Tọa đàm “Thảo luận nhìn nhận thực trạng, đề xuất, giải pháp và định hướng trong công tác phối hợp quản lý đô thị tại Đà Nẵng”
Mới đây, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam (8/11/2008 - 8/11/2024) và Tọa đàm về thực trạng, đề xuất giải pháp, định hướng trong công tác phối hợp quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng.
*100% dự án cấp phép sớm hạn
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng - Phùng Phú Phong cho biết, năm 2024, Sở Xây dựng đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng.
Từ đầu năm đến nay, Sở đã thẩm định và cấp phép cho hơn 85 dự án với tổng mức đầu tư hơn 61 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, 100% dự án được thẩm định và cấp phép sớm hạn, trong đó có hơn 50% dự án hoàn thành trước thời hạn từ 7 đến 10 ngày. Các dự án lớn được triển khai, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Công tác quy hoạch cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực: đã hoàn thành 6 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về quy hoạch phân khu, đã phê duyệt 11 đồ án, trong đó toàn bộ 9/9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được thông qua. Các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật dự kiến sẽ hoàn tất phê duyệt vào cuối năm.
Các quận, huyện của thành phố đã có những đóng góp nổi bật trong việc cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý rác thải, bảo tồn thiên nhiên và cải tạo không gian bãi biển để thu hút khách du lịch.
Công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm với các chương trình hỗ trợ y tế, giáo dục và phát triển khu du lịch, kết hợp bảo tồn di sản văn hóa.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Phú Phong, công tác quản lý đô thị vẫn đối mặt với các thách thức.
Theo kết luận giám sát của Thường trực HĐND thành phố, một số Đồ án quy hoạch chi tiết chậm triển khai chưa được xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, khối lượng công việc khá lớn trong khi số lượng cán bộ công chức phụ trách quản lý quy hoạch còn mỏng và chưa được đồng bộ về chuyên môn trong lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị.
Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng hiện vẫn có tồn tại một số khó khăn nhất định và vướng mắc đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho tới các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư, các công ty tư vấn thiết kế, các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng.
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong phát biểu khai mạc
“Nhân ngày Đô thị Việt Nam năm 2024, với mong muốn thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển hơn, định hướng đô thị bền vững hơn, tôi xin phép thay mặt Sở Xây dựng xin được lắng nghe các ý kiến đóng góp của Lãnh đạo các Sở ngành, Lãnh đạo các quận, huyện với mục tiêu để công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng”, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong chia sẻ.
*Hướng đến phát triển đô thị bền vững
Trong khuôn khổ buổi lễ diễn ra Tọa đàm “Thảo luận nhìn nhận thực trạng, đề xuất, giải pháp và định hướng trong công tác phối hợp quản lý đô thị tại Đà Nẵng”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, Đà Nẵng đang phải đối mặt với không ít thách thức và phát triển đô thị bền vững trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Do đó, cần ưu tiên xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở chú trọng theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý.
Lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, sinh thái, duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Song song đó, kết hợp tốt giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gia tăng mật độ kinh tế trên một diện tích đất và hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch trở thành một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển Thành phố, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo.
“Thành công không chỉ đến từ các dự án lớn mà còn từ từng hành động nhỏ hàng ngày như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng. Chúng ta cùng nhau hành động, biến thách thức thành cơ hội, xây dựng một Đà Nẵng không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn bền vững về môi trường, văn minh và nhân văn”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tặng hoa và thư cảm ơn các nhà đầu tư, nhà thầu thi công các dự án lớn mới được cấp phép xây dựng trong năm 2024 nhân ngày Đô thị Việt Nam
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho rằng, quá trình đô thị hóa không chỉ mở rộng không gian kinh tế mà còn cải thiện đời sống người dân, nâng cao cảnh quan và phát triển hạ tầng kỹ thuật, góp phần làm giàu thêm chất lượng sống ở đô thị.
"Sự phát triển bền vững của đô thị không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong các chính sách phát triển đô thị. Các hiệp hội ngành nghề, nhà đầu tư và công ty tư vấn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và đầu tư, giúp dự án đô thị phát triển một cách khoa học và hiệu quả", Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong nói.
Bàn về các thách thức trong công tác quản lý đô thị tại Đà Nẵng, Trưởng ban Ban Đô thị, HĐND thành phố Lê Tùng Lâm nhìn nhận, công tác quản lý đô thị vẫn đối mặt với thách thức. Theo kết luận giám sát của Thường trực HĐND thành phố, một số Đồ án quy hoạch chi tiết chậm triển khai chưa được xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, khối lượng công việc khá lớn trong khi số lượng cán bộ công chức phụ trách quản lý quy hoạch còn mỏng và chưa được đồng bộ về chuyên môn trong lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, kiến trúc sư,… tham gia thảo luận, đóng góp thêm nhiều ý kiến về công tác chống ngập nước trong đô thị, quản lý đô thị, cải tạo và tái tạo cảnh quan; bảo đảm an ninh nguồn nước; quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu;…
Khánh Linh/BNEWS/TTXVN