Đại biểu đề xuất luật hóa cán bộ, công chức được làm việc từ xa

Đại biểu đề xuất luật hóa cán bộ, công chức được làm việc từ xa
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 14-5, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.
Đề xuất công chức được làm việc trực tuyến
Nêu góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đề xuất bổ sung cơ chế làm việc từ xa, làm việc trực tuyến đi kèm cơ chế đánh giá hiệu quả công việc thực chất, khoa học, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cũng như sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre). Ảnh: QH
Dẫn chứng giai đoạn xảy ra dịch COVID-19, đại biểu Nhi cho hay nhiều cơ quan nhà nước đã thử nghiệm phương thức làm việc này và mang lại hiệu quả, góp phần tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí hành chính nâng cao hiệu suất công việc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, để tạo thuận lợi trong đổi mới phương thức làm việc, bà Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị cần cụ thể hóa phương thức làm việc từ xa vào luật và phù hợp với từng vị trí việc làm. Cùng đó, có cơ chế đánh giá kết quả công việc thật sự khách quan, khoa học, dựa trên hiệu quả đầu ra.
“Dự luật cần định hướng để xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ gắn với tiến độ, chất lượng công việc, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến hay dựa trên nhật ký công tác điện tử…” – đại biểu Yến Nhi nói.
Đáng chú ý, bà Nhi đề nghị ứng dụng các công cụ số vào giám sát việc đánh giá công việc mà không cần phải giám sát trực tiếp.
Một kiến nghị khác, theo bà Nhi cần phân cấp rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quyết định cho phép làm việc từ xa, bảo đảm nguyên tắc về hiệu quả và kiểm soát được tiến độ chất lượng công việc. “Việc này cũng giúp tăng tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức có hoàn cảnh đặc biệt vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao” – đại biểu Yến Nhi nói.
Một lần nữa bà Nguyễn Thị Yến Nhi khẳng định quy định về làm việc từ xa sẽ là một bước đi phù hợp, thích ứng với yêu cầu mới trong quản trị nhà nước hiện đại. “Luật hóa hình thức làm việc từ xa, đổi mới cơ chế đánh giá công việc không chỉ tạo một hành lang pháp lý rõ ràng mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu suất lao động của cả hệ thống” – bà Nhi nhấn mạnh.
Đánh giá công chức: Đừng để KPI thành “thẻ điểm hành chính”
Còn đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đề nghị việc đánh giá công chức phải thực chất, có cơ chế kiểm tra độc lập, và đặc biệt là không để KPI trở thành hình thức.
“Tôi hoan nghênh việc dự thảo đã bổ sung tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm. Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng đội ngũ công chức có trách nhiệm”- bà Xuân nói.
Tuy nhiên, để những quy định này đi vào cuộc sống, đại biểu Phú Yên đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn chi tiết việc đánh giá công chức, đặc biệt là làm rõ hai tiêu chí: đạo đức công vụ và kết quả công việc.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên). Ảnh: QH
Liên quan đến đề xuất áp dụng KPI (chỉ số hiệu suất công việc) vào khu vực công, đại biểu Xuân cho rằng đây là hướng đi đúng, nhưng cần thận trọng để tránh hình thức.
Theo bà, KPI chỉ thực sự hiệu quả khi đảm bảo ba điều kiện: Thứ nhất, KPI phải gắn với đặc thù vị trí việc làm và hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức.
“Nhiều vị trí công vụ mang tính dài hạn, kết quả gián tiếp hoặc thiên về chính sách. Nếu chỉ chấm điểm theo quý, theo năm, thì rất khó khích lệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”- bà phân tích.
Thứ hai, KPI chỉ có ý nghĩa khi công chức có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Trong thực tế, nhiều công chức “chịu trách nhiệm nhưng không có quyền”, hoặc thiếu nhân lực, ngân sách, công cụ hỗ trợ.
“Nhiều lãnh đạo không có thẩm quyền can thiệp vào bộ máy của mình, nhưng lại chịu trách nhiệm về chất lượng hoạt động của cơ quan. Điều này rất bất cập!”.
Đại biểu Lê Đào An Xuân
Thứ ba, cần có cơ chế thưởng – phạt rõ ràng gắn với kết quả KPI. Bà Xuân cảnh báo: “Nếu đánh giá xong mà không ai được thưởng hay bị ảnh hưởng, thì KPI chỉ là hình thức”.
Một điểm đáng chú ý khác trong phát biểu của đại biểu Xuân là đề xuất tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Theo bà, hiện nay người đứng đầu vẫn bị trói tay bởi những rào cản văn hóa như “nể nang”, “tình nghĩa”, “ngại va chạm”, trong khi lại thiếu công cụ để tổ chức, sắp xếp lại nhân sự.
Vì vậy, đại biểu đề nghị luật cần mạnh dạn quy định cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, đồng thời giao thẩm quyền xây dựng chỉ số đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm trong phạm vi từng ngành, địa phương.
Cuối cùng, theo bà, chỉ khi đánh giá được sử dụng như một công cụ phát triển đội ngũ chứ không chỉ là “thẻ điểm hành chính” cuối năm, thì nền công vụ mới có thể chuyển mình, trưởng thành và đủ sức hút đối với người tài.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/dai-bieu-de-xuat-luat-hoa-can-bo-cong-chuc-duoc-lam-viec-tu-xa-post849708.html