Nơi thử thách lòng gan dạ
Tờ mờ sáng, khi sương còn chưa tan trên những cánh rừng nối Bình Định và Quảng Ngãi, những công nhân nhà thầu Đèo Cả đã lọ mọ nối nhau đi sâu vào hầm số 3 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Thi công hầm số 3, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn trong điều kiện khó khăn, phức tạp.
Hầm số 3 dài 3.200m, là hầm dài nhất trong 3 hầm đường bộ xuyên núi trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Lái máy khoan Đỗ Văn Trường (quê Nam Định) đã gần cả năm trời bám hầm số 3, công việc đã quen nhưng vẫn luôn cẩn thận từng chút một.
"Địa chất thay đổi liên tục và rất phức tạp nên không ai có thể lường trước hết được mọi chuyện", anh Trường chia sẻ.
Sau khi khoan đá tạo lỗ xong, tổ nổ mìn tiếp nhận công việc tiếp theo, đặt mìn vào các lỗ. Hoàn thành công việc này, lần lượt từng công nhân rời khỏi hầm. Chỉ huy nổ mìn quan sát một lần nữa rồi mới rời đi.
Tiếng nổ chát chúa vang lên sau đó, khói bụi tung mù mịt nơi hun hút lòng hầm, quá trình nổ mìn thành công. Lúc này, sự lo lắng mới vơi đi trên gương mặt các công nhân. Tiếp tục, những chiếc xe tải lớn nối đuôi nhau để vận chuyển đất đá. Đất đá đưa ra đến đâu, tổ phun bê tông tạo vòm hầm đến đó để chống sạt lở.
Theo kế hoạch, hầm số 3 sẽ hoàn thành năm 2026, song nhà thầu và liên danh đang nỗ lực đào thông vào đầu tháng 5, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Trong khi đó, hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh xuyên qua dãy núi Sơn Triệu nối Bình Định với Phú Yên. Hầm này không dài như hầm số 3 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nhưng địa chất phức tạp không kém. Đến nay, hầm đã được đào thông, vượt tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điều hành nhà thầu Sông Đà 10 thi công hầm Sơn Triệu kể: "Địa chất lòng núi ở đây cực kỳ phức tạp. Đất đá ở dạng bở, nhiều mạch nước ngầm lớn chảy qua rất dễ xảy ra sụt vỡ. Thợ đào hầm phải làm cẩn thận từng chút và tính toán, dự liệu các tình huống. Chỉ cần án sai một ly, trong tích tắc sẽ bị vùi lấp".
Cầu cao, ý chí càng cao
Thi công cao tốc qua miền Trung không chỉ có núi cao mà sông sâu cuồn cuộn, phải bắc cầu để nối đôi bờ, khó khăn, hiểm nguy cũng không kém.
Thi công cầu Kỳ Lộ, cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Điển hình là cầu Kỳ Lộ (cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh). Cầu có 38 mố, dài gần 1,9km, trụ cầu cao 49m, bắc ngang sông Kỳ Lộ. Đây là cầu dài nhất trên dự án thành phần này và việc thi công cũng khó khăn nhất.
Công nhân Bùi Trường Huấn (40 tuổi) chia sẻ: "Dù được trang bị đồ bảo hộ và các điều kiện an toàn nhưng thi công cầu ở độ cao như thế cần một ý chí thép. Thực tế, nhiều công nhân sợ độ cao đã không dám lên cầu này. Còn chúng tôi, chỉ lo thời tiết bất lợi ảnh hưởng tiến độ, khó khăn chúng tôi không ngại".
Giống như cầu Kỳ Lộ, cầu Sông Côn với chiều dài gần 800m tại gói thầu XL12, là cầu vượt sông dài nhất cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Với 19 nhịp, cầu nối liền huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn của tỉnh Bình Định. Đến nay, cầu đã thảm bê tông mặt cầu, tiến tới thảm nhựa khi đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Thành Luân, Chỉ huy trưởng Cienco 8 tại gói thầu XL12 cho hay: "Khó khăn nhất là thực hiện mố trụ cầu trong điều kiện nước chảy xiết. Chúng tôi phải tính toán, tranh thủ từng ngày của mùa nắng, dốc hết lực để hoàn thành trước mùa mưa. Nhờ luôn duy trì 3 ca, 4 kíp, ăn ngủ trên công trường, hạng mục này sắp hoàn thành".
Theo thống kê, cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh có 93 cầu lớn nhỏ. Đến đầu tháng 4, đã hoàn thành 79 cầu, còn lại 14 cầu đang được thi công với tiến độ bám sát kế hoạch.
Chủ đầu tư 2 dự án là Ban Quản lý dự án 85 cho hay, đang chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân vật lực, tập trung tối đa để hoàn thành các hạng mục quan trọng, đưa dự án thông xe vào cuối năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong các chuyến thị sát vừa qua.
Làm cao tốc nơi chưa có dấu chân người
Trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, không ít đoạn tuyến có những khu vực đồi cao, núi sâu, chưa từng có dấu chân người đặt tới.
Xuyên qua cánh rừng tự nhiên, vượt qua những ngọn đồi cao chót vót, PV mới đến được điểm thi công của dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (thuộc xã Cư San, huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk).
Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Phạm Xuân Thùy, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Công ty CP 484 bám từng mũi thi công trên công trường. Giữa rừng núi hoang vu không có sóng điện thoại, không điện, không nước.
Đảm nhận thi công khoảng 5km, hơn năm rưỡi qua, nhà thầu 484 đã tập kết máy móc, thiết bị để triển khai. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, điều kiện quá khắc nghiệt, đa số công địa nằm trên diện tích rừng tự nhiên, đường công vụ không có.
"Khó khăn là thế nhưng anh em không chùn bước, trước khi bắt tay vào thi công, đơn vị đã động viên tư tưởng anh em sẵn sàng ăn ngủ giữa rừng để mở đường. Từ ngày đặt chân đến công trường, số lần về nhà đếm trên đầu ngón tay", ông Thùy nói.
Hướng ánh mắt về phía những ngọn đồi cây rừng phủ kín, ông Vũ Đức Hùng, cán bộ kỹ thuật Công ty CP tập đoàn Đạt Phương vừa chỉ đạo công nhân "xẻ núi, bắc cầu" mở đường tiếp cận cửa hầm Chư Te phía Đông, vừa chia sẻ: Toàn bộ gói thầu dính 100% rừng tự nhiên nên công tác thi công đi qua núi cao, vực sâu hiểm trở.
Dự án khởi công từ tháng 6/2023 nhưng khu vực cửa hầm Chư Te phía Đông tới tháng 12/2024 mới được bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, con đường vận chuyển vật tư vật liệu vào dự án rất khó với 12km đường công vụ là đường đất chạy xuyên rừng.
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến dự án, ông Trịnh Trung Lượng, Giám đốc điều hành dự án của nhà thầu Công ty Đạt Phương kể: "Ký hợp đồng với chủ đầu tư, nhà thầu huy động đưa máy móc lên công trường dựng lán trại, dựng trạm trộn bê tông rồi… nằm chờ. Nguyên nhân, toàn bộ mặt bằng đều dính đất rừng tự nhiên nên thủ tục chuyển đổi rất khó khăn".
Ông Phan Tất Thành, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2 cho biết: "Toàn bộ 36km đi qua có địa hình rừng núi, nhiều nơi còn chưa có dấu chân người đặt đến, đường công vụ dài 45km, toàn đường đất vượt hố sâu, núi cao. Anh em làm cao tốc mà như đánh trận, kéo máy móc vượt núi cao, rừng thẳm".
Hầm Chư Te dài có 280m, nhưng để đi được từ cửa hầm phía Tây sang phía Đông trong điều kiện bây giờ phải mất hơn 3 tiếng. Khi công trình hoàn thành thì đi khoảng 2 phút là đến".
Cao tốc Bắc - Nam từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đang triển khai bao gồm các dự án: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang. Các dự án này đang nỗ lực để về đích trong năm 2025.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 116,577km, khởi công ngày 18/6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 2 có tổng mức đầu tư 10.437 tỷ đồng và là dự án có công địa thi công phức tạp nhất.
Quang Đạt
Ngọc Hùng