Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh).
Theo đó, đối với một số ngành như: Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, thí sinh đăng ký xét tuyển phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên. Đối với các ngành đào tạo giáo viên còn lại, thí sinh đăng ký xét tuyển phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên.
Như vậy, ngưỡng xét tuyển học bạ đối với các ngành đào tạo giáo viên đã được thay đổi, lấy điểm ở cả 3 năm trung học phổ thông, thay vì chỉ lấy điểm 3-5 học kỳ hoặc kết quả cả năm lớp 12 như hiện nay.
Xét điểm cả quá trình, sẽ giúp đánh giá thí sinh toàn diện hơn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính kiêm Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Ngưỡng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe đã được quy định từ nhiều năm. Điều này giúp nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên thuộc 2 khối ngành trên.
Điểm khác của quy định trong dự thảo là tính điểm cả quá trình học trung học phổ thông thay vì chỉ tính điểm một số học kỳ hay học lực lớp 12. Khi xét điểm cả quá trình, sẽ giúp đánh giá thí sinh toàn diện hơn và tiếp tục chọn lọc các thí sinh giỏi vào ngành.
Quy định mới mang lại thuận lợi cho các trường đào tạo giáo viên và sức khỏe khi giảm được số lượng hồ sơ xét tuyển cần phải lọc xét. Điều này càng phù hợp với thực tiễn, khi số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đào tạo giáo viên ngày càng tăng trong những năm gần đây".
Đề cập đến sự khác biệt về ngưỡng đầu vào thấp hơn của các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, thầy San cho biết, các ngành đào tạo này sẽ ưu tiên nhiều hơn cho thí sinh có năng khiếu, đối với các môn văn hóa khác chỉ yêu cầu ở mức độ Khá trở lên.
Mặc dù ngưỡng đầu vào thấp hơn các ngành sư phạm khác, nhưng về mặt bằng chung, thí sinh vẫn phải đạt mức học lực khá trong 3 năm trung học phổ thông, đảm bảo ngành giáo dục có nguồn nhân lực toàn diện cả về các môn văn hóa và năng khiếu.
Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính kiêm Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.
Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Ngưỡng đầu vào yêu cầu kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên áp dụng đối với các ngành bắt buộc thí sinh phải tham gia thêm kỳ thi năng khiếu.
Để có thể bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, bản thân giáo viên phải có năng lực đặc thù. Khi đã đề cao năng lực này, chúng ta không thể đòi hỏi thí sinh quá cao về điểm số của các môn văn hóa. Hơn nữa, theo thuyết đa trí tuệ, con người có nhiều loại trí thông minh, hiếm ai có thể nổi trội tất cả.
Đối với các ngành còn lại, việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc điểm thi đánh giá năng lực là đủ để đảm bảo chất lượng đầu vào. Do đó, quy định trong dự thảo thông tư Quy chế tuyển sinh là hoàn toàn phù hợp".
Tiến sĩ Trịnh Tuấn Anh cũng thông tin thêm, từ quy định chung trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sẽ “thể chế hóa” thành quy định riêng. Quy định của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ không thấp hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường luôn hướng đến chất lượng đầu vào tốt để đảm bảo chất lượng đầu ra tương ứng.
Cần có giải pháp “chuẩn hóa dữ liệu xét tuyển”
Để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quá trình xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông, cũng như nâng cao chất lượng tuyển sinh, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San nêu ý kiến: “Việc lựa chọn đa phương thức xét tuyển nằm trong quy định về quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học. Vì vậy muốn giải quyết bài toán công bằng trong xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các trường đại học phải có giải pháp “chuẩn hóa dữ liệu xét tuyển” về một thang đánh giá, xếp hạng chung, từ đó lựa chọn những thí sinh có điểm xét tuyển sau “chuẩn hóa” cao nhất cho đến hết chỉ tiêu tuyển sinh.
Việc xét tuyển tất cả các phương thức cùng thời điểm là một trong những giải pháp để giải bài toán công bằng trong tuyển sinh.
Vấn đề còn lại là các trường đại học phải tiếp tục nghiên cứu và chứng minh việc xét các phương thức khác nhau là tương đương về chất lượng, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh xét tuyển và hướng tới mục đích cuối cùng là tuyển được sinh viên giỏi, phù hợp nhất vào ngành”.
Ảnh minh họa: hnue.edu.vn
Ở phía trường trung học phổ thông, cô Đỗ Thị Định - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Để đảm bảo tính công bằng trong xét tuyển đại học cũng như tạo thuận lợi cho các trường trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm công bố Quy chế tuyển sinh, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể đến các trường.
Cơ sở giáo dục đại học cũng cần thông báo về phương thức tuyển sinh và giữ ổn định, không không nên thay đổi quá gấp, khiến các thí sinh không kịp chuẩn bị tinh thần. Quy chế, phương thức tuyển sinh cần rõ ràng, minh bạch, để các trường trung học phổ thông có kế hoạch giảng dạy hợp lý, hỗ trợ tối đa cho học sinh và bản thân các em cũng chủ động phấn đấu, yên tâm học tập.
Ngoài ra, chúng tôi mong muốn các trường đại học đảm bảo chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bản thân học sinh đã phải nỗ lực học tập trong nhiều năm, sẽ là thiệt thòi cho các em nếu trường đại học giảm quá nhiều chỉ tiêu của phương thức này”.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cổ Loa cũng thông tin, nhằm đảm bảo cho học sinh có thể thích ứng với những thay đổi trong việc tuyển sinh đại học, ngay từ khi các em vào lớp 10, nhà trường đã có nhiều buổi tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học, hướng nghiệp và mời phụ huynh đến tham dự. Gia đình và nhà trường đồng hành cùng các em khi đưa ra quyết định nghề nghiệp.
Sau 1 năm, nếu học sinh nhận thấy bản thân không phù hợp với tổ hợp đã chọn, nhà trường sẽ tổ chức thi để các em chuyển đổi.
Giáo viên của nhà trường cũng luôn tìm tòi để viết tài liệu, cung cấp cho học sinh để các em tự học, hỗ trợ dạy miễn phí cho những học sinh chưa nắm vững kiến thức.
Ngoài ra, ban giám hiệu còn mời các giảng viên ở trường đại học về trường để tư vấn nghề nghiệp, kết hợp với việc để học sinh trải nghiệm một số môn học ở trường đại học, từ đó, giúp các em có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề nghiệp mình lựa chọn.
Hồng Linh