Đề xuất mở rộng danh mục ngành được giảm thuế VAT 2%

Đề xuất mở rộng danh mục ngành được giảm thuế VAT 2%
8 giờ trướcBài gốc
Chiều 21/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Thảo luận tại Tổ 11 gồm các đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn khó lường, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những công cụ hiệu quả để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và góp phần ổn định vĩ mô.
"Việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách đến hết năm 2026 và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế là cần thiết nhằm thể chế hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025 với chỉ tiêu GDP tăng 8%, từ đó tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030," đại biểu đánh giá.
Cùng đó, chính sách giảm thuế không chỉ giúp hạ giá thành hàng hóa và dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ trực tiếp người dân thông qua việc giảm chi phí tiêu dùng. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thu nhập người dân chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng cho rằng, để đảm bảo tính bền vững của chính sách giảm thuế, cần đánh giá kỹ tác động tới ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ, số giảm thu NSNN dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2025 là khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng và cả năm 2026 là 82,2 nghìn tỷ đồng, tổng cộng hơn 121 nghìn tỷ đồng.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý thu hiệu quả. Đồng thời, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính và siết chặt thu trong các lĩnh vực như bất động sản, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...
Cùng với đó, việc điều hành chi ngân sách cũng cần được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường tiết kiệm và huy động các nguồn lực hợp pháp cho các nhiệm vụ cấp bách, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.
Thảo luận tại Tổ 11 gồm các đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM cho hay, Quốc hội đã nhiều lần thảo luận về giảm VAT trong các kỳ họp trước. Khi đó, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề kéo dài thời gian giảm thuế nhưng Chính phủ đề nghị cân nhắc do lo ngại ảnh hưởng đến thu ngân sách nên chỉ áp dụng trong 6 tháng.
"Tuy nhiên, thực tế cho thấy những kỳ giảm thuế vừa qua thu ngân sách đã tăng. Điều này có nghĩa việc giảm thuế VAT đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng," đại biểu Ngân nhấn mạnh và cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 thì tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải tăng khoảng 12% trở lên.
Do đó, đại biểu đề nghị việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng không nên chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng mặt hàng, nên mạnh dạn áp dụng cho tất cả các mặt hàng trong đó có sản phẩm công nghệ, viễn thông... nhằm tăng cường sức mua của người tiêu dùng, thúc đẩy việc bán buôn, bán lẻ.
Họp tổ Đoàn ĐBQH TP HCM chiều ngày 21/05. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP HCM cũng tán thành việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ nay tới cuối năm 2026. Theo đại biểu, trước đây cứ 6 tháng việc giảm thuế lại được đưa ra Quốc hội để biểu quyết một lần không tạo được sự ổn định trong hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong việc chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đại biểu cho rằng, hiện Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu 10% với tất cả đối tác thương mại nhưng trong thời gian tới, các nước cũng phải tích cực trong việc đàm phán để có một mức thuế hợp lý nhất. Do đó, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp, theo đại biểu, Việt Nam cần phải phát huy, tăng cường nội lực. Kích cầu tiêu dùng là một trong những yếu tố rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dự kiến là trên 8%, cũng như đột phá cho những năm tiếp theo.
"Ngoài việc đa dạng hóa thị trường, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cũng là một chủ trương rất kịp thời, đúng đắn trong quá trình thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, phù hợp với năng lực, điều kiện hấp thụ của nền kinh tế. Chúng ta nên áp dụng việc giảm thuế cho tất cả hàng hóa chứ không nên hạn chế một số nhóm ngành. Như vậy, sức hấp thụ của nền kinh tế sẽ tăng," đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026 là một chính sách tài khóa quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thay vì "trợ đều" cho tất cả, chính sách thuế nên hướng đến "trợ đúng", tức là tập trung nguồn lực ngân sách vào những ngành, lĩnh vực thực sự cần hỗ trợ. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất chuyển từ giảm đồng loạt 2% thuế VAT sang giảm sâu 4-5% nhưng có điều kiện, áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, starup công nghệ, ngành chịu ảnh hưởng lớn (dịch vụ, sản xuất phụ trợ, chế biến nông sản) để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng.
Cùng với đó, đại biểu đề xuất mở rộng danh mục ngành được hưởng ưu đãi giảm thuế VAT với ngành công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo; y tế tư nhân. Hiện ngành công nghệ thông tin chưa nằm trong diện được giảm thuế VAT, trong khi đây là lĩnh vực then chốt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Việc giảm thuế sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ và gia tăng năng suất trong nền kinh tế.
Với ngành giáo dục và đào tạo, dù một số dịch vụ giáo dục được miễn thuế, nhưng nhiều chương trình đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ vẫn đang chịu mức thuế 10%. Giảm thuế cho các dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cũng theo đại biểu, việc các dịch vụ y tế tư nhân vẫn phải chịu thuế VAT 10% đã làm tăng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Việc điều chỉnh giảm thuế cho lĩnh vực này sẽ khuyến khích đầu tư xã hội hóa vào y tế và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, nhất là tại khu vực còn hạn chế về hạ tầng.
"Về lâu dài, cần từng bước chuẩn bị cải cách Luật Thuế Giá trị gia tăng, hướng tới thuế suất phân tầng theo chuỗi giá trị hoặc khu vực doanh nghiệp, thay vì một mức thuế phổ quát. Đồng thời, tăng hỗ trợ gián tiếp thông qua giảm chi phí bảo hiểm xã hội, ưu đãi lãi suất mục tiêu, miễn lệ phí đăng ký tài sản trí tuệ, hỗ trợ chuyển đổi số...," đại biểu Thạch Phước Bình nêu.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-mo-rong-danh-muc-nganh-duoc-giam-thue-vat-2-41759.html