Sáp nhập các tỉnh tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

Sáp nhập các tỉnh tác động thế nào đến thị trường bất động sản?
8 giờ trướcBài gốc
Tác động tích cực đến thị trường bất động sản
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay khi có thông tin sáp nhập, thị trường bất động sản trong nước đã có những ảnh hưởng nhất định, nhiều nơi xuất hiện tình trạng giá đất tăng 30-50%...
Sáp nhập tỉnh tác động tích cực đến bất động sản Việt Nam. Ảnh BĐS.
Tại sự kiện online “Toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2025” do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục có sự khởi sắc trên nền tảng kinh tế có sự chuyển biến tích cực, thậm chí có những biến động mạnh đến từ kế hoạch sáp nhập tỉnh.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản tháng 3/2025 tăng mạnh so với tháng 2/2025 tại các tỉnh có sự tương đồng hoặc bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Ví dụ như tại Đà Nẵng và Quảng Nam, mức độ quan tâm bất động sản Đà Nẵng tăng 39%, còn tại Quảng Nam tăng 96%.
Ngoài ra, các tỉnh có vị trí địa lý, lợi thế thiên nhiên tương đồng cũng ghi nhận biến động tích cực như Hưng Yên tăng 36% – Thái Bình tăng 75%. Các trường hợp tương đồng về quy mô, bổ trợ về kinh tế du lịch biển cũng có lượng tìm kiếm tăng đáng kể như Quảng Bình tăng 45% – Quảng Trị tăng 8%.
Đáng chú ý, các tỉnh có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị” chứng kiến mức độ quan tâm bất động sản tăng tương mạnh. Đơn cử, TP HCM tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 42%...
Tuy nhiên, thị trường phải đối mặt với những thách thức về công tác quản lý, tránh sốt đất theo hướng không bền vững. Bên cạnh đó, còn có sự khác biệt về xã hội, văn hóa tại các địa phương. Sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các khu vực có thể tạo động lực tăng trưởng chung.
Lấy ví dụ về việc tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, vị chuyên gia cho biết, khu vực này đã ghi nhận biến động tích cực về giá nhà đất, song cũng tồn tại bất cập. Trong vòng 10 năm qua (từ 2016-2025), giá bất động sản tại Hà Nội đã tăng trung bình khoảng 2,4 lần, còn giá tại Hà Tây (cũ) tăng khoảng 2,6-15 lần. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, nhiều dự án tại Hà Tây cũ bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang, đặt ra nghi vấn về tính bền vững trong tăng giá.
Do đó, chuyên gia này khuyến nghị khi đánh giá cơ hội từ sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị bất động sản chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Người mua nên tránh tâm lý “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Nhầ đầu tư cần đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro.
Nhìn nhận vấn đề tăng "nóng" giá đất theo thông tin sáp nhập tỉnh, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, diễn biến tăng giá đất theo biến động quy hoạch không mới với thị trường bất động sản Việt Nam. Lịch sử cho thấy mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) của nhà đầu tư.
Theo ông Đính, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, có thể hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, nhất là ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn.
Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội. Nếu chỉ tăng theo thông tin đồn đoán về hạ tầng, quy hoạch rất dễ rủi ro chôn vốn, thua lỗ.
Giá bất động sản nhiều nơi tăng theo thông tin sáp nhập tỉnh. Ảnh BĐS.
Giá đất nền nhiều nơi tăng mạnh trong quý I
Tại sự kiện báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 do chuyên trang Batdongsan tổ chức mới đây, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho biết chỉ riêng trong tháng 3 sau khi bùng nổ thông tin về sáp nhập các tỉnh thành, giá và lượng tìm kiếm đất nền trên cả nước biến động mạnh, tăng trung bình từ 20-67% so với cùng kỳ.
Đi cùng với giá, lượt tìm mua đất nền tháng 3 cũng tăng trung bình 50% so với tháng 2 trước đó. Đất nền Hà Nội có lượt tìm kiếm tăng 52%, TP HCM tăng 31%, các tỉnh còn lại tăng từ 54-140% so với tháng 2. Phân khúc đất nền cũng được các đơn vị sàn môi giới đánh giá là tăng trưởng mạnh nhất về giao dịch trong quý I. Có hơn 44% sàn môi giới nhận định giao dịch tăng trên dưới 10% và 24% cho biết giao dịch tăng từ 10-50%.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (VARS) cũng cho thấy, trong tháng 3 chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh thành, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20-30%. Tuy nhiên thực tế lượng giao dịch ghi nhận chỉ tăng trưởng tại các tỉnh thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có mặt bằng giá bất động sản chưa quá cao.
Còn theo DKRA Group, trong quý I năm nay, giá bán đất nền có hiện tượng tăng cục bộ tại một vài tỉnh, thành như Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng 30-50%, Phú Mỹ, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) tăng 20-30% còn phần lớn các tỉnh phía Nam chỉ tăng trung bình 6-8%. Đà tăng cục bộ này được dẫn dắt bởi các thông tin về việc sáp nhập tỉnh thành.
Đông Bắc
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/sap-nhap-cac-tinh-tac-dong-the-nao-den-thi-truong-bat-dong-san.html