Thời gian qua, đối với phương thức "xét tuyển sớm" sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ), có một số trường đại học, học viện áp dụng kết quả của từ 3-5 học kỳ, không có kỳ II lớp 12, do học sinh chưa kết thúc năm học.
Điều này khiến dư luận không ít lần cảnh báo việc khi biết kết quả học tập đủ điều kiện trúng tuyển sớm, liệu có khiến thí sinh nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là dẫn đến chất lượng giáo dục phổ thông bị ảnh hưởng,
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, một trong những điểm mới tại dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm chính là: “Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh”.
Phát huy giá trị của học bạ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) cho rằng, dự kiến điều chỉnh đối với phương thức xét học bạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc làm cần thiết và phù hợp trong bối cảnh giáo dục hiện nay, cũng như thực hiện đúng theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trên thực tế, một bộ phận học sinh sau khi biết kết quả trúng tuyển sớm, đã chủ quan, sao nhãng việc học tập, dẫn đến ảnh hưởng quá trình dạy học của thầy cô trên lớp. Mặt khác, cũng ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nếu các cơ sở giáo dục đại học vẫn giữ cách tuyển như thời gian qua, chỉ xét 3-5 học kỳ (không lấy kết quả học tập học kỳ II lớp 12), sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục phổ thông.
Chưa kể, học tập là một quá trình và nên được đánh giá một cách toàn diện, bao quát nhất. Do đó, thầy Nam cho rằng, sự điều chỉnh của Bộ sẽ góp phần đánh giá năng lực người học một cách toàn diện hơn, mang lại hiệu ứng, hiệu quả tốt hơn.
Bởi, khi xét cả học kỳ II lớp 12, học sinh sẽ phải xác định nhiệm vụ học tập ngay từ ban đầu và nghiêm túc thực hiện trong cả năm học. Như vậy, kết quả xét tuyển cũng toàn diện và thực chất, trường đại học cũng có nguồn tuyển chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, việc lấy toàn bộ kết quả học tập lớp 12 để xét tuyển đại học sẽ tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh khi xét tuyển ở những phương thức khác nhau, từ đó có những tác động tích cực, đảm bảo hài hòa giữa chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển đại học.
Xét học bạ cả năm lớp 12 sẽ đánh giá toàn diện năng lực của người học. Ảnh minh họa: Đào Hiền.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, khi tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ, việc đánh giá kết quả học tập qua nhiều học kỳ là điều rất cần thiết.
Bởi, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Trong khi đó, việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh phải trải qua một quá trình xuyên suốt và được thể hiện, chứng minh qua từng học kỳ.
Hiện nay, với phương thức xét tuyển học bạ, khi các trường đại học chỉ xét kết quả học bạ từ 3-5 học kỳ, bỏ xét học kỳ II năm lớp 12, sẽ có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, chểnh mảng, thậm chí là bỏ mặc học kỳ II năm lớp 12.
Do đó, vị này nhấn mạnh rằng, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non có điểm mới, xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông phải xét cả năm lớp 12 là hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Còn theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk), xét tuyển học bạ sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12 sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh đối với phương thức này.
Theo đó, học bạ có nhiệm vụ ghi nhận và phản ánh quá trình học tập của học sinh ở bậc trung học phổ thông. Đã là quá trình, thì nên được đánh giá toàn diện chứ không nên đặt nặng học kỳ này, xem nhẹ học kỳ kia.
Trong các năm học vừa qua, khi trường đại học chỉ xét tuyển 3-5 học kỳ mà không sử dụng học kỳ II lớp 12, nhiều học sinh có thái độ học tập khác biệt ở mỗi học kỳ.
Cụ thể, các em chú trọng học tập để lấy kết quả tốt ở những học kỳ được sử dụng xét vào học bạ, còn học kỳ không được sử dụng đến, các em sẽ chủ quan, coi thường và thiếu sự tập trung.
Do đó, có thể thấy rằng, sự điều chỉnh về quy định xét học bạ của Bộ chính là một phương thức nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng học bạ trong công tác tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Mặt khác, tác động và thay đổi nhận thức của học sinh, giúp người học chú trọng học tập hơn; qua đó, cũng đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hơn.
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: website nhà trường.
Có lợi cho cả thí sinh và đơn vị xét tuyển
Theo chia sẻ của vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, mục đích khi Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, sửa đổi nội dung trong dự thảo chính là muốn “siết” chất lượng, tránh tình trạng “làm đẹp học bạ” ở một số môn dùng để xét tuyển tại lớp 12, từ đó đánh giá đúng chất lượng giáo dục.
Với những điểm mới dự kiến được sửa đổi, bổ sung, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường đại học cũng tăng theo.
Mặt khác, cơ sở giáo dục đại học vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh, tuyển được những thí sinh giỏi nhất. Đồng thời, thí sinh có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Theo đó, quy định sử dụng học bạ để xét tuyển đại học cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12, hướng tới bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh ứng tuyển; tạo tiền đề cho học sinh lớp 12 tập trung hoàn toàn trong năm học cuối cấp.
Điều này cũng sẽ giúp các em học đều, học tốt hơn trong cả năm học, chuẩn bị vững kiến thức, năng lực, phẩm chất để tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn.
"Siết" học bạ sẽ giúp đại học có nguồn tuyển chất lượng hơn. Ảnh minh họa: N.A.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Xuân Hương cũng phân tích, khi sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 để xét tuyển đại học, sẽ có tác động tích cực đến cả học sinh và đơn vị xét tuyển.
Bởi, khi trường đại học chỉ xét điểm học kỳ I của năm lớp 12, sẽ làm mất cân đối trong quá trình rèn luyện và tiếp thu kiến thức của học sinh trên trường, như vậy sẽ đi lệch mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trên thực tế, cả quá trình học tập ở cấp trung học phổ thông rất quan trọng, trong đó, năm học lớp 12 được đánh giá đặc biệt hơn, cả khi tổng kết toàn bộ kiến thức, kỹ năng của cả 3 năm học.
Như vậy, nếu cơ sở giáo dục đại học không xét cả kết quả của học kỳ II năm lớp 12, sẽ chưa thể đánh giá toàn diện và thực chất năng lực của thí sinh.
Ngược lại, nếu quy định xét học bạ sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12, sẽ buộc học sinh phải học đều, đảm bảo phong độ học tập tốt trong cả năm. Khi đó, năng lực của người học sẽ được nâng lên, nguồn tuyển của trường đại học cũng trở nên chất lượng.
“Quy định xét học bạ phải sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12 là sự thay đổi tích cực, góp phần điều chỉnh hành vi học tập của học sinh cũng như nâng cao chất lượng đầu vào của trường đại học”, cô Hương nhấn mạnh.
Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cũng chỉ ra, để phương thức xét học bạ phát huy tối đa hiệu quả và chất lượng, cần củng cố sự thống nhất trong tổ chức và đánh giá tại các trường phổ thông.
Cụ thể, các trường trung học phổ thông cần chú trọng, đảm bảo giảng dạy thực chất và nâng cao chất lượng đánh giá thay vì chạy theo thành tích ngắn hạn.
Chỉ khi trường trung học phổ thông đánh giá thực chất năng lực người học thì học bạ mới “giữ đúng” giá trị vốn có, để phát huy hiệu quả trong công tác xét tuyển đại học.
Trong khi đó, theo chia sẻ của thầy Hoàng Hải Nam, khi Bộ có sự điều chỉnh về quy định sử dụng kết quả cả học tập của cả năm học lớp 12 cho phương thức xét học bạ, trách nhiệm của trường trung học phổ thông càng tăng lên.
Cụ thể, nhà trường cần có sự định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm để xác định cách thức, con đường xét tuyển vào đại học cho phù hợp. Từ đó, thầy cô cũng sẽ dễ dàng điều chỉnh trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là kế hoạch ôn tập cho học sinh một cách hiệu quả, chất lượng.
Đặc biệt, các đơn vị quản lý cần nâng cao trách nhiệm và đảm bảo các tiêu chí đánh giá sẽ thực chất với năng lực của người học, tránh tình trạng “làm đẹp học bạ” hay chạy đua thành tích.
Đối với học sinh, khi được định hướng sớm và rõ ràng, các em sẽ nắm được lộ trình học tập và cố gắng ngay từ ban đầu, có ý thức học tập trong cả năm, chứ không phải chú trọng học tập tốt ở những học kỳ sẽ sử dụng kết quả học tập để xét tuyển đại học như trước.
“Sự thay đổi này có thể gia tăng trách nhiệm cho các trường trung học phổ thông, nhưng đồng thời sẽ ảnh hưởng tích cực đến quá trình học tập của học sinh cũng như nâng cao chất lượng tuyển sinh ở bậc đại học”, thầy Nam chia sẻ.
ĐÀO HIỀN