Chuyển đổi sang phương pháp quản lý thuế minh bạch, hiện đại
Đầu tháng năm vừa qua, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, tiểu mục 7, Mục II của nghị quyết này đã nêu rõ chủ trương xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất vào năm 2026.
Tiếp đó, ngày 17/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP để triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết định hướng rõ lộ trình loại bỏ thuế khoán trong năm 2026, chuyển đổi sang các phương pháp quản lý thuế minh bạch, hiện đại, công bằng hơn.
Theo định hướng này, kinh tế hộ gia đình vẫn tiếp tục tồn tại nhưng được phân loại quản lý thuế theo mức doanh thu hàng năm.
Theo đó, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ không phải kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, nếu khách hàng yêu cầu hóa đơn để phục vụ mục đích kế toán, đấu thầu hoặc ký hợp đồng với tổ chức, doanh nghiệp… thì có thể mua hóa đơn bán hàng tại cơ quan thuế.
Hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm sẽ được lựa chọn áp dụng thuế như sau: Mức thuế phải nộp được tính bằng doanh thu nhân tỷ lệ % thuế khoán (không phải xuất hóa đơn, không quyết toán thuế định kỳ, không tính thuế thu nhập cá nhân vì các loại thuế này đã được tính trong tỷ lệ % thuế khoán và kể cả khi kinh doanh lỗ thì số tiền thuế phải nộp vẫn không thay đổi).
Với phương pháp trực tiếp, thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng doanh thu nhân với tỷ lệ % giá trị gia tăng (không khấu trừ thuế đầu vào, dùng hóa đơn bán hàng, không quyết toán thuế định kỳ, không tính thuế thu nhập cá nhân vì các loại thuế này đã được tính trong tỷ lệ % thuế khoán và kể cả khi kinh doanh lỗ thì số tiền thuế phải nộp vẫn không thay đổi).
Với các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ phải lựa chọn áp dụng phương pháp trực tiếp hoặc được chuyển sang phương pháp khấu trừ như doanh nghiệp.
Theo đó, thuế khấu trừ là loại thuế VAT đang áp dụng cho hầu hết các loại hình doanh nghiệp hiện nay. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ phải khai thuế giá trị gia tăng đầu ra và được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ đi thuế giá trị gia tăng đầu vào hợp lệ. Ngoài ra doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế.
Phương pháp này đòi hỏi người nộp thuế phải có kế toán chuyên nghiệp và thực hiện quản lý doanh thu, chi phí theo đúng quy định hiện hành.
Bỏ thuế khoán: Thách thức không nhỏ đối với các hộ kinh doanh
Việc chuyển đổi sang các phương pháp thuế mới sẽ tạo ra không ít khó khăn cho hộ kinh doanh, nhất là khi họ đã quá quen với việc quản lý tài chính thủ công, chưa phải thực hiện kê khai thuế đầy đủ, rõ ràng.
Trước đó, các hộ kinh doanh được áp thuế trọn gói đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, do mức thuế thấp và khó xác định rõ ràng, thường được gọi là thuế khoán. Các cơ quan thuế có thẩm quyền định mức một khoản thuế trên cơ sở hồ sơ tự khai của người nộp thuế, ý kiến tư vấn hội đồng tư vấn thuế cấp xã và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 38 Luật quản lý thuế 2006, mức thuế khoán được xác định áp dụng cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng kinh doanh, phải chịu gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, thuế môn bài đóng một năm một lần vào đầu năm hoặc vào thời điểm thành lập hộ kinh doanh. Cách tính thuế môn bài căn cứ theo quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP được tính dựa trên doanh thu bình quân năm.
Nếu doanh thu từ trên 100-300 triệu đồng, mức thuế môn bài sẽ là 300.000 đồng/ năm; doanh thu trên 300-500 triệu đồng mức thuế môn bài sẽ là 500.000 đồng/năm; doanh thu trên 300-500 triệu đồng mức thuế môn bài sẽ là 1 triệu đồng/ năm. Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì sẽ được miễn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, việc xác định mức thuế khoán phải nộp với hai loại thuế này dựa trên doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng bằng doanh thu tính thuế nhân với tỷ lệ thuế. Trong đó doanh thu tính thuế xác định dựa trên những nguồn thu như tổng tiền bán hàng, tiền gia công hàng hóa, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Nếu hộ kinh doanh không thể xác định được doanh thu tính thuế hoặc trên thực tế mức doanh thu không tương xứng với khoản xác định của hộ kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế theo cách tính trên.
Mức tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng tính trên doanh thu được xác định trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Theo đó, ngành nghề phân phối, cung cấp hàng hóa tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng 1%, thuế suất thuế thu nhập cá nhân 0,5%. Ngành nghề dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng 5%, thuế suất thuế thu nhập cá nhân 2%.
Trường hợp không tính được cụ thể doanh thu tính thuế của từng ngành nghề hoặc xác định không chuẩn xác với thực tế kinh doanh thì có quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng ngành nghề kinh doanh theo quy định phân tích ở trên về quản lý thuế.
Với cách tính thuế khoán như vậy, việc chuyển đổi sang các phương pháp quản lý thuế minh bạch như các quy định mới hiện nay sẽ gây những thách thức không nhỏ đối với các hộ kinh doanh.
Thứ nhất, về tư liệu lao động và cơ sở vật chất, phần lớn hộ kinh doanh sử dụng nhà ở, đất đai và lao động gia đình sẵn có, máy móc đầu tư nhỏ lẻ, không đồng bộ.
Do đó, khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp hoặc áp dụng phương pháp khấu trừ, yêu cầu chứng từ hóa đơn đầu vào để xác định chi phí hợp lý và khấu hao tài sản lại gặp khó khăn do thiếu giấy tờ hợp lệ.
Nếu lựa chọn phương pháp trực tiếp cũng cần đáp ứng điều kiện doanh thu dưới 1 tỷ đồng và không thực hiện chế độ kế toán, dẫn đến hạn chế sự phát triển lâu dài của các hộ kinh doanh.
Thứ hai, về vấn đề sử dụng lao động, nhiều hộ kinh doanh sử dụng lao động là người thân, người già, trẻ em hoặc lao động thời vụ, sinh viên làm thêm. Theo quy định Bộ luật Lao động 2019, nếu ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng trở lên, phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ngay từ ngày bắt đầu làm việc.
Việc thực hiện các nghĩa vụ này gây áp lực lớn cho hộ kinh doanh do thủ tục phức tạp, chi phí tăng trong khi lao động thường không ổn định.
Thứ ba là gánh nặng thuế và thủ tục hành chính. Khi chuyển sang thuế kê khai theo phương pháp trực tiếp với thuế suất giá trị gia tăng 2% trên doanh thu (không được khấu trừ thuế đầu vào) có thể tạo áp lực chi phí rất lớn so với thuế khấu trừ (thuế thu nhập doanh nghiệp 20% tính trên lợi nhuận trước thuế) nhất là đối với những hộ không trực tiếp sản xuất, cung cấp dịch vụ mà kinh doanh buôn bán, lưu thông hàng hóa.
Ngoài ra, phương pháp khấu trừ yêu cầu các hộ kinh doanh phải có bộ máy kế toán bài bản, quyết toán thuế định kỳ phức tạp, phát sinh chi phí kế toán và tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các chủ hộ kinh doanh chưa có kinh nghiệm quản trị tài chính và thuế.
Thứ tư, việc tách bạch giữa chi phí cá nhân và chi phí phục vụ hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các khoản chi cho cá nhân chủ doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm cả tiền lương, chi phí sinh hoạt cá nhân (ăn uống, nhà ở, đi lại…).
Sự chồng chéo giữa chi phí gia đình và chi phí kinh doanh cũng là thách thức lớn khi thực hiện chế độ kế toán đầy đủ.
Cần giải pháp riêng cho mô hình "doanh nghiệp siêu nhỏ"
Để tháo gỡ các nút thắt này, Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống chính sách rõ ràng, minh bạch và thiết kế khung pháp lý riêng cho “doanh nghiệp siêu nhỏ” tách biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.
Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách đối với mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ để các quy định yêu cầu thay đổi, chuyển đổi đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện như xây dựng quy trình quản lý thuế đơn giản, dễ thực hiện; có chính sách ưu đãi thuế hợp lý trong thời gian đầu chuyển đổi.
Bên cạnh đó, các quy định cần nới lỏng yêu cầu kế toán, chứng từ phù hợp với quy mô nhỏ. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho hộ kinh doanh khi chuyển đổi.
Chủ trương loại bỏ thuế khoán là tất yếu để tiến tới nền kinh tế minh bạch, hiện đại và công bằng. Tuy nhiên, Chính phủ cần nhìn nhận thực tế những khó khăn mà hộ kinh doanh đang đối mặt để thiết kế chính sách chuyển đổi phù hợp, đồng hành và hỗ trợ các hộ kinh doanh trong quá trình chính thức hóa, mở rộng quy mô và hội nhập thị trường.
Ngô Gia Cường