Xây dựng văn hóa đọc ở khu chung cư

Xây dựng văn hóa đọc ở khu chung cư
10 giờ trướcBài gốc
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc - Chủ tịch Hội Khuyến học phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ, với những khu nhà chung cư cao tầng, người dân đến từ nhiều địa phương, không quen biết nhau, chỉ chung tổ dân phố. Do đó, để gắn kết họ như thế nào là vấn đề rất quan trọng.
“Một chung cư cao tầng có tới 20.000 - 30.000 dân. Khi vận động họ vào Hội Khuyến học thì họ đưa ra nhiều lý do: một là tôi không có con cái học tập, hai là tôi cũng không có nhu cầu tham gia vào Hội khuyến học” - PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, giải pháp cần triển khai là Hội Khuyến học cần đổi mới hình thức tuyên truyền phải đổi mới; nội dung tuyên truyền phải thiết thực hơn. Trong đó quan tâm đến các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, ứng dụng công nghệ số để mang lại kết quả tốt hơn. Đặc biệt, các hộ gia đình ở chung cư thường là gia đình trẻ nên sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
“Hội Khuyến học của các phường phải chú ý tới các chi hội tổ dân phố. Năng lực của Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học rất quan trọng. Nếu Chi hội trưởng đoàn kết, xử lý được các mối quan hệ thì mọi việc tốt đẹp. Như vậy, công tác khuyến học đạt hiệu quả thì nó phụ thuộc vào năng lực cán bộ” - PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc nhấn mạnh.
Công trình tủ sách chung cư trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Dũng
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Hách, để phát triển phong trào khuyến học ở khu chung cư, Hội Khuyến học quận Cầu Giấy đã chỉ đạo làm điểm ở phường Trung Hòa. Theo đó, Hội Khuyến học phường nắm chắc cấp ủy, tổ dân phố, đặc biệt là các trưởng tầng, trưởng tòa và Ban quản lý nhà chung cư để có sự vào cuộc thì công tác phát triển Hội Khuyến học, hội viên và các hoạt động mới thực hiện được.
“Trước tiên là phải thành lập được Ban khuyến học ở khu chung cư, duy trì tổ chức các hoạt động thường xuyên với các thành phần đại diện Ban quản lý, trưởng tầng, trưởng tòa, cán bộ đoàn thể..., gắn các phong trào khuyến học với sinh hoạt cộng đồng tại khu chung cư, làm tốt các hoạt động khuyến học, khuyến tài, khen thưởng hàng năm...” - ông Nguyễn Văn Hách nói.
Cùng với đó, để nâng cao văn hóa đọc trong xã hội, Nhà nước nên quan tâm phát triển hệ thống thư viện ở cơ sở, tăng cường đầu tư trung tâm học tập cộng đồng tại các khu dân cư, tòa nhà, tổ dân phố. Nhà trường phải khuyến khích, động viên, tạo thói quen đọc sách cho học sinh để tạo nên văn hóa đọc, thói quen đọc ngay từ ghế nhà trường...; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam bằng các hình thức sân khấu hóa, kể chuyện theo sách...
Một giải pháp nữa hết sức quan trọng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là cho người lớn, người già. Đồng thời, cần khuyến khích, động viên những cá nhân, tập thể có thành tích trong triển khai văn hóa đọc, nhất là ở khu dân cư; xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách tại các trung tâm học tập cộng đồng, các phòng đọc ở nhà sinh hoạt cộng đồng...
Thủy Trúc
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/xay-dung-van-hoa-doc-o-khu-chung-cu.684686.html