Tháng 7 giữa mùa hạ cũng là trong mùa mưa, câu nói truyền miệng “Nắng rát Lào Cai, mưa dai Yên Bái” mô tả chính xác những thách thức to lớn khi triển khai Dự án đường dây 500kv Lào Cai - Vĩnh Yên. Trên công trường khi thì nắng gắt lúc lại mưa to, không chỉ có người công nhân "vượt nắng, thắng mưa" mà còn cả những chiến sĩ Quân khu 2 hỗ trợ làm đường công vụ và người dân đồng lòng góp sức.
Người dân không tiếc công, của
Suốt 1 tháng qua, gia đình ông Nguyễn Quang Ngồi tại xã Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai luôn tấp nập người ra người vào. Nằm dưới đồi trên đoạn đường lên vị trí cột điện 140, ngôi nhà của ông Ngồi đã trở thành nơi để các chiến sĩ Quân khu 2 nghỉ ngơi trong thời gian hỗ trợ công nhân điện lực xây dựng đường dây 500kv Lào Cai - Vĩnh Yên.
Chiến sĩ Quân khu 2 nấu ăn trong căn bếp nhỏ của gia đình nhà ông Ngồi.
Ông dành toàn bộ gian nhà dưới để các chiến sĩ ăn, ngủ, sinh hoạt. Căn bếp và bể nước duy nhất cũng được dùng chung. Tuy nhiên, ông Ngồi chưa bao giờ phiền lòng vì sự bất tiện đó. Bởi lẽ ông suy nghĩ đơn giản rằng giúp đỡ dự án đường dây nhanh chóng tăng tốc, về đích, đóng điện trước ngày 19/8 như yêu cầu của Thủ tướng cũng là ước mong của ông cùng gia đình.
“Tôi là người dân, nhưng cũng hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển điện lưới quốc gia. Có con từng là bộ đội nên tôi càng hiểu hơn trách nhiệm và gian khó của các anh. Khi lực lượng thi công và bộ đội về đây, tôi sẵn sàng chia nửa sàn nhà sàn của gia đình để anh em có chỗ ăn ở, nghỉ ngơi. Dự án này là vì lợi ích chung, bà con mình cần góp sức, ai giúp được gì thì giúp. Tôi cũng thường xuyên cùng các hộ trong bản tiếp nước sạch, hỗ trợ hậu cần cho các anh em trên công trường”, ông Ngồi chia sẻ thêm.
Trong quá trình hỗ trợ dự án, những chiến sĩ được người dân đóng góp chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi và sinh hoạt.
Không riêng ông Ngồi mà nhiều hộ dân tại xã Lâm Thượng cũng sẵn sàng hiến đất làm đường điện. Ông Hoàng Văn Hiệp kể, khi chính quyền đưa ra phương án giải phóng mặt bằng, ông đã nhất trí ngay và còn ủng hộ hiến thêm đất cho dự án.
Ông Hiệp nói: “Gia đình tôi được hỗ trợ đền bù hơn 60 triệu đồng cho cây cối, chủ yếu là cây quế. Riêng phần đất đồi nằm dọc theo hành lang tuyến điện, chúng tôi tự nguyện hiến để phục vụ công trình. Không chỉ riêng tôi, hơn 30 hộ dân khác cũng làm như vậy. Chúng tôi rất phấn khởi khi dự án điện đi qua địa phương, vì đây là công trình phục vụ lợi ích chung, góp phần bảo đảm nguồn điện ổn định cho cả tỉnh và khu vực”.
Đến thời điểm này, vị trí các 15 chân cột tại xã Lâm Thượng đã được người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công, chi trả đền bù xong cho các hộ dân. Phần hành lang lưới điện chủ đầu tư cũng tạm ứng chi trả cho 66/75 hộ, còn một số hộ đang đề nghị xác định lại ranh giới, diện tích.
Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên là dự án trọng điểm quốc gia chính thức khởi công từ tháng 3. Thủ tướng đã chỉ đạo rõ, công trình cần đạt được “6 hơn”: Nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn, chất lượng hơn, thẩm mỹ hơn và tiết kiệm hơn; cùng yêu cầu rút ngắn tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Ông Hoàng Văn Hiệp cùng người dân xã Lâm Thượng đồng lòng hiến đất, mong muốn đóng góp sức mình để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chính quyền quyết tâm đưa dự án "về đích"
Quá trình xây đường dây 500KV cũng là thời điểm sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương vẫn quyết tâm hoàn thành dự án đúng hẹn.
Lâm Thượng cũng như tất cả các xã, phường trên cả nước vừa bắt tay vào hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp. Tuy nhiên, lãnh đạo Lâm Thượng vẫn giữ tác phong khẩn trương trong điều hành các hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là công tác.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch xã cho biết: "Lâm Thượng có tới trên 70% người dân là dân tộc thiểu số. Cho đến giờ phút này tất cả các hộ dân có vị trí cột đi qua đã bàn giao xong mặt bằng phục vụ thi công. Xã đang tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng hành lang an toàn lưới điện để kịp phục vụ thi công kéo dây".
Cũng như ở Lào Cai, chính quyền tỉnh Phú Thọ không chỉ đồng hành mà còn là “cánh tay nối dài” đưa chỉ thị của Trung ương xuống tới cơ sở. Công tác giải phóng mặt bằng, mở đường công vụ, tháo gỡ vướng mắc hành chính đều có các tổ công tác đặc biệt hỗ trợ nhanh nhất.
Dự án đường dây 500Kv Lào Cai - Vĩnh Yên có tổng chiều dài tuyến đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ (mới) gần 90 km, tổng số móng cột điện là 195 vị trí. Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 195/195 vị trí móng cột, bàn giao cho chủ đầu tư để triển khai thi công.
Phần hành lang tuyến gồm 110 khoảng néo, đến thời điểm báo cáo công tác đo vẽ cắm, bàn giao mốc, hoàn thành kiểm đếm 110/110 khoảng néo; Công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đạt 92/110 khoảng néo, chưa bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đầy đủ cho chủ đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông cho biết: Dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên đi qua địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế, nhất là các dự án công nghiệp, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông.
“Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, các cấp Đảng ủy, chính quyền của tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc ngay từ đầu và đến nay thì chúng tôi đã phối hợp với EVN, các cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường. Hiện nay100% móng cột trong tổng số 195 móng cột trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành và giao cho EVN đầu tư xây dựng. Công tác bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến cũng được triển khai hết sức tích cực, cơ bản 18 xã mà có hành lang tuyến đi qua đã bảo đảm tiến độ”, ông Đông thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu hoàn thành Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên trước ngày 19/8. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng. Mặc dù phải thi công thần tốc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm nguy nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, những người lao động, lãnh đạo chính quyền, quân nhân và người dân đang đồng lòng khẩn trương đưa công trình về đích đúng hẹn, trở thành kỳ tích trong "Kỷ nguyên vươn mình".
Hoàng Hà