Xây dựng nông thôn mới: Nâng cao chất lượng sống cho người dân

Xây dựng nông thôn mới: Nâng cao chất lượng sống cho người dân
một ngày trướcBài gốc
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra công trình hồ Khe Triết, xã Đông Sơn, A Lưới
Phấn đấu cuối năm 2025 có 85% xã đạt chuẩn NTM
Đến cuối năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thành phố Huế đạt được một số kết quả khá toàn diện: 80/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 85,1%. Trong đó, 12 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân toàn thành phố đạt 18,30 tiêu chí/xã; 16 thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn thôn NTM, 12 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn thành phố giảm xuống còn 1,76%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch toàn thành phố đạt 97%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,3%.
Năm 2025, sự kiện Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với khí thế mới, vận hội mới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được xác định là một trong sáu chương trình trọng điểm theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố. Chương trình đang bước vào năm cuối cùng của giai đoạn 2021 - 2025, vì vậy cần có sự tăng tốc về đích, đóng góp phát triển cùng với đô thị hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra cùng với kỷ nguyên vươn mình của đất nước, dân tộc.
Theo đó, phấn đấu cuối năm 2025 có 85% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, 20% số xã đạt NTM nâng cao, 5% đạt NTM kiểu mẫu; 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ NTM. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch toàn thành phố đạt 100%; trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 97%. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn thành phố giảm xuống dưới 1,2% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).
Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường
Huy động tối đa nguồn lực
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối NTM thành phố Huế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương về OCOP, du lịch, chuyển đổi số, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, bền vững, ưu tiên các vùng, khu vực khó khăn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị...
Triển khai các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Phấn đấu, đến năm 2030, có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM trên 70%, trong đó, 35% đạt chuẩn NTM nâng cao. Thành phố Huế hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Khu vực nông thôn thành phố Huế có hệ thống hạ tầng đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp, không gian văn hóa truyền thống được giữ gìn; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Khu vực nông thôn các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và các thị xã, quận: Được xây dựng, tổ chức không gian nông thôn khu vực ven đô, khu vực nông thôn đang đô thị hóa đảm bảo tính đồng bộ với đô thị kế cận. Gìn giữ bản sắc kiến trúc, cấu trúc không gian cư trú của nông thôn gắn với tổ chức các hoạt động kinh tế và văn hóa đặc sắc riêng có của Huế; Các khu vực làng xóm đô thị hóa ven đô, hệ thống cảnh quan nhà vườn kết hợp các không gian tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng Huế (Thủy Biều, Kim Long, Tiên Nộn...).
Cải tạo chỉnh trang các khu vực nông thôn vùng ven biển, đầm phá, vùng lũ, vùng trung du và miền núi cùng với việc giữ gìn khung thiên nhiên. Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, các di tích và đặc trưng văn hóa, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trong vùng nông thôn.
Đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch nông thôn, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tạo các điểm nhấn như đình, đền, chùa, nhà thờ, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… trong khu vực thôn, bản, làng, xã. Quản lý quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa khu vực nông thôn nhằm đảm bảo phát triển hài hòa, vận động người dân tổ chức tang lễ theo hướng hiện đại, khuyến khích, sử dụng rộng rãi hình thức hỏa táng; cơ bản chấm dứt việc sử dụng nghĩa địa tiến tới giảm dần diện tích nghĩa địa toàn thành phố.
Chuyển đổi mô hình nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng, cấp khu vực tại Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và A Lưới; phát triển điểm dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với quy hoạch nông thôn mới các xã.
Tập trung đẩy mạnh các chương trình chuyên đề nhằm xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, đơn cử như: Chương trình phát triển khoa học công nghệ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh, Chương trình cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm… Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, các loại hình du lịch tham quan, khám phá, trải nghiệm tại khu vực nông thôn gắn với các thị trấn, đô thị sinh thái, các khu vực bảo tồn thiên nhiên, hồ thủy điện và thủy lợi, các khu vực trồng và khai thác dược liệu; du lịch cộng đồng gắn với các thôn, bản thuộc huyện A Lưới, Phú Lộc…
Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân, thời gian tới, chương trình sẽ hướng đến “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
NAM PHONG
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-chat-luong-song-cho-nguoi-dan-150327.html