Đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM
Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu Cơ khí (NARIME).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Cấn Dũng
Báo cáo các kết quả hoạt động của Viện Nghiên cứu Cơ khí trong 5 năm trở lại đây và phương hướng phát triển trong thời gian tới, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí khẳng định, Viện là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn hướng tới và đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước.
Trong công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, để có được sự phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh việc sớm làm chủ các công nghệ truyền thống, Viện đi lên từ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và hiện đại hóa các công nghệ nền.
“Tới nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nhấn mạnh, đồng thời đưa ra dẫn chứng về việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực như ô tô, xe máy; nhà máy phát điện nhiệt dư; năng lượng mới và chuyển đổi xanh; công nghệ cao; thủy điện; nhiệt điện; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân, công nghiệp đường sắt đang rất được quan tâm hiện nay, Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho hay, thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân, công nghiệp đường sắt của Chính phủ và nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao, thời gian qua NARIME đã sớm tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nguồn nhân lực với 14 kỹ sư được đào tạo trình độ thạc sỹ điện hạt nhân tại Hàn Quốc, thành lập các tổ nghiên cứu chuyên ngành để sẵn sàng tham gia chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công nghiệp đường sắt tại Việt Nam.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí báo cáo Bộ trưởng và đoàn công tác. Ảnh: Cấn Dũng
Tiến sĩ Phan Đăng Phong cũng cho biết, Viện định hướng trong thời gian tới là xây dựng Viện trở thành doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa mà trọng tâm là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Đồng thời, đầu tư tập trung, trọng điểm vào các đề tài, dự án khoa học công nghệ trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện. Trong đó, định hướng chính nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện giai đoạn 2026-2030 gồm: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và tích hợp đầu máy và toa xe cho ngành đường sắt; nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ lõi trong ngành Alumin; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và tích hợp một số hệ thống tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động; công nghiệp năng lượng.
Mặt khác, tập trung phát triển nguồn lực đủ năng lực làm tổng thầu hoặc chìa khóa trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến bô xít nhôm, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, xử lý và phát điện từ rác, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất công nghiệp và nhà kho thông minh…
Thúc đẩy nội địa hóa thiết bị
Để Viện Nghiên cứu Cơ khí ổn định phát triển trong thời gian tới, Tiến sĩ Phan Đăng Phong nêu, Viện mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của mình cụ thể trong các công việc sau: Xem xét phê duyệt “Chiến lược phát triển Viện Nghiên cứu Cơ khí giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” đã được Viện trình Bộ tại công văn số 138/NCCK-KTKHCN ngày 28/4/2023.
Cục trưởng Cục Điện lực Phạm Nguyên Hùng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng
Xem xét phê duyệt “Dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thiết bị ngành cơ khí - tự động hóa của Viện Nghiên cứu Cơ khí” (thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030). Trong đó, Viện đầu tư xây dựng mới tòa nhà đa năng với các Phòng thí nghiệm chuyên ngành và các Trung tâm nghiên cứu, thiết kế cho trên 700 cán bộ, chuyên gia, nghiên cứu viên đáp ứng được sự phát triển của Viện.
Xem xét, phê duyệt “Phương án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh/cho thuê/liên doanh, liên kết của Viện Nghiên cứu Cơ khí” tại Tờ trình số 14/TTr-NCCK ngày 26/4/2024 của Viện Nghiên cứu Cơ khí; giao Viện phối hợp với các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các cơ chế chính sách, lộ trình thực hiện chương trình nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân cho các dự án nhà máy điện hạt nhân được triển khai trong thời gian tới tại Việt Nam.
Ông Phong cũng kiến nghị Bộ xem xét giao Viện thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết bị đường sắt đô thị, liên vùng và cao tốc. “Để nâng cao năng lực các doanh nghiệp trong nước, kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Quốc hội/Chính phủ ban hành các quy định về việc cho phép sử dụng năng lực của nhà thầu liên danh, nhà thầu phụ làm năng lực nhà thầu chính” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nói.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Điện lực Phạm Nguyên Hùng đánh giá, Viện Nghiên cứu Cơ khí là một trong số ít đơn vị vừa thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, vừa trực tiếp thiết kế, chế tạo nhiều công trình lớn. Mô hình kết hợp giữa khoa học và sản xuất đã tạo nên sự khác biệt, góp phần quan trọng vào tiến trình nội địa hóa thiết bị, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Nguyên Hùng ghi nhận Viện đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, tham gia nhiều đề án cấp Bộ, đồng thời khuyến nghị Viện cần tiếp tục phát huy thế mạnh về cơ khí chế tạo, nghiên cứu vật liệu và ứng dụng công nghệ mới. Trong bối cảnh ngành năng lượng đang chuyển dịch theo hướng bền vững, Viện được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương.
“Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với nền tảng sẵn có cùng đội ngũ năng động, Viện hoàn toàn có khả năng bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế là đơn vị nghiên cứu đầu ngành của Bộ” - ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng chúc mừng Viện Nghiên cứu Cơ khí về những thành tựu đã đạt được trong suốt thời gian vừa qua, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài cho rằng, sau 63 năm thành lập Viện đã khẳng định được mình là một đơn vị nghiên cứu triển khai hàng đầu ở Việt Nam và một trung tâm khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu rất nhiều tài sản quan trọng, nhất là con người, đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như làm chủ được nhiều lĩnh vực công nghệ… Đây là yếu tố rất quan trọng để Viện phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Viện đã quyết định sẽ có một bước tiến mới đó là hướng ra thị trường nước ngoài. Thời gian qua, Viện đã tham gia hàng loạt hoạt động của Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài trên tất cả các khu vực và tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ cũng như hợp tác để triển khai một số dự án và đã đạt được một số các thành quả nhất định.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: Cấn Dũng
Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng hỗ trợ cho Viện kết nối với các thị trường, đối tác, doanh nghiệp mục tiêu của Viện để Viện nâng cao được năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như triển khai được dự án cụ thể, không chỉ là ở Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài.
“Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động đàm phán với các đối tác nước ngoài và nổi lên một xu hướng quan trọng đó là vấn đề nội địa hóa và xuất xứ hàng hóa của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho Viện trong việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng như thành phần Việt Nam trong các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, nhờ có sự nội địa hóa đó, các doanh nghiệp có thể thâm nhập được thị trường nước ngoài một cách dễ dàng hơn” - ông Tạ Hoàng Linh chia sẻ.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước đề nghị, Viện cần đẩy mạnh việc nội địa hóa cũng như phát triển các sản phẩm thực sự của người Việt Nam. Bên cạnh việc nghiên cứu thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân, thủy điện… cần quan tâm hơn đến lĩnh vực liên quan đến hàng tiêu dùng mà ngành cơ khí trong nước hiện nay có lẽ còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, có những công trình lớn của đất nước như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam… “Với kinh nghiệm, thế mạnh, đây là cơ hội để Viện có phương án chuẩn bị ngay để Viện mở rộng địa bàn và thị trường” - ông Trần Hữu Linh nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh đánh giá cao những kết quả mà Viện đã đạt được sau 63 năm phát triển, đặc biệt là việc duy trì hoạt động ổn định với doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập cũng nêu ra ba đề xuất để Viện phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Thứ nhất, đề nghị Viện cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí của Bộ và báo chí trung ương trong công tác truyền thông.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng
“Viện có vị thế quan trọng trong lĩnh vực cơ khí, một trụ cột của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng xã hội vẫn chưa cập nhật đầy đủ được tầm vóc, tiến bộ của Viện” - ông Nguyễn Văn Minh cho biết.
Tổng Biên tập mong muốn bên cạnh các bản tin thời sự hoặc bài viết chuyên môn, Viện cần có thêm các bài tổng kết mang tính lý luận, gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và định hướng phát triển công nghiệp.
Thứ hai, Viện cần xác lập tầm nhìn chiến lược cao hơn, tương xứng với năng lực và quy mô hiện nay. Mặc dù doanh thu hiện đã tiệm cận 2.000 tỷ đồng, nhưng các chỉ tiêu trong báo cáo phát triển đến năm 2035 vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Theo ông Minh, Viện cần xác định rõ vai trò là một “doanh nghiệp khoa học và công nghệ” chứ không chỉ đơn thuần là viện nghiên cứu kết hợp sản xuất. Việc làm chủ công nghệ và tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để Viện phát triển đột phá, tạo dấu ấn trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.
Thứ ba, mở rộng hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và triển vọng phát triển của các ngành công nghiệp chiến lược như điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, công nghiệp hàng không - vũ trụ.
Ông Nguyễn Văn Minh dẫn chứng việc nhiều đối tác quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tỏ ra bất ngờ trước năng lực kỹ thuật của Viện trong các chuyến công tác cùng lãnh đạo Bộ; đồng thời đề xuất Bộ Công Thương sớm xây dựng chủ trương và chính sách để Viện Nghiên cứu Cơ khí có thể tham gia sâu hơn vào các dự án lớn, trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ.
“Khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Viện Nghiên cứu Cơ khí cần được đầu tư để không chỉ là đơn vị sự nghiệp của Bộ, mà còn là một thương hiệu mạnh về khoa học và công nghệ, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Theo Tiến sĩ Phan Đăng Phong: Những thành công của Viện Nghiên cứu Cơ khí có được đến từ sự ủng hộ và chỉ đạo sâu sát của Bộ Công Thương, sự nỗ lực của tập thể Viện trong nhiều giai đoạn và sự tin tưởng của khách hàng. Các khách hàng của Viện đã chọn con đường tự làm chủ công nghệ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cơ khí đất nước, tiết kiệm chi phí và đã góp phần tạo nên những thành quả ngày hôm nay cho Viện.
Quỳnh Nga - Lê An