Hôm nay (14-5) trong chương trình làm việc của kỳ 9, Quốc hội thảo luận dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đáng chú ý, dự luật cũng quy định theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời. Trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Trước những thông tin trên, bạn đọc bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ, cho rằng việc sửa đổi lần này là cần thiết và kịp thời.
Cần bỏ lối mòn cũ
Anh Lê Hoàng Nam, một cán bộ từng làm việc trong cơ quan nhà nước hơn 10 năm, cho biết anh hoàn toàn ủng hộ những sửa đổi trong dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đặc biệt là quy định về sàng lọc công chức không hoàn thành nhiệm vụ và xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”.
“Tôi cho rằng đây là bước đi rất cần thiết trong bối cảnh bộ máy hành chính đang chịu sức ép cải cách và tinh gọn. Thực tế nhiều năm qua, không hiếm trường hợp người thi đỗ công chức thì tìm cách giữ chỗ, yên vị. Khi đã có biên chế, tâm lý an toàn khiến nhiều người không còn động lực phấn đấu, thậm chí có biểu hiện ỷ lại, làm việc hình thức. Trong khi đó, những người có năng lực, trẻ, sáng tạo lại rất khó có cơ hội phát triển do cơ chế cứng nhắc, thiếu linh hoạt” - anh Nam chia sẻ.
Việc áp dụng cơ chế “có vào, có ra, có lên, có xuống” sẽ khắc phục tình trạng công chức suốt đời, giúp đội ngũ công chức luôn đạt yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực.
Theo anh, việc thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã không chỉ giúp quản lý nhân lực hiệu quả hơn, mà còn tạo ra cơ hội phát triển công bằng cho cán bộ ở mọi cấp. “Tôi từng chứng kiến nhiều cán bộ cấp xã rất giỏi, năng nổ nhưng không thể phát triển lên cấp cao hơn. Nếu luật mới mở rộng liên thông, sẽ góp phần khuyến khích người tài ở cơ sở yên tâm cống hiến lâu dài” - anh Nam nói.
Tương tự, anh Phạm Văn Duy (TP Thủ Đức) cho rằng việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này là cần thiết để nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong khu vực công.
Anh đồng tình với quy định sàng lọc công chức yếu kém, bởi theo anh, chỉ khi có áp lực rõ ràng về hiệu suất và trách nhiệm, công chức mới phải thực sự nỗ lực. “Làm công chức là để phục vụ nhân dân, không thể coi đó là nơi “trú ẩn an toàn” cho những người chỉ muốn ổn định mà không muốn làm” - anh nói.
Khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa thừa cán bộ
TS Đỗ Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết thiết lập nguyên tắc “có vào, có ra” là một sự thay đổi quan trọng trong tư duy và triết lý về nền công vụ.
Theo TS Học, việc xóa bỏ biên chế suốt đời sẽ giúp khắc phục tình trạng nhiều cơ quan vừa thiếu vừa thừa cán bộ, công chức, đồng thời giải quyết vấn đề né tránh, đùn đẩy công việc và trách nhiệm trong công tác.
Dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ, công chức nhận được sự quan tâm lớn từ người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI
Dự án cũng đề ra các quy định về sát hạch, thực hiện cơ chế sàng lọc theo nguyên tắc cạnh tranh, nhằm xây dựng một đội ngũ công chức tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Việc áp dụng cơ chế “có vào, có ra, có lên, có xuống”, sẽ khắc phục tình trạng công chức suốt đời, giúp đội ngũ công chức luôn đạt yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực” - TS Học nói.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng sàng lọc cảm tính, TS Học cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ và cụ thể trong việc đánh giá công chức. Ông đề xuất việc đánh giá công chức cần dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (KPI). Cùng với đó là mức độ đáp ứng yêu cầu công vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
“Chỉ khi xác định rõ công chức làm gì, hoàn thành như thế nào và đạt được bao nhiêu sản phẩm, việc đánh giá mới trở nên minh bạch và công bằng” - TS Học cho biết.•
Cần rõ ràng trong tuyển dụng và đãi ngộ công chức
Để triển khai hiệu quả quy định về vị trí việc làm và xóa bỏ biên chế suốt đời, các văn bản quy định chi tiết cần làm rõ một số vấn đề sau:
Về tuyển dụng: Cần xây dựng quy trình và tiêu chí tuyển dụng phù hợp với từng vị trí công việc, đảm bảo tính cạnh tranh và công bằng. Tuyển chọn ứng viên dựa trên chuyên môn, khả năng tư duy và khả năng phát triển công việc. Ngoài ra, tận dụng Điều 19 dự thảo luật để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng, tạo đột phá trong nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ chế sàng lọc hiệu quả: Dù có quy định về việc thôi việc đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ nhưng thiếu công cụ đánh giá định lượng rõ ràng. Việc triển khai KPI và bảng mô tả công việc sẽ giúp sàng lọc hiệu quả, loại bỏ công chức yếu kém. Đồng thời, cho phép thủ trưởng đơn vị quy định tiêu chí đánh giá chi tiết, có sự kiểm soát từ cấp trên, đảm bảo tránh cả nể và trù dập.
Chế độ đãi ngộ: Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với hiệu quả công việc và lộ trình thăng tiến rõ ràng. Cơ chế sàng lọc và trách nhiệm công vụ được đề cao sẽ giúp hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tạo ra một nền hành chính phục vụ nhân dân.
Luật sư PHÙNG THỊ HUYỀN, Đoàn Luật sư TP.HCM
THẢO HIỀN