TPHCM sẽ phải phát triển song song hạ tầng trung tâm tài chính và cả hạ tầng dịch vụ để thu hút các tài năng. Trong ảnh là bán đảo Thủ Thiêm nằm bên tay phải, kết nối bằng những cây cầu với trung tâm tài chính hiện hữu ở quận
Mô hình cung cấp dịch vụ chuyên biệt, bổ trợ
Tại Hội nghị "Xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam" do Bộ Tài chính và UBND TPHCM phối hợp tổ chức vào chiều ngày 28-3, Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết quan điểm chủ đạo là Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ.
“Chúng tôi cam kết xây dựng một mô hình mở, minh bạch, hiện đại và thân thiện với nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia”, Bộ trưởng khẳng định.
Tại sự kiện, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cho đến các nhà quản lý đều đồng ý rằng Việt Nam nên học hỏi chứ không nên “sao y bản chính” các mô hình trung tâm tài chính quốc tế (IFC) thành công trên thế giới như Dubai, London hay hay Abu Dhabi, Hong Kong.
Ông Andrew Oldland đến từ tổ chức TheCityUK, đơn vị đã lập ba báo cáo về trung tâm tài chính cho Việt Nam trước đó, nói rằng những chính sách đột phá sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo ra khung pháp lý riêng cho TPHCM và Đà Nẵng vận hành.
“Dubai là nguồn cảm hứng cho TPHCM, nhưng dù mô hình nào thì cũng không thể giống 100%, mà phải điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam”, ông nói.
Theo ông Tyler McElhaney, Giám đốc Quốc gia Tập đoàn APEX (trụ sở tại Dubai) nói rằng Việt Nam khó có thể làm giống như Dubai vì không có tiềm lực tài chính, nhưng Việt Nam hiện nay cũng có những điều kiện mà Dubai của 20 năm trước họ rất mong muốn. Vấn đề là Dubai không còn nghĩ bản thân chuyên kinh doanh dầu, mà thay đổi tầm nhìn và tư duy, từ đó đưa ra các hạng mục cần thiết để đầu tư.
“Điều quan trọng là tận dụng thế mạnh để làm. Việt Nam cần phát huy lợi thế sẵn có thay vì cố gắng tạo ra nguồn lực mới như Dubai từng làm, đồng thời luôn sẵn sàng thay đổi để thích nghi”, ông Tyler McElhaney nói.
Từ phía các cơ quan quản lý, hai đơn vị chịu trách nhiệm chính là Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện quan điểm cần làm chắc chắn dựa trên những đặc điểm riêng, đồn thời phải ứng dụng công nghệ mới.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nói rằng nếu học tập mô hình nào đó từ 10 năm hay thậm chí 5 năm trước thì “không có cơ hội”. NHNN đang soạn dự thảo nghị định và trình vào tháng 5 tới, nhưng buộc “phải có đầu ra”, tức không chỉ là quy định chung mà là hướng dẫn cụ thể cho những vấn đề đặc thù.
Một số vấn đề dự kiến đang được NHNN tính toán tới, chẳng hạn như đối tượng hoạt động là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng con của các tổ chức tín dụng Việt Nam để đảm bảo phần pháp lý phải tách biệt nhau; hay có thể cho phép giao dịch ngoại tệ giữa định chế tài chính trong trung tâm với các định chế phi tài chính. Các vấn đề này đều rất mới và liên quan nhiều đến mức độ an toàn của các định chế tài chính khi lĩnh vực này có nhiều tiêu chí đặc thù.
“Cơ sở pháp lý cho các hoạt động trung tâm tài chính rất quan trọng vì mỗi nước có một đặc thù”, ông Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cũng đề nghị các chuyên gia, các nhà tư vấn phải phân tích rõ từng đặc thù, đưa kinh nghiệm quốc tế nhưng phải gắn vào điều kiện Việt Nam để những khuyến nghị hữu ích.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ tài chính, nói rằng quan điểm xây dựng là bổ trợ cho trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực chứ không thay thế. “Nếu sao chép mô hình thì khó thành công ở Việt Nam, nên tính đến việc xây dựng trung tâm mang bản sắc riêng, trong đó tận dụng lợi thế so sánh về địa chính trị, kinh tế và lao động. Chúng tôi sẽ ưu tiên áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ ban đầu”, bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, Việt Nam hiện đang ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên có cơ hội để phát triển các dịch vụ tài chính đặc thù, đặc biệt là tài trợ thương mại. Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi từ các mặt hàng truyền thống.
Bà Ngọc cũng nói thêm rằng quan điểm của Bộ là phải đổi mới tư duy, tức không theo cách ngăn cản mà hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. “Nếu chưa biết thì có cơ chế thử nghiệm, cơ quan quản lý đồng hành cùng người chơi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trung tâm tài chính là “phòng thử nghiệm thể chế” để có bước đi vững chắc và Việt Nam có thể làm được”, bà Ngọc chia sẻ.
Phiên trao đổi của hai đại diện TPHCM và Đà Nẵng cập nhật về tình hình triển khai đề án xây dựng trung tâm tài chính. Ảnh: V.D.
Hai thành phố đang chuẩn bị gì?
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, nói hiện dự thảo đang được sửa liên tục và hoàn thiện “hết mức có thể”, đi cùng đó là kế hoạch xây dựng các nghị định liên quan, để sau khi Quốc hội thông qua sẽ có hướng dẫn để thực hiện ngay.
Tại TPHCM, lãnh đạo thành phố đang tập trung vào ba vấn đề chính. Bên cạnh câu chuyện lớn pháp lý, hai vấn đề còn lại là xây dựng nguồn nhân lực và hạ tầng thành phố.
Theo ông Vũ, thành phố đang tính toán thu hút nhân tài không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn cả các chuyên gia có liên quan gián tiếp, từ luật sư cho đến công nghệ và cả bộ máy nhân lực vận hành trung tâm.
Theo các khảo sát, yếu tố lương vẫn nằm sau câu chuyện của gia đình, dịch vụ đi kèm theo cho đến đáp ứng tham vọng giải quyết bài toán lớn của thành phố. “Nếu chính sách mở đủ lớn thì mới thu hút được các tài năng”, ông Vũ nhấn mạnh.
Thành phố hiện nay đang có kế hoạch lấy một phần trung tâm tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu vực Thủ Thiêm, xây dựng hạ tầng kết nối đường xá dịch vụ, hạ tầng công nghệ , như trung tâm dữ liệu, đường truyền, thậm chí nơi đặt siêu máy tính. Bên cạnh đó, thành phố cũng phải phát triển song song khu vực đô thị dịch vụ đủ lớn. Khi có dự án cụ thể, vấn đề tiếp theo là lựa chọn triển khai đầu tư công, hoặc mời gọi đầu tư, hoặc hợp tác công tư, ông Vũ chia sẻ.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, nói rằng khi triển khai đề án dựa trên các yếu tố lợi thế của thành phố, từ vị trí địa lý, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng và môi trường sống.
Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ tập trung vào nhóm dịch vụ thanh toán xuất nhập khẩu, phục vụ khu thương mại tự do, khu công nghệ cao hay các khu công nghiệp; đồng thời tập trung nhóm tài chính xanh, đổi mới sáng tạo, thử nghiệm các mô hình mới như tài sản số. “TPHCM và Đà Nẵng thống nhất là bản thân không cạnh tranh với các trung tâm trong khu vực, mà dựa trên lợi thế để có phát triển bổ trợ lẫn nhau”, ông Kỳ Minh nói.
Dũng Nguyễn