Tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu trái cây” sáng 18/7 ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: doanh nghiệp cần chú trọng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ, vai trò phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Tọa đàm “Giá trị khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh” trong khuôn khổ diễn đàn sáng 18/7
Với tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng vẫn xảy ra, ông lưu ý giải pháp hiệu quả là tăng cường ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thay vì chỉ ký hợp đồng mua bán thông thường. Mô hình liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra giúp kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả và giảm rủi ro trong quan hệ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã áp dụng thành công, mang lại lợi ích bền vững cho chuỗi giá trị nông sản.
Để thúc đẩy tiêu thụ xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tiềm năng lớn của 4 loại trái cây gồm: chanh leo, dứa, dừa và chuối. Cùng với sầu riêng, đây là nhóm hàng có năng lực cạnh tranh và thị trường rộng mở. Tổng diện tích canh tác hiện khoảng 420.000ha, sản lượng trên 6,3 triệu tấn, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn thiếu nguồn cung.
Trong đó, dừa đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD trong năm 2024, thuộc nhóm 7 nông sản chủ lực; chuối chỉ đạt 380 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD, còn dứa chưa đến 50 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu
Theo Thứ trưởng, những con số này cho thấy vẫn còn nhiều việc cần làm từ phía Nhà nước, hợp tác xã và người nông dân để nâng tầm các sản phẩm này lên nhóm xuất khẩu tỷ USD vào năm 2026 hoặc 2027.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng có gợi mở quan trọng về một "cuộc cách mạng công nghệ" cho 4 mặt hàng trái cây chủ lực này: "Đây có thể là điểm khởi đầu cho một chương trình lớn. Nếu các hiệp hội đồng ý, chúng ta có thể cùng nhau xem xét để thúc đẩy các mặt hàng này sớm trở thành mặt hàng tỷ đô la”
Riêng việc xây dựng vùng nguyên liệu, yếu tố then chốt để truy xuất nguồn gốc và tiếp cận các thị trường khó tính, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Việc cung cấp giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế
"Để tiêu thụ hiệu quả, chúng ta phải kết hợp hiệu quả từ vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng và nhiều vấn đề có liên quan khác hiện nay chính quyền hai cấp nên đã được giao quyền về cho địa phương. Tôi rất mong muốn các hiệp hội nên phát huy vai trò này để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tiến tới hình thành thương hiệu cho những sản phẩm này. Chúng ta cần chủ động về từng địa bàn để trao đổi vơi các địa phương việc hình thành vùng nguyên liệu" - ông Nam nói.
Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM