòi hỏi sự tích hợp sâu vào các nội dung, hoạt động học thuật, nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp.
Mặt khác, để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai còn đòi hỏi hệ thống giáo dục phải đảm bảo ba yếu tố cốt lõi: Đội ngũ giáo viên đủ năng lực, học liệu và môi trường học tập phù hợp cùng với chính sách đào tạo liên thông và dài hạn. Đây là quá trình không thể nóng vội mà cần được thiết kế bài bản, có lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận từ nhiều phía: Nhà trường, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Tóm lại, để đạt được mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cần triển khai một kế hoạch đồng bộ, bao gồm cải thiện chương trình đào tạo tiếng Anh theo hướng thực tiễn, đáp ứng nhu cầu công việc.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua đào tạo chuyên sâu, xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ tự nhiên, khuyến khích giao tiếp bằng tiếng Anh trong học thuật và ngoại khóa cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên.
Đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy, tận dụng trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến.
Cần xác định các lộ trình ngắn hạn cũng như dài hạn
Dự thảo Đề án quy định có 6 cấp độ nhà trường triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam. Trong đó có mục tiêu cụ thể, ở bậc đại học, phấn đấu 100% các trường đại học triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai theo cấp độ 4, cấp độ 5, cấp độ 6.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, việc xác định các cấp độ triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 ở các trường đại học cần phải có các tiêu chí và mô tả tường minh, nhất quán. Đồng thời, để có thể đạt được theo các cấp độ như trong dự thảo, cần xác định các lộ trình ngắn hạn cũng như dài hạn.
Thứ nhất, về mặt chương trình, các trường đại học phải thiết lập lộ trình đào tạo tiếng Anh bắt buộc. Theo đó, tùy điều kiện thực tế, mỗi trường đại học cần có kế hoạch cụ thể để đưa tiếng Anh trở thành một phần trong chương trình đào tạo, với yêu cầu tối thiểu về đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Đồng thời, cần phải tích hợp tiếng Anh vào các môn chuyên ngành. Ở bậc đại học, sinh viên không chỉ học tiếng Anh như một môn độc lập mà cần có các học phần chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong việc xây dựng chương trình đào tạo của các trường. Nếu không tăng được số lượng tín chỉ/ học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo thì phải có các chương trình tiếng Anh tăng cường dựa trên việc xã hội hóa.
Song song với việc này, các trường cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến/ giảng dạy bằng tiếng Anh, trong đó ưu tiên các ngành STEM hoặc với các ngành đào tạo giáo viên thuộc lĩnh vực Toán, Tin học, Khoa học tự nhiên…
Thứ hai, về mặt đội ngũ, trước hết, khi số lượng và chất lượng giảng viên chuyên ngành chưa đủ để trực tiếp giảng dạy các học phần bằng tiếng Anh có thể triển khai giảng dạy các học phần này theo mô hình đồng giảng giữa giảng viên tiếng Anh và giảng viên chuyên ngành.
Đồng thời, cần tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho giảng viên chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính trong quá trình triển khai như áp dụng hệ số giờ dạy cao hơn đối với các môn chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc hỗ trợ kinh phí cho giảng viên trợ giảng. Đối với các cơ sở đào tạo sư phạm, cần xem xét nâng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên sư phạm từ bậc 3/6 lên bậc 4/6.
Thứ ba, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, chẳng hạn như xây dựng các trung tâm học liệu, phòng lab, nền tảng mã nguồn mở, hệ thống bài giảng trực tuyến,… Đồng thời, cần thúc đẩy mô hình đào tạo kết hợp (Blended Learning) và ứng dụng công nghệ để cá nhân hóa quá trình học tập của sinh viên.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế bằng cách mở rộng các chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tiếp cận môi trường sử dụng tiếng Anh thực tiễn.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Mỹ - Trưởng khoa Khoa Khoa học xã hội và Ngôn ngữ, Trường Đại học Gia Định, để thực hiện mục tiêu trên, cần phải có lộ trình nhất định với đề án, tập trung chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, mỗi cơ sở giáo dục cần có kế hoạch đưa tiếng Anh vào nội dung chương trình giảng dạy của nhà trường, để tiếng Anh trở thành công cụ giáo dục, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở các cấp độ nào đó.
Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi các nước đã thành công trong phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và các nước có nền giáo dục phát triển.
Thu Trang