Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu

Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu
3 ngày trướcBài gốc
Chiều nay (28/3), Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: internet
Cơ hội thu hút nguồn lực
Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam là một yêu cầu tất yếu, khách quan và cần thiết. Chủ trương này đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét và cho ý kiến. Việc xây dựng TTTC sẽ giúp Việt Nam kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, huy động thêm nguồn lực mới bên cạnh việc thúc đẩy nguồn lực hiện hữu. Đồng thời, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Kết luận số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 về Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan liên quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án quan trọng này. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 về Kế hoạch hành động xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Với vai trò cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, điều phối và thúc đẩy quá trình tham vấn nhằm xây dựng, phát triển TTTC khu vực và quốc tế theo đúng định hướng, đường lối chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTC tại Việt Nam, dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9.
Do đó, Hội nghị lần này là cơ hội để: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển TTTC, bao gồm cả những bài học thành công và chưa thành công; Thảo luận về mô hình TTTC phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam; Đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực như: tài chính - ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực, xử lý tranh chấp...; Giới thiệu các sản phẩm tài chính mới, đặc thù, có khả năng cạnh tranh và liên kết bổ trợ với các TTTC khác.
Lợi thế “riêng có và đặc biệt”
Hiện nay, Việt Nam là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng công nghệ tài chính tương lai, dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến việc hình thành TTTC có khả năng liên kết với các TTTC trong khu vực và trên thế giới.
TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTC quốc tế. Thành phố nằm tại ngã tư quốc tế của các tuyến đường hàng hải Bắc - Nam và Đông - Tây, giữ vai trò trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt”, giúp Thành phố có khả năng thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Về quy mô kinh tế - tài chính, đến cuối năm 2023, GRDP của TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 65,5 tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước. Theo đó, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GRDP của Thành phố sẽ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước. Điều này thể hiện kỳ vọng lớn của cả nước vào các động lực tăng trưởng như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác - những cực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-tai-viet-nam-ket-noi-thi-truong-tai-chinh-toan-cau.html