Trong bối cảnh AI ngày càng hiện diện trong nhiều lĩnh vực, đạo đức AI không còn là lựa chọn, mà là nền móng xây dựng niềm tin xã hội trong kỷ nguyên số.
Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng và ấn tượng. Kinh tế số tăng trưởng vượt 20% mỗi năm, cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Oxford Insight năm 2023, Việt Nam xếp thứ 39 trong số 193 quốc gia về mức độ sẵn sàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là bước tiến đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng chủ động áp dụng AI vào hoạt động của mình.
Là 1 trong gần 500 học viên tham dự khóa học “Đạo đức AI” đầu tiên tại Việt Nam do Viện ABAII phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức, bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc phát triển mạng lưới Tổ chức giáo dục InterEdu đánh giá cao vai trò của việc sử dụng AI có trách nhiệm, nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp khi triển khai các chiến lược AI trong tổ chức.
Bà Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Tôi thường xuyên sử dụng AI trong công việc và hiện nay còn làm việc trực tiếp với giáo viên, nhà trường và học sinh trên toàn quốc trong việc đưa công nghệ của Microsoft, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đến các nhà trường. Người dùng AI đã rất nhiều, các khóa học về AI ‘nở rộ như nấm sau mưa’, nhưng khóa học về đạo đức AI lại chưa được nhắc tới”.
Theo các chuyên gia, việc học tập và hiểu biết về đạo đức AI là điều tiên quyết, đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp. Khi có những chuẩn mực đạo đức và khung pháp lý rõ ràng, Việt Nam sẽ từng bước xây dựng được nguồn nhân lực phát triển AI có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp chế Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay: “Hiện tại, ở Mỹ, họ xây dựng một chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo trước. Từ đó, họ đưa ra các quy định, tiêu chuẩn cần được bảo vệ như quyền con người. Ngay từ năm 2019, chúng ta cũng đã có tuyên ngôn về quyền con người trong lĩnh vực AI. Chính sách cần cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và kiểm soát rủi ro”.
Ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn việc mở rộng lĩnh vực ứng dụng AI sẽ đi đôi với trách nhiệm từ những người lập chính sách cũng như các nhà phát triển phần mềm trong việc phát triển và sử dụng AI trong đời sống xã hội”.
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Quyết định số 127 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2021, đã nhấn mạnh đào tạo về đạo đức và chính sách AI là một trong những trụ cột chính.
Thanh Hiền
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/xay-dung-he-sinh-thai-su-dung-ai-co-trach-nhiem-331255.htm