Xe máy xăng và ô nhiễm không khí đô thị: Đã đến lúc hành động quyết liệt

Xe máy xăng và ô nhiễm không khí đô thị: Đã đến lúc hành động quyết liệt
6 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hoàng Sơn
Xe máy - nguồn phát thải lớn
Tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện để không ai bị bỏ lại phía sau” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 21-7, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan chuyên môn đều khẳng định: Nếu không hành động quyết liệt, ô nhiễm không khí tiếp tục bào mòn sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực tới phát triển bền vững.
PGS.TS Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn nghiên cứu chỉ ra, ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu nhất, trong khi ban đêm là xe tải. Đặc biệt, xe máy xăng thường không được trang bị hệ thống xử lý khí thải, phát thải trực tiếp qua ống xả, mức độ ô nhiễm do đó cao hơn nhiều so với ô tô - vốn đã có hệ thống lọc khí thải tiêu chuẩn.
PGS.TS Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Sơn
Tại khu vực nội đô, đặc biệt là vành đai 1, các điểm giao thông dày đặc, tốc độ di chuyển thấp, khiến lượng tiêu thụ nhiên liệu gia tăng. Theo tính toán, tốc độ trung bình các phương tiện tại Hà Nội chỉ khoảng 35km/h - một trong những nguyên nhân làm phát thải tăng mạnh.
Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau dịch Covid-19, khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, có rất ít ngày thành phố Hà Nội có chất lượng không khí ở mức tốt.
Trong 3 tháng cuối năm 2024, thành phố ghi nhận tới 47 ngày có mức ô nhiễm rất xấu, AQI vượt ngưỡng 246. “Để xác định nguyên nhân chính xác, cần kiểm kê khí thải nhưng đây là nguồn động, thay đổi linh hoạt và hiện chúng ta còn thiếu kinh phí, thiếu phương pháp chuẩn. Tuy vậy, dữ liệu từ các trạm quan trắc cho thấy giao thông vẫn là nguồn phát thải lớn nhất, kết hợp với điều kiện thời tiết mùa đông - hanh khô, nghịch nhiệt - khiến Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng hơn thành phố Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Hoàng Ánh lý giải.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu. Ảnh: Hoàng Sơn
Cần lộ trình chuyển đổi khả thi, nhân văn
Bàn sâu về vấn đề khí thải xe gắn máy, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ Nguyễn Đông Phong cho rằng, cả nước có gần 70 triệu xe máy, nhưng chưa có cơ chế kiểm soát khí thải đối với xe đang lưu hành. Điều này khiến lượng khí phát thải từ xe cũ là cực kỳ lớn, khó kiểm soát.
Do vậy, việc chuyển đổi sang xe điện được xem là giải pháp chiến lược, song cần đi kèm lộ trình cụ thể, chính sách hỗ trợ rõ ràng và quan trọng nhất là bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Nguyễn Đông Phong, Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Sơn
Đặc biệt, không phải ngẫu nhiên mà Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành phố Hà Nội từ ngày 1-7-2026 cấm toàn bộ xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực vành đai 1. Tiếp đến, từ năm 2028 sẽ hạn chế ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vành đai 1 và 2, đến năm 2030 sẽ mở rộng tới vành đai 3. Một quyết định mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra nhiều bài toán về chuyển đổi, hạ tầng, sự đồng thuận, tính khả thi trong thực tế.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh, cơ hội đang ở phía trước, nhưng nếu không có kế hoạch chi tiết, tuyên truyền hiệu quả, cơ chế minh bạch, thì người dân sẽ không yên tâm đồng hành. Thành phố Hà Nội phải đi đầu trong chuyển đổi, không chỉ vì Thủ đô có Luật Thủ đô, mà còn là trách nhiệm nêu gương.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng phát biểu. Ảnh: Hoàng Sơn
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 6,9 triệu xe máy, ước tính khoảng 450.000 chiếc đang lưu thông cố định trong khu vực vành đai 1. Trưởng phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, thành phố sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp: Khảo sát dân cư, đánh giá số lượng phương tiện và nhu cầu sử dụng; hoàn thiện chính sách, pháp lý gắn với Luật Thủ đô và Đề án vùng phát thải thấp; đầu tư hạ tầng giao thông công cộng và trạm sạc; ban hành tiêu chuẩn khí thải, xây dựng cơ chế kiểm định với xe máy; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu và ủng hộ.
Ông Phan Trường Thành phát biểu. Ảnh: Hoàng Sơn
Ngoài ra, không thể thay thế xe máy, nếu không có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, nhanh, kết nối tốt. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Nguyễn Văn Ngọc, tính đến tháng 7-2025, hai tuyến tàu điện (Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội) đã vận chuyển tổng cộng hơn 42 triệu hành khách; tốc độ tăng trưởng đạt 9,5% (2023) và 14% (2024)... cho thấy người dân dần thay đổi thói quen, nếu hạ tầng tốt.
“Chúng tôi đang kết nối với các tuyến buýt mini, tổ chức xe trung chuyển đầu cuối, giúp hành khách dễ dàng tiếp cận tàu điện, nhất là ở các khu vực ngõ nhỏ, ngách hẹp”, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Ông Nguyễn Văn Ngọc phát biểu. Ảnh: Hoàng Sơn
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Việt Nam không đơn độc trên hành trình này. Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều đã hoặc đang triển khai mạnh mẽ chính sách chuyển đổi. Cụ thể, Hàn Quốc tích hợp trạm sạc vào quy hoạch đô thị thông minh, ưu đãi thuế và thúc đẩy các tập đoàn lớn phát triển xe điện. Nhật Bản miễn giảm thuế cho xe điện, khuyến khích sử dụng xe hybrid. Ấn Độ trợ giá mạnh cho xe hai bánh điện, tập trung vào nhóm giao hàng, công nghệ...
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng nhấn mạnh, Việt Nam cần lộ trình minh bạch, kế hoạch cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, thúc đẩy đầu tư tư nhân, truyền thông mạnh mẽ để chuyển đổi thực sự đi vào cuộc sống.
Chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện không đơn thuần là một chính sách giao thông, mà là một chính sách an sinh, môi trường, y tế, kinh tế và xã hội tổng hợp. Hà Nội có lợi thế, có quyết tâm và đã có bước đi đầu tiên. Song, để thành công, cần nhiều hơn nữa, từ cam kết của chính quyền, đồng hành của doanh nghiệp đến sự thấu hiểu và chia sẻ từ người dân. Một thành phố Hà Nội xanh - sạch - hiện đại không chỉ là khát vọng, mà là trách nhiệm. Không thể chậm trễ thêm được nữa!
Hoàng Sơn
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/xe-may-xang-va-o-nhiem-khong-khi-do-thi-da-den-luc-hanh-dong-quyet-liet-709832.html