Xóa bỏ thuế khoán - tạo bình đẳng trong kinh doanh

Xóa bỏ thuế khoán - tạo bình đẳng trong kinh doanh
3 giờ trướcBài gốc
Hết thời thu thuế cào bằng
Theo số liệu từ Cục Thống kê, đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong số này, gần 2 triệu hộ nộp thuế khoán. Tuy nhiên, mức thuế bình quân hàng tháng của gần 2 triệu hộ kinh doanh theo hình thức khoán trong quý I/2025 chỉ vào khoảng 700.000 đồng/tháng/hộ.
Nhìn vào con số trên, có thể thấy, nhược điểm của phương pháp tính thuế khoán hiện nay, đó là không không khuyến khích minh bạch doanh thu, bởi hộ kinh doanh có thể khai thấp hơn doanh thu thực tế để giảm mức thuế khoán. Mặt khác, chính sách này còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hộ kinh doanh, bởi có thể có những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế cao hơn nhiều so với mức khoán, nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế thấp hơn, nhưng bị ấn định mức khoán cao.
Từ 1/1/2026 sẽ chính thức xóa bỏ hình thức thuế khoán trong kinh doanh.
Để tạo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với các hộ kinh doanh và DN, mới đây Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trong đó thông qua việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/6/2026 (sớm hơn 6 tháng so với dự thảo). Như vậy, từ 1/1/2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Trước mắt, từ ngày 1/6 tới, theo Nghị định 70/NĐ-CP của Chính phủ, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở trở lên sẽ thôi kê khai thuế khoán, thay vào đó là sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, bỏ thuế nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và DN, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN.
Đánh giá cao việc bỏ thuế khoán trong kinh doanh, nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng Cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng nêu quan điểm, việc xóa bỏ thuế khoán đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu, tuy nhiên trước đây điều kiện về công nghệ thông tin hiện đại chưa đầy đủ. Còn hiện tại, khi công nghệ đã phát triển, chúng ta có đủ nguồn lực thì việc xóa bỏ thuế khoán là một lẽ tất yếu.
Theo ông Phụng, việc xóa bỏ thuế khoán không chỉ đem lại công bằng cho tất cả những người kinh doanh mà việc này còn đảm bảo cho cơ quan thuế được thực thi pháp lụat một cách nghiêm minh và chuẩn xác, tránh việc tùy tiện chủ quan duy ý chí. “Kinh doanh có doanh thu cao thì nộp thuế nhiều, có doanh thu ít thì nộp thuế ít. Vì vậy, xóa bỏ thuế khoán là giải pháp tránh cào bằng như bao lâu nay” – ông Phụng nêu ý kiến.
Đảm bảo kê khai, nộp thuế đơn giản, thuận lợi
Việc xóa bỏ thuế khoán được cộng đồng chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao. Tuy nhiên, ở góc độ người kinh doanh vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng.
Chị Phạm Thị Mai, chủ cửa hàng tạp hóa ở Hương Sơn, Mỹ Đức cho biết: “Hàng năm cơ sở kinh doanh của gia đình tôi chỉ nộp thuế khoán với số tiền gần 800 nghìn đồng/tháng. Do bán hàng nhỏ lẻ cho dân cư xung quanh nên không thuê người, không đầu tư máy móc. Vì thế, nếu bỏ mức thuế khoán, tôi sẽ phải đầu tư chi phí lớn cho máy móc, công nghệ, rồi phải nhập hóa đơn đầu vào, đầu ra rất phức tạp. Trong khi tôi không có chuyên môn kế toán, công nghệ”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một tiệm tóc ở chung cư Dương Nội, Hà Đông cho biết, cơ sở của chị chưa bao giờ xuất hóa đơn cho khách, hàng ngày chỉ ghi chép sổ sách nội bộ. Vì thế, sắp tới xóa bỏ thuế khoán thì không biết phải chuyển đổi ra sao.
Dưới góc độ chuyên gia tư vấn thuế, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng. Cần phải hiểu kê khai ở đây không phải là kê khai theo luật Thuế Giá trị gia tăng giống với tổ chức, DN mà chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.
Tuy nhiên, theo ông Được, để việc xóa bỏ thuế khoán đi vào thực tiễn và được người dân đồng lòng thực thi thì hình thức hóa đơn, chứng từ với hộ kinh doanh phải đơn giản. Cơ quan quản lý phải tính toán làm sao để các hộ kinh doanh có thể tuân thủ quy định một cách dễ dàng.
Còn theo đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa), Nhà nước không chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê mua các nền tảng số, phần mềm kế toán để cấp miễn phí cho DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể mà cần phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng việc sử dụng các nền tảng số, phần mềm cho các hộ kinh doanh cá thể để có thể thực hiện kết nối liên thông, kê khai việc nộp thuế.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.
Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số dự thảo nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.
Phương Nga
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/xoa-bo-thue-khoan-tao-binh-dang-trong-kinh-doanh.707825.html