Kế hoạch kinh doanh 2025: Lợi nhuận cao nhất 5 năm
Năm 2025, Tổng công ty CP Vinaconex đặt trọng tâm vào tối ưu hóa lợi nhuận từ các trụ cột bất động sản, bao gồm dân dụng, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp và đầu tư tài chính vào nhóm công ty con, mảng giáo dục, phân phối nước.
Trong khi đó, mảng xây lắp cốt lõi sẽ giúp đảm bảo doanh thu và quy mô thị trường với mức biên lợi nhuận hạn chế.
Nội dung định hình chiến lược phát triển trọng tâm này đã được Vinaconex thống nhất tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Trên cơ sở đó, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2024, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.200 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm trước.
Theo Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông, đây là “mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020 nếu hoàn thành kế hoạch”.
Ông Đông cũng khẳng định: “Kế hoạch được xây dựng tương đối cẩn trọng, trên cơ sở những công việc Vinaconex đang thực hiện và sẽ triển khai trong thời gian tới”, với khả năng hoàn thành ước tính 90-95%.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 cũng giúp củng cố niềm tin vào kế hoạch này. Doanh thu hợp nhất ước đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 150 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 250 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch năm.
Năm 2024 trước đó, Vinaconex đạt doanh thu hợp nhất 13.180 tỷ đồng, tăng 2% so với 2023, và lợi nhuận sau thuế vượt 1.100 tỷ đồng, tăng mạnh 180%, vượt 17% kế hoạch và là mức cao nhất trong 4 năm qua. Kết quả này tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu 2025.
Xây lắp: Động lực tăng trưởng doanh thu và quy mô
Để đạt được mục tiêu bứt phá về quy mô, mảng xây lắp tiếp tục là trụ cột đóng góp vào doanh thu của Vinaconex.
Năm 2024, công ty ký mới hơn 11.600 tỷ đồng hợp đồng, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo. Các dự án trọng điểm bao gồm các gói thầu cao tốc Bắc - Nam (Vân Phong - Nha Trang, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Nghi Sơn - Diễn Châu...), cảng hàng không Long Thành (gói nhà ga T2), các công trình cầu, bệnh viện và dự án hợp tác với đối tác FDI.
Nếu làm đúng nghề, mà sau quyết toán còn giữ được biên lợi nhuận ròng từ 3-5% là cực kỳ tốt rồi. Đó là mức lợi nhuận ‘tuyệt vời’ trong bối cảnh hiện tại.
Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông
Tuy nhiên, ông Đông khẳng định “biên lợi nhuận gộp trong mảng xây dựng hiện rất thấp” do cạnh tranh khốc liệt, giá vật liệu biến động, áp lực tiến độ và khó khăn trong thanh quyết toán, đặc biệt với các công trình đầu tư công.
“Nếu làm đúng nghề, mà sau quyết toán còn giữ được biên lợi nhuận ròng từ 3-5% là cực kỳ tốt rồi. Đó là mức lợi nhuận ‘tuyệt vời’ trong bối cảnh hiện tại”, ông nhấn mạnh.
Ông cho biết công ty chủ trương ưu tiên các dự án có pháp lý rõ ràng, đảm bảo dòng tiền và kiểm soát tiến độ thay vì không chạy theo doanh thu bằng mọi giá, tập trung quản trị rủi ro và thu hồi công nợ.
Ông Đông cũng chia sẻ các công trình hiện nay mà Vinaconex đang thực hiện “cơ bản đều thu tiền tốt”. Như năm 2023, dù ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn, công ty không để lỗ bất kỳ công trình nào.
Bất động sản: Động lực tăng trưởng lợi nhuận
Vinaconex khởi công tổ hợp Capital One có tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng. Ảnh: DN
Ban lãnh đạo Vinaconex xác định bất động sản, bao gồm dân dụng, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp, là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận năm 2025.
“Phần bất động sản từ các công ty và công ty mẹ thì nếu chia cho tổng lợi nhuận 1.200 tỷ đồng (tạm tính theo kế hoạch) thì chiếm khoảng 70-75%, có thể hơn chút”, Kế toán trưởng Đặng Thanh Huấn ước tính.
Trong số các dự án nổi bật, Green Diamond 93 Láng Hạ là điểm sáng về hiệu quả kinh doanh. Với 224 căn hộ thương mại và 5 tầng đế thương mại, dự án cải tạo chung cư cũ này đã hạch toán khoảng 80% lợi nhuận.
Phần còn lại, khoảng 20%, chủ yếu từ các căn hộ cơ bản đã gần như bán hết, được kỳ vọng sẽ ghi nhận đầy đủ trong năm 2025, góp phần củng cố dòng tiền và lợi nhuận của công ty.
Tiếp nối đó, Cát Bà Amatina mang đến triển vọng lớn cho mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Vinaconex ITC, đơn vị chủ đầu tư, đang đàm phán với một đối tác lớn để bán buôn một phần dự án.
Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông nhấn mạnh: “Kỳ vọng thì chắc chắn là phải có lãi, mà cũng phải có lãi tương đối”. Dù số liệu cụ thể chưa được công bố do quá trình đàm phán còn nhạy cảm, mục tiêu của công ty là đảm bảo dòng tiền và ghi nhận lợi nhuận đáng kể trong năm 2025, tận dụng tối đa tiềm năng của dự án này.
Trong khi đó, dự án Chợ Mơ - Bạch Mai đang ghi dấu ấn mạnh mẽ ở phân khúc văn phòng. Với tổng cộng 36.000 m2 sàn văn phòng, công ty đã mở bán 13/20 sàn và bán được khoảng 9-10 sàn.
Phó tổng giám đốc Dương Văn Mậu dự báo dự án có thể mang về lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2025, thậm chí đạt tới 400 tỷ đồng nếu toàn bộ các sàn còn lại được tiêu thụ, nhờ vào nhu cầu văn phòng chất lượng cao tại khu vực trung tâm.
Song song, dự án Capital One tại Kim Văn Kim Lũ là một bước tiến mới, với lễ khởi công chính thức vào ngày 22/04/2025.
Dự án này có cơ cấu sản phẩm tương tự Chợ Mơ, cho phép tách sổ theo sàn để bán, mang lại sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh. Dù phụ thuộc vào tình hình thị trường, Vinaconex tự tin vào khả năng kiểm soát pháp lý và chất lượng sản phẩm, tạo nền tảng để dự án này sớm đóng góp vào doanh thu.
Ở phân khúc khu đô thị, dự án Hải Yên tại Móng Cái đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1, đủ điều kiện mở bán cả đất nền và nhà mặt phố xây sẵn. Công ty đang cân nhắc thời điểm phù hợp để đưa sản phẩm ra thị trường, tận dụng vị trí chiến lược gần Đại lộ Hòa Bình kéo dài để tối ưu hóa giá trị.
Ngoài ra, các dự án tại Ngân Câu và Thiên Ân ở Quảng Nam và Đà Nẵng đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý. Một khi các rào cản pháp lý được tháo gỡ, đây sẽ là nguồn doanh thu và lợi nhuận đáng kể, giúp Vinaconex củng cố vị thế trong phân khúc bất động sản khu đô thị.
Cuối cùng, Khu công nghiệp Đông Anh với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng thể hiện tham vọng dài hạn của Vinaconex trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Định hướng phát triển thành khu công nghiệp “xanh, sạch, phục vụ logistics”, dự án này sở hữu vị trí chiến lược giữa cầu Nhật Tân và sân bay Nội Bài.
Tuy nhiên, do cần khoảng 2 năm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng và 3 năm để hoàn thiện hạ tầng, dự án chưa thể đóng góp lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong tương lai.
“Dù xu hướng FDI có thể giảm, Vinaconex đã định hướng chọn lọc công nghệ cao và công nghiệp logistics, nên không có ảnh hưởng lớn đến dự án KCN Đông Anh”, ông Mậu nhấn mạnh tại đại hội.
Đối với các dự án nghỉ dưỡng như Cát Bà Amatina, công ty ưu tiên bán buôn để thu hồi vốn và tối ưu hóa lợi nhuận.
Bên cạnh bất động sản, đầu tư tài chính là trụ cột thứ hai thúc đẩy lợi nhuận. Các khoản đầu tư vào phân phối nước sạch như VIWACO, hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ, Bách Thiên Lộc và các công ty liên kết khác mang lại dòng tiền ổn định.
“Đặc biệt, bất động sản cùng với đầu tư tài chính là hai trụ cột đóng vai trò tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Đông khẳng định.
Về chiến lược dài hạn, Vinaconex ưu tiên các dự án hiệu quả kinh tế cao, đầu tư công nghệ thi công mới và đào tạo nhân lực chất lượng.
Công ty cũng nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực mới như đường sắt tốc độ cao và điện hạt nhân, đồng thời củng cố vị thế nhà thầu xây dựng hàng đầu.
Dũng Phạm