Do không có văn bản cụ thể, chúng ta không thể biết chính xác trong câu lục này có đúng là “se” hay “xe”? Câu thơ này miêu tả hoạt động của cô gái mà nhà thơ Nguyễn Bính cũng từng viết:
Lụa dệt xong may áo
Áo anh và áo em
May áo nếu lụa thiếu
Xe tơ em dệt thêm
Nếu viết se thì rõ ràng sai chính tả. Hơn 500 năm trước, “Tự điển Việt-Bồ-La” (1651) đã ghi nhận: “Xe chỉ”: Vê chỉ trong lòng bàn tay”. Vê là gì? “Vê: Lấy ngón tay trái và ngón tay trỏ mà viên vật gì cho tròn, cho xoăn” - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Tuy nhiên, từ xe không chỉ có nghĩa này, “Đại từ điển tiếng Việt” (1991) giải thích: “Xe: 1. Xoắn kết lại nhiều sợi nhỏ lại làm một: xe sợi dây, xe chỉ luồn kim; 2. Viên tròn lại: Dã tràng xe cát biển Đông; 3. Làm cho kết duyên, nên vợ nên chồng: kết tóc xe duyên”. Ông bà mình dạy:
Ngày dưng thì chẳng xe gai
Đến khi nước lớn mượn chài ai cho
“Ngày dưng” là ngày gì? Dưng có nghĩa là không làm việc gì cả. Tục ngữ có câu “Ăn dưng ở nể” thì “dưng” và “nể” cùng nghĩa, “ăn dưng” là chỉ ăn, không làm, “ở nể” là ở không, không mó tay vào việc gì, ngày rộng tháng dài chỉ ăn và chơi - nếu thế ắt “Miệng ăn núi lở”. Và cũng từ “dưng” này, có lẽ câu ca dao huê tình bay bướm khiến ta xao xuyến tâm can vẫn là: “Gió sao gió mát sau lưng/ Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?”. Một khi đã hỏi là nhằm chờ câu trả lời? Không, trong trường hợp này,chính người thốt lên đã tự biết tại sao mình lại thương nhớ người không quen biết.
Se sợi dệt lụa ngày xưa.
“Xe” còn trùng âm với xe nhằm chỉ phương tiện di chuyển. Với người Việt, chiếc xe “hiện đại” lần đầu tiên được tiếp nhận chính là xe tay. Nhà thơ Tú Xương, xét ở phương diện phản ánh thời sự, có thể xem ông cũng là nhà báo lão luyện, nhanh nhạy nắm bắt thông tin. Từ chiếc xe tay này, ông là người trước nhất đưa vào thơ:
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ,
Ông chồng thương đến cái xe tay.
Mỉa mai thay, câu đối đỏ nhằm vui xuân đón Tết lại đem ra khóc người đã khuất; còn chồng thương vợ là thương… cái xe tay - từ đây không có người quán xuyến trông nom! Từ chiếc xe tay này, nhà văn, nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí được giới nghiên cứu ghi nhận là người mở đầu cho thể loại phóng sự ở Việt Nam qua tác phẩm “Tôi kéo xe” (1932). Từ chiếc xe tay này, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn bi hài thốn ruột, cười không ra nước mắt, chua chát phận người “Ngựa người người ngựa”.
Còn phải nhắc đến thi sĩ Tản Đà với hài đàm “Cái đòn cán và anh phu xe”: “Có một anh phu xe nguyên ngày trước là phu cáng chuyển nghề. Từ ngày đi làm xe, anh ta hay học đòi nói năng kiểu mới. Một hôm anh ta định đem đòn cáng chẻ thành củi và nói rằng: “Trước ta làm cùng mày thì hai đứa chỉ khiêng được một người mà cũng ì ạch. Giờ ta làm xe, một mình kéo được hai ba người mà lại chạy nhanh. Thế là văn minh, tiến bộ hơn”.
Đòn gánh liền đáp: “Trước cùng tôi anh chỉ phải khiêng một nửa người. Bây giờ anh phải mang nặng gấp 4- 6 lần. Vậy mà đời sống và phẩm giá của anh chẳng hơn gì trước. Vậy thì văn minh, tiến bộ là phải, nhưng nên tiến lên làm người ngồi xe, và đừng làm người kéo xe”. Cái đòn cáng nói xong, vẫn còn giận anh phu xe lắm, làm bốn câu thơ rằng:
Đời thế anh ơi, thế cũng khoe,
Hết trò phu cáng lại phu xe!
Văn minh chừng mấy kilômét
Tiến bộ như anh nghĩ chán phè.
Chán phè là chán thế nào? Phè hàm nghĩa là tràn đầy, quá mức, quá lắm, chẳng hạn, đệ tử chân truyền của Tú Xương tự trào: “Tú Mỡ nghe tên rõ chướng phè/ Làm thiên hạ tưởng béo xù ghê”.Về sau chiếc xe tay này bị xếp xó, không ai sử dụng nữa mà phải là loại xe xích lô hoặc xe được cải tiến, có gắn động cơ. Khi đem ra chở người khác đặng kiếm chút cháo qua ngày thì gọi xe ôm, tức khách ngồi phía sau ôm eo ếch cho an toàn, còn gọi xe thồ. Bây giờ, do đặt xe/ gọi xe qua app điện thoại nên dù cũng xe ôm/ xe thồ nhưng lại có tên gọi mới “xe công nghệ”.
* * *
Khi sắm được xe, mình đứng tên sở hữu, gọi là “xe nhà”. Vậy, thế nào là “nhà xe”? Có một điều ngạc nhiên, với từ xe/ nhà xe, từ năm 1651 với “Tự điển Việt-Bồ-La” đến năm 1999 với “Đại từ điển tiếng Việt”, cả hai cũng đều ghi nhận. “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: “Nhà chuyên dùng để xe, nói chung” là cách chúng ta đã và đang hiểu cũng như tùy ngữ cảnh, còn có thể hiểu theo hai nghĩa, qua từ garage vay mượn tiếng Pháp: 1. Nơi để chứa xe; 2. Xưởng sửa chữa xe.
Khi người bình luận: “Du lịch hiện nay thuận tiện quá, chỉ cần điện thoại đến nhà xe đặt vé là xong”. Nhà xe ở đây lại hiểu là văn phòng giao dịch của hãng xe nào đó, chứ chưa chắc nơi đó “chuyên dùng để xe”. Nghe thế, người khác chêm vào: “Ừ, chỉ ngồi nhà, đúng giờ là nhà xe đến đón”. Nhà xe ở đây, chính là chủ của hãng xe đó cho xe đến rước khách.
Trong khi đó, “Từ điển Việt-Bồ-La” cho thấy cũng cách gọi đó nhưng lại không thể hiểu như hiện nay: “Xe, nhà xe: Nhà nhỏ trên mồ mả, nhà táng. Cũng một nghĩa”.
Vậy, “nhà táng” là gì?
Từ điển này cho biết: “Nhà bằng giấy mà những người lương dân ngây thơ làm và đốt cho người chết của mình, nghĩ rằng trong thế giới bên kia nhà đó sẽ biến thành nhà thực”. Các tự điển hiện nay cũng giải thích tương tự. Không rõ từ bao giờ “nhà xe” theo nghĩa này lại biến mất nhường chỗ cho “nhà táng”?
Có một điều cực kỳ éo le là khi nói đến nhà táng, không phải lúc nào cũng hiểu theo cách giải thích như trên, chẳng hạn, ngày xưa ở trong Nam chỉ những điền chủ giàu có mới đủ tiền của xây nhà táng: “Nhà có dùng cây, đá mà lót chân cột”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết. Đó là nhà ở chứ nào phải nhà táng/ nhà xe như cách nói của thế kỷ XVII.
Tục ngữ có câu “Vén tay áo sô đốt nhà táng giấy” là ngụ ý làm một công việc gì nhanh chóng, dễ dàng, không nhọc công. Câu này ngụ ý mỉa mai, chế giễu nằm ở cụm từ “vén tay áo” - là quả quyết làm một việc gì đó, tưởng ghê gớm, ô hô, hóa ra chỉ “đốt nhà táng giấy”, cái đồ hàng mã ấy, chỉ một mồi lửa là xong, vậy việc gì hùng hùng hổ hổ “vén tay áo”?
Xin hỏi cắc cớ: Sô/ áo sô là áo gì? Có hai loại sô khác nhau. Bằng chứng như sau: “Sô: Thứ hàng bằng vải dệt thưa, may màn hay làm đồ tang: khăn sô, áo sô. Sô gai: Sô và gai. Đồ mặc trong khi có đại tang”, ngoài ra còn có một loại sô khác mà “Việt Nam tự điển” (1931) đã ghi nhận: “Sô: hàng dệt bằng tơ: sô sa”. Đây chính là loại sô quý mà “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết cụ thể: “Sô: Hàng dệt bông hoa, có thứ dày thứ mỏng. Sô sa, sô địa, sô nhiễu”.
Nếu hiện nay có ai nói: “Xưa cũng như nay chẳng có ai mặc áo sô chạy sô”, lập tức ta biết hai từ này hoàn toàn khác nhau. Sô/ chạy sô lại là show từ tiếng Anh nhằm chỉ chương trình biểu diễn văn nghệ văn gừng. Nhưng rồi, có người cà kịa: “Ừ, cho là thế nhưng vẫn có người mặc áo sô cầm xô đấy”. Điều này hoàn toàn có thể xẩy ra bởi xô/ cầm xô chính là từ vay mượn “seau” trong tiếng Pháp - nhằm chỉ cái thùng miệng rộng, đáy nhỏ, có quay xách, dùng đựng chất lỏng.
Trở lai từ “xe”, dù đã hiểu từ xe với các nghĩa vừa nêu nhưng khi đọc thơ văn cổ, gặp một vài từ xe, chúng ta lại đâm ra ngắc ngứ, tự hỏi phải giải thích thế nào cho đúng? Chẳng hạn, trong tác phẩm “Sãi vãi” nổi tiếng của danh nhân Nguyễn Cư Trinh, viết từ thế kỷ XVIII, có câu: “Sãi muốn nói một chuyện xa xa cho vãi biết, trong kinh chép đã nên xe”. Trước đó nữa, “Chỉ nam ngọc âm” giải nghĩa cũng có những câu như: “Vẫn xưa làm nôm xe chữ kép”; “Long nhãn có hiệu nhãn lồng ngọt xe”… Nghĩa của từ “xe” trong các ngữ cảnh này là gì? “Từ điển Việt- Pháp” (1898) của J.F.M Génibrel cho biết “có xe: innombrable” là vô số.
Nếu câu thơ của Bàng Bá Lân sử dụng từ “se” là hiểu qua nghĩa chỉ một vật dụng gì đó đã khô bớt nước trên bề mặt, ta có thể nhìn thấy qua nhiều câu tục ngữ như “Mặt se mày xém”, “Miệng còn se có đâu chè thiết khách”; thêm nghĩa nữa là chỉ cảm giác hơi mệt trong người như “Se mình se mẩy”. Ngày xưa, khi nhà vua “long thể bất an”, người ta không dám gọi vua bệnh mà nói vua se. Từ se hiểu theo nghĩa này là nói tắt của “se da”, “Dictionarium Anamitico-Latinum” (1772) của P.J. Pigneaux đã ghi nhận.
Tóm lại về câu thơ của Bàng Bá Lân, chính xác phải là “xe”. Sở dĩ “Em xe muôn sợi tơ tình”, bởi trước đó họ đã có những bước chuẩn bị cụ thể như nhà thơ cho biết:
Tằm vừa chín, dâu vừa xanh
Ngày đêm dưới mái nhà tranh rộn ràng:
Đầy nong óng ruột tơ vàng
Em ngồi đánh suốt cho chàng quay tơ…
Lê Minh Quốc