Thu hút người tài không chỉ ưu đãi về tiền lương
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Media Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, quy định liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ là một bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết.
Theo đại biểu, hiện nay, cán bộ, công chức cấp xã đang nằm ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, trong khi họ lại là người gần dân nhất, trực tiếp thực thi chính sách, xử lý thủ tục hành chính và giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Do chế độ không ổn định, không có lộ trình phát triển rõ ràng và ít cơ hội thăng tiến nên khó giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng, khó thu hút người giỏi về công tác ở cấp cơ sở.
"Việc quy định cơ chế liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất chế độ công vụ trên toàn hệ thống hành chính nhà nước sẽ giải quyết tận gốc sự phân mảnh trong quản lý nhân sự khu vực công, mở ra cơ hội phát triển bình đẳng cho cán bộ cấp xã", bà Nga nêu ý kiến.
Về chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, dự thảo Luật quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
"Không thể phát hiện người tài chỉ bằng hồ sơ, bằng cấp hay qua các kỳ thi mà cần phải thông qua việc thực hiện nhiệm vụ thực tiễn, khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công.
Lấy ví dụ, ở Pháp hay Nhật Bản, hệ thống công vụ cho phép phát hiện và thăng tiến người giỏi từ cấp cơ sở, đi kèm với chính sách đãi ngộ theo vị trí và kết quả công tác, chứ không cào bằng theo thâm niên", đại biểu nói và cho rằng, muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ ưu đãi về tiền lương mà phải tạo dựng một hệ thống công vụ minh bạch, công bằng, có động lực và có cơ hội phát triển thực sự.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ quy định rõ một số cơ chế để lựa chọn và sử dụng người tài. Trong đó, cần thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ; cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.
Trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.
"Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng", bà Nga nói.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Media Quốc hội.
Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, thu hút người tài để tuyển dụng, làm việc cho Nhà nước nhưng việc tuyển dụng đếm trên đầu ngón tay.
Cho rằng chế độ, chính sách ưu đãi vượt trội cho đối tượng này là hết sức cần thiết, song ĐBQH đoàn Đồng Tháp cho rằng cần làm rõ thế nào là người tài. "Dù nay đã có định nghĩa, đánh giá nhưng vẫn cần có tiêu chí cụ thể, rành mạch để dễ áp dụng, không tuyển nhầm", ông Hòa nói.
Bên cạnh chính sách thu hút người có tài năng, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế chủ động từ sớm trong chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công vụ của quốc gia, nhất là các học viện, các trường đại học đào tạo cán bộ công chức.
Đồng thời, có các học bổng công vụ, giải thưởng danh giá hàng năm cho công chức xuất sắc toàn quốc ở các lĩnh vực, có chiến lược thu hút, bồi dưỡng người tài giỏi từ các trường cấp 3, đại học, học viện.
Không để cán bộ làm việc cầm chừng vẫn đánh giá hoàn thành nhiệm vụ
Về nội dung tuyển dụng công chức, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định tư duy không còn biên chế suốt đời là điểm rất mới.
"Điều này đã nói nhiều lần nhưng chưa thực hiện được. Không thể chấp nhận được việc sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, làm việc cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Do đó, tới đây khi tuyển công chức, viên chức phải theo hợp đồng, đánh giá theo KPI để hạn chế việc không đạt chất lượng nhưng vẫn được làm việc mãi, thậm chí, được tăng lương theo thâm niên làm việc", ông Hòa nêu ý kiến.
Về vị trí việc làm, đại biểu đề nghị ưu tiên thi tuyển theo vị trí việc làm thay vì xét tuyển để tránh tình trạng nể nang.
Đối với đánh giá cán bộ, công chức viên chức, đại biểu tâm đắc với ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc đánh giá công chức, viên chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng dựa trên vị trí việc làm, chỉ số hiệu quả công việc KPI, thay cho đánh giá chung chung.
Công chức làm việc gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm, tất cả đều được lượng hóa. Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí công việc thấp hơn hoặc cho thôi việc.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: Media Quốc hội.
Tương tự, đại biểu Việt Nga cũng đề nghị cần xây dựng riêng khung đánh giá cho các vị trí việc làm có tính chất khác nhau, một cách rõ ràng, cụ thể, có tính định lượng, không dùng chung một khung đánh giá như hiện nay đang áp dụng.
Ngoài ra, cần chú trọng tới việc biểu dương, khen thưởng đối với các cán bộ, công chức có thành tích tốt, có sự đột phá, sáng tạo, cách làm hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.
Đặc biệt công tác khen thưởng phải thực chất, đảm bảo là sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân xứng đáng; tránh tình trạng khen thưởng "luân phiên", tránh tâm lý "nể nang" khi bình xét, lựa chọn người được khen thưởng. Có như vậy, mới tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có sự đổi mới, sáng tạo trong khuôn khổ theo quy định.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu thực trạng vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay.
Nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thiếu sự rèn luyện nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân đảm bảo khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.
Yến Chi