ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Hoàn thiện Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) phải đặt hiệu quả công vụ lên hàng đầu

ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Hoàn thiện Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) phải đặt hiệu quả công vụ lên hàng đầu
4 giờ trướcBài gốc
Không nên phân loại công chức theo cơ quan công tác
Một trong những điểm được đại biểu đặc biệt nhấn mạnh là nguy cơ phá vỡ nguyên tắc thống nhất của chế độ công vụ nếu tiếp tục duy trì quy định phân loại công chức theo cơ quan công tác như quy định tại khoản 1, Điều 21 của dự thảo luật.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội chiều ngày 14/5 - Ảnh: NL
Theo đại biểu, cán bộ, công chức dù hoạt động trong hệ thống nào, là cơ quan Đảng, Nhà nước hay các tổ chức đoàn thể đều thực hiện công vụ, cùng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Do vậy, việc phân loại này là không cần thiết, thiếu cơ sở thực tiễn, có thể dẫn đến sự phân biệt không đáng có giữa các công chức, đi ngược lại với tinh thần cải cách hành chính và nguyên tắc của chế độ công vụ.
Về phân loại công chức theo ngạch, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần thiết có sự phân biệt theo trình độ chuyên môn, nhưng lưu ý rằng việc quy định các ngạch (từ cao cấp đến cán sự, nhân viên) cần được thiết kế linh hoạt, không nên xếp ngạch cán sự và ngạch nhân viên cùng một mức độ chuyên môn và cần tính đến khả năng bổ sung các ngạch mới như “chuyên gia”, “chuyên gia cao cấp” cho các vị trí tham mưu chính sách. Đồng thời, đề nghị xem xét lại thẩm quyền quy định các ngạch công chức, hoặc luật hóa toàn bộ quy định này, hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tránh chồng chéo, tạo kẽ hở trong thực thi.
Công tác tuyển dụng cần tăng cường minh bạch
Góp ý về hình thức tuyển dụng công chức, đại biểu cho rằng hình thức “tiếp nhận” thực chất chỉ là một cách gọi khác của xét tuyển. Do đó, nên tinh gọn còn hai hình thức chính thi tuyển và xét tuyển. Việc quy định rõ ràng, minh bạch sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, khách quan, đồng thời mở đường cho việc thu hút nhân tài thực chất, đúng người, đúng việc.
Một nội dung quan trọng khác được đại biểu nêu bật là đánh giá công chức, công cụ then chốt để nâng cao chất lượng đội ngũ. Đại biểu chỉ rõ, nếu tiếp tục sử dụng các tiêu chí định tính, chung chung như trong dự thảo hiện nay sẽ không phân loại rõ người làm tốt, người yếu kém dẫn đến đến tình trạng “bình quân chủ nghĩa” trong đánh giá, kéo dài sự trì trệ trong hệ thống công vụ.
Cũng từ góc nhìn hiệu quả công vụ, đại biểu nhấn mạnh việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ phải dứt khoát, hoặc là hoàn thành, hoặc là cho thôi việc. Việc luân chuyển sang vị trí thấp hơn thực chất chỉ là giải pháp tạm thời, không giúp sàng lọc đội ngũ một cách thực chất.
Đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ nội dung đào tạo, đặc biệt là kỹ năng công vụ, thay vì chỉ dừng lại ở các nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định sau. Cần khẳng định vai trò của Bộ Nội vụ trong việc triển khai nội dung này, nhằm đảm bảo công chức đủ năng lực thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng phục vụ Nhân dân.
Liên quan đến cơ chế tiền lương trong tương lai, đại biểu cũng kiến nghị bỏ quy định tính thời gian bồi dưỡng vào xét nâng lương (khoản 2 Điều 33), vì khi chuyển sang cơ chế trả lương theo vị trí việc làm, quy định này sẽ trở nên lạc hậu và không phù hợp.
Nguyễn Lý – Cẩm Nhung
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/dbqh-ha-sy-dong-hoan-thien-luat-can-bo-cong-chuc-sua-doi-phai-dat-hieu-qua-cong-vu-len-hang-dau-193641.htm