Vĩnh Phúc đang từng bước trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ số với định hướng phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, thương mại, giáo dục và y tế…
VNPT Vĩnh Phúc tích cực ứng dụng công nghệ, đẩy nhánh quá trình chuyển đổi số ngành Y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: Chu Kiều
Có lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi đã giúp tỉnh kết nối nhanh với các tỉnh lân cận và khu vực kinh tế trọng điểm. Nhờ sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn, tỉnh thu hút không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà còn cả những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Không chỉ tập trung vào sản xuất công nghiệp, tỉnh còn chú trọng đầu tư vào hạ tầng số để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới. Các giải pháp công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây được triển khai nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh tế số và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý.
Một trong những bước đi chiến lược của tỉnh là ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2022-2025, đặt mục tiêu mỗi năm có từ 1.300 đến 1.500 doanh nghiệp mới được thành lập, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi số để đảm bảo 50% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số vào năm 2025.
Các cấp chính quyền cũng đẩy mạnh việc số hóa hệ thống quản lý hành chính, triển khai chính quyền điện tử, giúp tối ưu hóa các quy trình xử lý hồ sơ, giảm thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ hơn 3.350 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ lên tới 59 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất.
Chuyển đổi số đã có tác động mạnh mẽ đến từng lĩnh vực quan trọng trên địa bàn. Trong ngành sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp đang từng bước ứng dụng công nghệ IoT để giám sát dây chuyền sản xuất theo thời gian thực, triển khai hệ thống thực thi sản xuất (MES) nhằm giảm chi phí vận hành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngành thương mại và dịch vụ cũng đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ với việc mở rộng mô hình thương mại điện tử, cho phép doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, tối ưu hóa quy trình quản lý đơn hàng và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Trong giáo dục, tỉnh đã triển khai các chương trình giáo dục STEM, giúp học sinh tiếp cận công nghệ mới, đồng thời xây dựng hệ thống học trực tuyến, mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ngành Y tế tận dụng tốt công nghệ, cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị với hồ sơ bệnh án điện tử và ứng dụng AI vào chẩn đoán hình ảnh nhằm nâng cao độ chính xác, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Những nỗ lực kể trên đã tạo động lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, điển hình như Toyota Việt Nam với việc ứng dụng công nghệ Hybrid thế hệ thứ 5 vào sản xuất xe hơi nhằm giảm khí thải và tiết kiệm nhiên liệu.
Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (Phúc Yên) đã triển khai công nghệ chiết tách nano để sản xuất thực phẩm từ gạo lứt hữu cơ, nâng cao giá trị dinh dưỡng và khả năng cạnh tranh.
Công ty cổ phần công nghệ Pavana, chuyên sản xuất camera an ninh thông minh, đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, đưa công nghệ Việt Nam vươn ra trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh cũng đang tập trung đổi mới quy trình sản xuất, số hóa dữ liệu và nâng cấp công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
UBND tỉnh cũng đang thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc tổ chức các sự kiện quan trọng như Techfest Vĩnh Phúc, nơi quy tụ hàng trăm startup, nhà đầu tư và chuyên gia công nghệ tham gia, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, tiếp cận công nghệ mới và kết nối với các chuyên gia đầu ngành để đưa các sáng kiến vào thực tiễn.
Với mục tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm công nghệ số hàng đầu miền Bắc, với kinh tế số chiếm ít nhất 60% GRDP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, thu hút chuyên gia hàng đầu và đầu tư mạnh vào hạ tầng số nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giáo dục, y tế và quản lý đô thị.
Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu đang tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường và phát triển bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Thành An